Giới trẻ đón mưa sao băng vào sáng 22/4
Mưa sao băng Lyrids sẽ đạt cực điểm vào lúc 12h30 giờ Việt Nam (5h30 UT) ngày 22/4 với tần suất trong điều kiện tối ưu 18 sao băng/giờ.
>> Khi Mặt Trăng nhuộm sắc đỏ trên bầu trời VN
>> Tối nay có mưa sao băng cực điểm
Chúng ta có thể quan sát các sao băng của trận mưa sao này từ ngày 16 tới 25/4, tuy nhiên tốt nhất là từ sau nửa đêm tới rạng sáng ngày 22/4 và ngày 23/4.
Theo anh Đặng Tuấn Duy - chủ nhiệm CLB Thiên văn nghiệp dư TP.HCM, trong lân cận cực điểm, trăng non đầu tháng tạo điều kiện lý tưởng để quan sát trận mưa sao băng này. Song, đặc biệt nhất là từ sau nửa đêm tới rạng sáng khi chòm sao Lyra với ngôi sao Chức nữ (Vega) sẽ rất sáng, lên cao dần ở chân trời Đông Bắc.
Nguồn gốc của mưa sao băng Lyrids bắt nguồn từ sao chổi có chu kì xác định C/1861 G1 (Thatcher). Trận mưa sao này đã được quan sát từ khoảng 2600 năm trước.
Mưa sao băng Lyrids
Anh Duy chia sẻ thêm, quan sát mưa sao băng là một hoạt động bạn chỉ cần dùng mắt thường mà thôi. Bởi các sao băng di chuyển với vận tốc quá nhanh (vài chục km/s) để có thể được quan sát và theo dõi qua kính thiên văn hay thậm chí là cả ống nhòm.
Dù năm nay tần suất của trận mưa sao Lyrids chỉ là khoảng 18 sao băng/ giờ theo dự kiến vào lúc đỉnh điểm, nhưng trận mưa sao này được biết đến là có khả năng gia tăng tần suất bất thường và nhiều khi tần suất có thể lên cao tới 90 vệt sao băng/giờ (1982). Đây chính là một trong các lý do khiến trận mưa sao Lyrids rất đáng cho chúng ta quan sát.
Mọi địa phương ở Việt Nam đều có thể quan sát được mưa sao băng nhưng điều kiện và thời tiết ở mỗi nơi sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc chiêm ngưỡng các sao băng nhiều hay ít. Vì vậy, bạn nên nhìn bao quát cả vùng trời rộng phía Đông Bắc sau nửa đêm, đừng tập trung một chỗ, bạn cũng không cần phải biết vị trí của chòm sao Lyra (Thiên cầm) mới quan sát được sao băng. Đừng hiểu nhầm tâm điểm ở chòm Lyra có nghĩa là sao băng chỉ bay từ đó ra, nó có thể xuất hiện ở những chòm sao khác thậm chí rất xa tâm điểm, nhưng nếu để ý ta sẽ thấy đường kéo dài hướng bay của sao băng có vẻ chụm lại ở gần chòm Lyra.
Các trận mưa sao băng diễn ra khi Trái đất chúng ta đi ngang qua đám mây bụi khí (mảnh vụn đá bụi thiên thạch) để lại bởi các sao chổi hay tiểu hành tinh trong quá khứ. Kết quả, thay vì chỉ là một vài các sao băng, hay còn gọi là các “sao rơi, sao sa hay sao đổi ngôi” mà chúng ta thấy vào mỗi đêm trời trong, chúng ta sẽ thấy một trận mưa sao băng: hàng tá hay thậm chí có thể hàng trăm các sao băng dường như đến từ cùng một hướng trên bầu trời trong cả đêm. |
Tào Nga
Theo Infonet