Volkswagen Việt Nam vừa ra mắt mẫu xe mới T-Cross. Việt Nam là quốc gia thứ 2 tại Đông Nam Á được phân phối Volkswagen T-Cross, mẫu xe này từng được giới thiệu tại Indonesia vào tháng 2 năm nay.
Giá bán gây bất ngờ
Trước khi được giới thiệu chính thức, tin đồn về mức giá 1,2 tỷ đồng của T-Cross khiến nhiều người không khỏi bất ngờ cho một mẫu SUV hạng B. Đến ngày ra mắt, tin đồn về giá bán của T-Cross hoàn toàn chính xác.
Volkswagen Việt Nam phân phối T-Cross với 2 phiên bản là Elegance và Luxury, đi kèm giá bán lần lượt 1,099 tỷ và 1,299 tỷ đồng.
So với 2 "người anh" Tiguan (1,699 tỷ đồng) và Teramont (2,349 tỷ đồng), T-Cross có mức giá dễ tiếp cận nhất trong dải sản phẩm SUV của Volkswagen tại Việt Nam.
Trong nhóm SUV hạng B, Volkswagen T-Cross rõ ràng gặp bất lợi về giá khi so với những đối thủ như Toyota Corolla Cross (746-936 triệu đồng) hay Kia Seltos (639-759 triệu đồng). Ngay cả khi so với đối thủ đến từ châu Âu như Peugeot 2008 (769-849 triệu đồng), mức giá của T-Cross cũng đắt hơn khá nhiều.
Trang bị trên T-Cross cũng chưa thật sự tương xứng với mức giá được Volkswagen Việt Nam đưa ra. Đi cùng với giá bán, sự tương phản càng rõ nét.
T-Cross Elegance với giá bán 1,099 tỷ đồng nhưng chỉ có đèn chiếu sáng halogen, mâm 16 inch... Phiên bản Luxury có phần tốt hơn với đèn chiếu sáng LED, cửa sổ trời hay màn hình tốc độ điện tử, tuy nhiên phanh sau vẫn là dạng tang trống và cốp sau đóng mở cơ.
Động cơ tăng áp 1.0L của T-Cross cho công suất gần 115 mã lực, mô-men xoắn cực đại 178 Nm. Các thông số sức mạnh hoàn toàn thấp hơn những đối thủ cùng phân khúc như Kia Seltos 1.4 (138 mã lực, 242 Nm), Toyota Corolla Cross 1.8G (138 mã lực, 172 Nm) hay Peugeot 2008 (133 mã lực, 230 Nm).
Trong tầm giá của T-Cross, khách hàng Việt Nam hoàn toàn có thể lựa chọn được những mẫu SUV rộng hơn, nhiều trang bị hơn và mạnh hơn. Hyundai Santa Fe (1,03-1,34 tỷ đồng) hay Kia Sorento (1,199-1,299 tỷ đồng) là những ví dụ điển hình.
Các mẫu xe cùng mức giá đều nhỉnh hơn với những trang bị như ghế ngồi có sưởi và làm mát, hệ thống âm thanh Bose hay Harman Kardon, chìa khóa dạng thẻ (Santa Fe)... Sức mạnh của các mẫu SUV này có công suất khoảng 180 mã lực và mô-men xoắn cực đại khoảng 230 Nm.
Hướng đến nhóm khách hàng nhỏ hẹp
Nhìn nhận khách quan, Volkswagen T-Cross bán tại Việt Nam không dành cho số đông người tiêu dùng. Chi trả hơn 1 tỷ đồng cho một chiếc SUV hạng B là điều khiến nhiều người cân nhắc.
Mẫu SUV hạng B này sẽ không nằm trong danh sách chọn lựa của nhóm khách hàng tìm một chiếc SUV đô thị nhỏ gọn, mức giá hợp lý và nhiều trang bị tiện ích. Thay vào đó, T-Cross hướng đến nhóm khách hàng trẻ, dư dả tài chính và đang tìm kiếm cho mình một chiếc xe châu Âu nhỏ gọn, lạ mắt, không đụng hàng.
Việc lựa chọn thị trường ngách chắc chắn sẽ khiến cho T-Cross không có doanh số ấn tượng như Toyota Corolla Cross hay Kia Seltos.
Bù lại, T-Cross sẽ tạo được một phân khúc riêng, SUV cỡ nhỏ cao hơn Kia Seltos, Hyundai Kona, MG ZS... nhưng vẫn dễ tiếp cận hơn các dòng xe sang như Mercedes-Benz GLC, Audi Q2 hay BMW X1.
Tất nhiên với thị trường dành cho những Gen Z "nhà có điều kiện", Volkswagen T-Cross cũng chưa hẳn có lợi thế vượt trội, khi phải cạnh tranh với những mẫu xe cỡ nhỏ của Mini hay sắp tới đây là Honda HR-V.
Thiết kế của T-Cross cũng không hẳn là tạo sự hấp dẫn đặc biệt, khi nó không quá thời trang như Mini, cũng không thể thao như HR-V, điểm khác biệt có lẽ đến từ thương hiệu Volkswagen vốn nổi tiếng bền bỉ tại châu Âu.
Volkswagen Việt Nam kỳ vọng bán được khoảng 100 xe trong năm nay, đây là con số không dễ với một mẫu xe có thị trường hẹp như T-Cross, tuy nhiên cũng có thể đạt được, trong bối cảnh toàn thị trường đang thiếu xe giao và khách hàng phải đợi rất lâu.