Mối quan hệ doanh nghiệp - đại học - sinh viên được ví như “kiềng 3 chân” tạo nên nguồn nhân lực phát triển toàn diện cả về kiến thức chuyên môn lẫn kỹ năng làm việc cho xã hội.
Ngay từ những ngày đầu bước chân vào giảng đường theo học ngành Công nghệ thông tin, Đại học Công nghệ TP.HCM (Hutech), Lê Minh Quang đã ấp ủ ước mơ trở thành kỹ sư IT tài năng sau khi chứng kiến thành tích ấn tượng của các đàn anh, đàn chị khóa trước.
Trong 3 năm học, Minh Quang không những duy trì phong độ tốt với điểm trung bình chung tích lũy 3.46/4.00, mà còn tích cực tham dự các hội thảo, workshop, talkshow nghề nghiệp và nhiều cuộc thi học thuật do trường tổ chức. Việc được tạo điều kiện tối đa tại “giảng đường doanh nghiệp” cùng nỗ lực không ngừng nghỉ giúp cựu sinh viên Hutech trở thành nhân sự chính thức của Công ty Hitachi Vantara Vietnam ngay sau khi kết thúc kỳ thực tập.
“Minh Quang có tinh thần chủ động trong công việc rất cao, cùng với đó là khả năng tìm tòi, chịu khó học hỏi và tiếp thu những cái mới. Bạn nhanh chóng thích nghi với công việc, tích cực chia sẻ và trao đổi cùng các đồng nghiệp, hoàn thành nhiệm vụ với tất cả trách nghiệm”, bà Lê Diệp Cẩm Bình - Giám đốc Nguồn nhân lực Công ty Hitachi Vantara Vietnam - nhận xét. Đánh giá của bà Cẩm Bình cũng là điều phần lớn doanh nghiệp tại thị trường lao động hiện nay mong muốn và yêu cầu ở đội ngũ nhân sự.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy không ít sinh viên mới ra trường để vuột mất các cơ hội việc làm tốt. Lý do phổ biến có thể kể đến là kỹ năng mềm còn hạn chế, thiếu hiểu biết về môi trường doanh nghiệp hay kinh nghiệm làm việc. Những yếu tố này tạo ra “cú sốc văn hóa” khi sinh viên rời ghế giảng đường. Bởi lẽ, trong bối cảnh thị trường lao động cạnh tranh và đòi hỏi ngày càng cao như hiện nay, tấm bằng tốt nghiệp là không đủ để chứng minh ứng viên có thể làm việc tốt, đặc biệt với những ngành kinh tế, dịch vụ đòi hỏi nhiều kỹ năng và trải nghiệm.
Khác với trình độ phổ thông, trường đại học không đơn thuần là nơi để sinh viên lĩnh hội kiến thức từ sách vở, mà còn phải tạo ra môi trường giàu trải nghiệm. Việc kết hợp hài hòa giữa lý thuyết và thực hành từ lâu đã là bài toán khó với đội ngũ làm giáo dục ở Việt Nam.
Tạo ra một không gian cho sinh viên học tập ngoại khóa, tiếp xúc doanh nghiệp, học hỏi các chuyên gia trong ngành, khám phá quy trình làm việc, sản xuất tại các tập đoàn, cơ sở, xưởng sản xuất… được xem là yêu cầu quan trọng, nhưng đồng thời là thách thức với các trường đại học.
Để làm được điều này, các cơ sở đào tạo giáo dục cần sự đồng hành xuyên suốt và toàn diện từ doanh nghiệp, chính là những nhà tuyển dụng tương lai. Một mặt, các doanh nghiệp có thể tham gia đào tạo và “đón đầu” nhân lực ngay khi còn ngồi trên ghế giảng đường. Mặt khác, các trường đại học có thể liên tục tham vấn ý kiến để xây dựng chương trình đào tạo phù hợp yêu cầu của doanh nghiệp, thị trường.
Từ đây, dễ thấy tăng cường hợp tác doanh nghiệp là chìa khóa quan trọng, góp phần giải bài toán nhân lực cho thị trường lao động. “Giảng đường doanh nghiệp” - “điểm chạm” giữa định hướng đào tạo và nhu cầu của nhà tuyển dụng - đã thúc đẩy các sinh viên trẻ năng động như Minh Quang trở thành nhân sự chất lượng cao chỉ sau vài năm học tập. Mô hình này không những giảm tải áp lực học tập mà còn giúp sinh viên học đúng, học trúng kiến thức, kỹ năng mà nền kinh tế hiện đại đòi hỏi.
GS.TSKH Hồ Đắc Lộc - Hiệu trưởng Hutech - khẳng định: “Đẩy mạnh hợp tác doanh nghiệp là một trong những định hướng chiến lược của Hutech. Những năm qua, việc được thực tế, thực tập, học hỏi từ doanh nghiệp đã giúp sinh viên không ngừng trau dồi và hoàn thiện kiến thức, hiểu biết thực tiễn cùng kỹ năng làm việc. Đây cũng là xu hướng phát triển chung của các trường đại học ở Việt Nam hiện nay”.
