Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Giáo án thu nộp... tiền', nỗi ám ảnh của người thầy

Chuyện nộp tiền, thu tiền không chỉ là nỗi ám ảnh của nhiều bậc phụ huynh, học sinh mà nó còn là nỗi ám ảnh của nhiều thầy cô giáo, người đang trực tiếp thực hiện nhiệm vụ thu tiền

Sáng nay, có một đồng nghiệp chia sẻ trên trang facebook cá nhân những cảm xúc, trăn trở về câu chuyện: Có một chị phụ huynh nhắn tin điện thoại cho mình nội dung: “Xin thầy đừng nhắc tên học sinh... về chuyện cháu chưa nộp tiền trên lớp. Tôi sẽ cố gắng thu xếp để nộp cho thầy sớm. Cám ơn thầy!”.

Vì bận công việc, thầy giáo chưa kịp trả lời nên chị ấy đã tìm đến tận nhà thầy để xin cho con.

Câu chuyện trên làm tôi nhớ đến một chi tiết trong tản văn “Ngược dòng nước mắt” của nhà văn Phạm Lữ Ân. Vì đến hạn nộp học phí, mẹ chưa có tiền, nhân vật tôi không chịu đi học.

Cậu thấy buồn tủi và xấu hổ trước viễn cảnh cả lớp đã đóng học phí còn mình thì chưa, đã đánh liều đi vay tiền người quen để đóng...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Học phí đại học sẽ tăng

Theo Nghị định 49, mức trần học phí đối với đào tạo trình độ đại học tại trường công lập theo các nhóm ngành đào tạo chương trình đại trà tăng 10% mỗi năm.

Kỷ niệm về lần đóng tiền ấy đã trở thành nỗi ám ảnh của nhà văn cho đến khi trưởng thành và đã đi vào câu chuyện của ông trong cuốn sách mang tên “Nếu biết trăm năm là hữu hạn”.

Chuyện nộp tiền, thu tiền đó không chỉ là nỗi ám ảnh của nhiều bậc phụ huynh, nhiều học sinh mà nó còn là nỗi ám ảnh của nhiều thầy cô giáo, người đang trực tiếp thực hiện nhiệm vụ thu tiền.

Thời gian qua, điều kiện kinh tế của người dân đã được cải thiện nhiều. Song, gánh nặng về tiền bạc vẫn đeo đẵng dai dẵng đối với nhiều gia đình còn quá khó khăn trong việc mưu sinh.

Và trong đời làm thầy của mình, ai cũng từng trải qua câu chuyện như vậy. Ai cũng từng nhận những tin nhắn, những cuộc gọi, những cuộc gặp chỉ với mục đích mong thầy giáo đừng nhắc tên con mình trước lớp vì chuyện chưa nộp tiền.

Không chỉ phải đối diện với nhiều cảnh ngộ của phụ huynh, giáo viên còn chịu áp lực từ phía lãnh đạo nhà trường khi thu tiền. Có đơn vị trường học còn đem chuyện thu nộp không đạt chỉ tiêu (không kịp tiến độ, hoặc bị thất thu do học sinh nợ tiền) ra để làm căn cứ đánh giá thi đua giáo viên.

Cũng có đơn vị, đem chuyện chưa hoàn tất các khoản thu nộp làm căn cứ để xếp loại hạnh kiểm học sinh đó. Và người giáo viên trong trường hợp này, phải đứng giữa “dở khóc dở cười”.

Theo học sinh cũng khó cho thầy, theo chỉ đạo cấp trên thì khó cho học sinh... Cũng có không ít thầy cô giáo đã bỏ tiền túi của mình ra để nộp thay cho học sinh của mình.

Bởi vì đây cũng là một nhiệm vụ phải hoàn thành nên giáo viên lên lớp, ngoài tiết dạy chính thức, trong giờ sinh hoạt lớp, khi tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ thì có thêm phần thu tiền và nhắc nhở thu tiền.

Nhiều lúc, đang nói lời hay ý đẹp, đang giáo dục kỹ năng sống, đang tổ chức trò chơi... họ bỗng dừng lại nhắc: “Các em nhớ nộp tiền cho cô nhé, ngày mai là đến hạn rồi”.

Có thể thấy, người giáo viên ngoài công việc giảng dạy trên lớp, họ còn phải soạn giáo án, ghi chép sổ sách, chấm bài... Họ còn nhiều trăn trở với chất lượng học tập, đạo đức nhân cách học sinh và biết bao nhiêu công việc, hoạt động không tên khác.

Nhưng ngoài tất cả những công việc trên, họ còn phải làm thêm một loại giáo án có tên “giáo án thu nộp” nữa. Về nghĩa đen, đây đúng là “giáo án”, có ghi chép đầy đủ các khoản thu nộp, có ngày tháng nộp tiền, có chữ ký của phụ huynh.

Có sự theo dõi qua từng tháng, từng đợt để tổng kết nộp lên nhà trường. Về nghĩa bóng, “giáo án” này cũng cần nhiều công sức và tâm huyết. Có khi còn phải rơi nước mắt như câu chuyện đồng nghiệp chia sẻ trên Facebook.

Có khi vô ý sơ suất, thu nộp bị nhầm lẫn hoặc thiếu chữ ký, giáo viên thu tiền phải đối diện với những tình huống rất "nhạy cảm” mà chỉ có những người trong cuộc mới thấu hiểu hơn ai hết.

Một giáo viên khi lên lớp, họ đã phải bỏ lại tất cả mọi lo toan về gánh nặng “cơm áo gạo tiền” của mình bên ngoài cổng trường. Họ chỉ còn bài giảng, lớp học và học trò.

Vậy mà, nhiệm vụ thu tiền đã khiến họ không thể bỏ lại hoàn toàn chuyện “cơm áo gạo tiền” này. Thêm một lần nữa lại phải tính tính toán toán, đau đầu và trăn trở...

Nếu cho giáo viên một điều ước, họ sẽ ước gì không phải soạn giảng “giáo án thu nộp” này. Được như thế, họ như được cất đi một gánh nặng “tâm lý”, họ sẽ bỏ bớt đi những ưu tư, trăn trở không đáng có để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ dạy học của mình.

Hí họa: Tiền trường nặng trĩu đôi vai người nghèo

Bạn đọc Nguyễn Văn Dũng chia sẻ ảnh hí họa về nỗi lo đóng góp đầu năm học của phụ huynh nghèo, cũng như những vất vả khi đến trường của trẻ em vùng khó khăn.

http://laodong.com.vn/ban-doc-viet/giao-an-thu-nop-tien-noi-am-anh-cua-nguoi-thay-380538.bld

Theo Lâm Thị Thủy/Lao Động

Bạn có thể quan tâm