Bão số 12 càn quét, mưa lớn liên tục kéo dài gây sạt lở núi, khoét nhiều tuyến đường liên huyện, liên xã ở vùng cao Quảng Ngãi thành vực sâu. Điều này gây nguy hiểm cho hàng nghìn giáo viên, học sinh.
Từ đầu tháng 11 đến nay, nhiều giáo viên công tác ở huyện miền núi Tây Trà chưa dám về thăm nhà vì lo sợ núi sạt lở, đá tảng từ trên cao lăn xuống.
Lũ quét khoét sâu 2/3 tuyến đường Tỉnh lộ 622B, đoạn qua xã Trà Lãnh, huyện vùng cao Tây Trà gây nguy hiểm cho giáo viên, học sinh qua lại. Ảnh: Minh Hoàng. |
Cô Dương Thị Dư, giáo viên chủ nhiệm lớp 4A, trường Tiểu học Trà Quân (huyện Tây Trà), cho hay sau bão 12, mưa lớn liên tục gây sạt lở núi, ách tắc giao thông.
"Nhiều tảng đá nặng hàng chục tấn từ trên đỉnh núi cao lăn xuống, nằm ngổn ngang trên đường. Nghĩ đến cảnh giáo viên, học sinh đang đi trên đường, núi lở làm đất, đá bất ngờ tràn xuống, chúng tôi rất lo lắng", cô giáo trẻ nói.
Theo thống kê sơ bộ của Phòng GD&ĐT Tây Trà, 3 tuần qua, mưa lũ gây sạt trượt, xói lở 6 công trình trường học ở các xã Trà Quân, Trà Khê, Trà Thọ, Trà Xinh...
Mưa lũ gây xói lở nặng bờ kè bảo vệ trường Tiểu học Trà Quân. Ảnh: Minh Hoàng. |
Đứng bên bờ kè bao quanh trường bị xói lở, thầy giáo Trần Ngọc Thái, Hiệu trưởng trường Tiểu học Trà Quân, lo lắng nếu mưa lớn kéo dài sẽ tiếp tục gây sạt trượt bờ kè lấn sâu vào đến phòng học.
"Lo nhất là các em chạy nhảy, nô đùa không may trượt chân rơi xuống nơi sạt lở, hoặc dọc đường đến trường dễ trượt ngã rơi xuống hố sâu", hiệu trưởng nói.
Sạt lở núi cuốn theo hàng nghìn khối đất, đá vùi lấp quãng đường dài ở thôn Trà Nga, xã Trà Phong. 526 hộ dân với hơn 2.200 nhân khẩu xã Trà Xinh (huyện Tây Trà) bị cô lập cả tháng qua. Nhiều giáo viên phải đi bộ băng rừng 5 km, lội trong bùn nhão, chật vật vượt qua điểm sạt lở núi hiểm họa rình rập đến trường dạy học.
Thầy giáo Dương Quang Bình, giáo viên trường THCS Bán trú Trà Xinh, nói núi lở vùi lấp đường gây cô lập hoàn toàn xã Trà Xinh suốt cả tháng qua.
Sạt lở núi nghiêm trọng vùi lấp đường ở thôn Trà Nga, xã Trà Phong gây cô lập hoàn toàn xã Trà Xinh, huyện Tây Trà suốt cả tháng qua. Ảnh: Minh Hoàng. |
"Cạn kiệt lương thực dự trữ, cuối tuần, chúng tôi phải đi bộ, băng rừng tìm cách vượt qua điểm lở núi đến trung tâm huyện mua gạo, thực phẩm nấu ăn", ông Bình bộc bạch.
Trao đổi với Zing.vn, ông Phạm Sơn, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tây Trà, chia sẻ mưa lũ gây lở núi và tạo nhiều hố sâu trên các trục đường từ trung tâm huyện về các xã gây hiểm nguy cho giáo viên, học sinh. Lo nhất là núi lở gây cô lập hoàn toàn xã Trà Xinh suốt cả tháng qua khiến cho cuộc sống hàng chục giáo viên công tác ở địa phương này thiếu thốn, cơ cực trăm bề.
"Họ chưa thể về thăm nhà vì giao thông ách tắc suốt cả tháng qua. Mong rằng cơ quan chức năng sớm khai thông các điểm sạt lở, khắc phục các hạng mục công trình trường học hư hỏng do mưa lũ gây ra, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, học sinh nơi đây", ông Sơn kiến nghị.