Cầm trên tay hồ sơ ứng tuyển tại gian hàng của Công ty Hitachi Vantara Vietnam, Nguyễn Lê Hồng Vi - sinh viên năm 4 khoa Công nghệ thông tin, chuyên ngành Công nghệ phần mềm của Hutech - hào hứng: “Mình tham gia Hutech IT Open Day và chọn ứng tuyển vào vị trí tester tại Hitachi Vantara Vietnam. Sau khi được tham quan và tập huấn kỹ năng cùng đội ngũ nhân sự, mình rất ấn tượng với môi trường làm việc chuyên nghiệp của công ty. Đó là lý do mình chủ động học thêm tiếng Anh và tham dự nhiều workshop nhằm tăng cơ hội trúng tuyển”.
Trong năm thứ 7 được tổ chức, “Hutech IT Open Day” đã thu hút hơn 3.000 vị trí tuyển dụng tới từ hơn 35 công ty, doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Đây được xem là “sàn giao dịch” việc làm cho sinh viên lớn nhất TP.HCM và các tỉnh, thành phố lân cận. Đó là chưa kể đến những ngày hội việc làm cho khối ngành Quản trị Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn, Kinh tế - Tài chính - Thương mại - Ngân hàng, Kiến trúc - Xây dựng với trung bình 30-40 nhà tuyển dụng/sự kiện.
Chương trình giảng dạy dù bám sát thực tiễn tới đâu, cũng khó sánh với trải nghiệm thực tế. Do đó, nhằm tăng tỷ lệ trúng tuyển việc làm sau khi ra trường cho sinh viên, thay vì yêu cầu dành 100% thời gian trên giảng đường, Hutech hợp tác, liên kết nhiều doanh nghiệp, công ty lớn để người học có cơ hội “thực chiến” từ sớm.
Cụ thể, với nhóm ngành Quản trị Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn, sinh viên Hutech được tham quan kiến tập tại các khách sạn lớn như Holiday Inn & Suites Saigon Airport, Pullman, Imperial, The Cliff... Ngoài ra, trường còn hợp tác để đưa sinh viên tới FPT Software HCM, DXC Techonology, TMA Tech Group... (nhóm ngành Công nghệ thông tin); các doanh nghiệp có vốn nước ngoài và trung tâm ngoại ngữ (nhóm ngành Ngôn ngữ Anh - Trung - Nhật - Hàn); nhiều agency, công ty truyền thông, ê-kíp làm phim… (nhóm ngành Truyền thông - Quan hệ công chúng).
Việc tham quan, kiến tập tại doanh nghiệp có thể mất thời gian di chuyển, nhưng mang đến nhiều cơ hội cho sinh viên: Trực tiếp quan sát, học tập, tìm hiểu quy trình làm việc và quản lý của doanh nghiệp; rèn giũa thái độ, tác phong trong công việc; tích lũy kinh nghiệm từ đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp… Từ đây, các bạn dễ dàng nhận biết và vận dụng hiệu quả kiến thức trọng yếu trong sách vở vào thực tiễn.
Bên cạnh đó, trải nghiệm thực tế này còn tạo cơ hội cho sinh viên gặp gỡ đại diện các doanh nghiệp. Đây là bước khởi đầu để mở rộng mối quan hệ và tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng. Điều này đặc biệt có lợi cho quá trình “săn việc” trong tương lai. Đồng thời, sinh viên hoàn toàn có thể nắm bắt xu hướng, biến động và dự kiến xu thế của thị trường lao động, từ đó xây dựng lộ trình học tập, rèn luyện hợp lý.
“Việc gặp gỡ, học tập cùng đại diện Công ty Truyền thông Early Morning giúp mình mở mang kiến thức và nâng cao kỹ năng làm việc, đặc biệt là cộng tác với người nổi tiếng. Tại đây, mình được lĩnh hội kiến thức bổ ích, góp phần cải thiện và trau dồi kỹ năng giao tiếp, xây dựng các mối quan hệ cũng như giải quyết tình huống trong công việc”, Gia Huy - sinh viên ngành Quan hệ công chúng tại Hutech - chia sẻ.
Đại học là cánh cửa mở ra tương lai, còn “giảng đường doanh nghiệp” được xem như nơi dẫn lối, tạo đà để sinh viên khắc phục điểm yếu về kinh nghiệm và trải nghiệm, song song phát huy năng lực, sớm định hướng bản thân để tự tin bước vào thị trường lao động.
Với mục tiêu đào tạo nên đội ngũ nhân sự trẻ năng động có chất lượng cao, Hutech qua những thành tựu đạt được, đã chứng minh người làm công tác giáo dục đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp nói riêng và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung.