Theo nghiên cứu của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc công bố hôm 15/3, những người ở độ tuổi 24-39 có thu nhập cao gấp 1,4 lần số tiền kiếm được của những người tầm tuổi vào năm 2000. Nghiên cứu dựa trên những gia đình có chủ hộ là nam giới và có công việc ổn định.
Con số này nhỏ hơn so với mức 1,5 lần về thu nhập của Thế hệ X (người sinh từ năm 1965 đến 1979) so với thế hệ ngay trước họ và mức 1,6 lần của Thế hệ Baby Boomer (sinh từ năm 1955 đến 1964) so với thế hệ ngay trước họ.
“Thế giới phải đối mặt với mức tăng trưởng thấp sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Sự tăng trưởng thu nhập của Millennials và Thế hệ Z giảm so với các thế hệ trước do mức lương của sinh viên tốt nghiệp đại học có việc làm ngay sau cuộc khủng hoảng đã giảm đáng kể”, Choi Young-jun, người đứng đầu cuộc nghiên cứu của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc, cho biết.
So với các thế hệ trước, giới trẻ Hàn Quốc hiện tại có mức tăng thu nhập thấp hơn, vay tiền nhiều hơn. Ảnh minh họa: SCMP. |
Theo báo cáo, tình trạng kinh tế của hai nhóm này "dễ bị tổn thương" hơn so với các thế hệ trước. Nghiên cứu được tiến hành khi thế hệ Millennials và Thế hệ Z trở thành những người tiêu dùng chính thúc đẩy nền kinh tế. Họ chiếm 46,9% dân số vào năm 2020.
Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, thế hệ trẻ cũng phải vay nhiều tiền hơn để mua nhà do giá nhà đất tăng vọt. Tổng số nợ mà Millennials và Thế hệ Z nắm giữ năm 2018 cao gấp 4,3 lần so với những người tầm tuổi vào năm 2000. Trong khi đó, số nợ của thế hệ X chỉ cao hơn 2,4 lần, thế hệ Baby Boomer cao hơn 1,8 lần so với thế hệ trước đó.
Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc lưu ý rằng người trẻ vay tiền chủ yếu là để mua nhà. Mức tiêu dùng của thế hệ trẻ cũng bị thu hẹp lại do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Bất động sản đắt đỏ là một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều người trẻ lâm vào nợ nần. Ảnh minh họa: Reuters. |
Năm 2017, tiêu dùng của Millennials và Thế hệ Z tăng 1,3 lần so với người cùng độ tuổi vào năm 2000, song hầu như không tăng vào năm 2008, năm xảy ra khủng hoảng tài chính.
Tài sản tài chính thuộc sở hữu của hai nhóm này vào năm 2018 chỉ cao hơn 1,3 lần so với nhóm cùng tuổi vào năm 2012.
“Millennials và thế hệ Z có thể không dễ dàng để tiết kiệm tiền do khó kiếm việc làm nhưng số tiền tiết kiệm của họ tăng nhẹ so với nhóm cùng tuổi vào năm 2012 do gửi tiền mặt vào ngân hàng để lấy lãi", báo cáo nhận xét.
"Các tình trạng kinh tế dễ bị tổn thương mà người trẻ phải đối mặt có thể tác động tiêu cực đến nền kinh tế trong tương lai. Vì vậy, điều quan trọng là các nhà chức trách phải xem xét lại mức sống, mức tăng trưởng thu nhập và giảm nợ để cải thiện điều kiện kinh tế của họ thông qua các chính sách".