Choi Ye-bin, một giám đốc sự kiện 27 tuổi, đã lập sổ ghi chép chi tiêu được 4 năm. Cô bắt đầu làm như vậy khi cảm thấy có sự cách biệt giữa số tiền cô nghĩ mình đang tiêu và số tiền cô thực sự chi ra.
Thuê nhà và ăn uống là hai khoản chiếm phần lớn ngân sách của cô, đặc biệt là tiền ăn ở ngoài.
"Khi không có hẹn, tôi cố gắng không ăn ở ngoài. Nếu có hai cuộc hẹn một tuần, tôi coi đó là một dấu hiệu cảnh báo và cố gắng để điều chỉnh", Choi nói.
Người trẻ Hàn Quốc đang chuyển từ lối sống YOLO sang YONO. Ảnh: Alamy. |
Giống như Choi, ngày càng có nhiều người trẻ Hàn Quốc cố gắng giảm thói quen chi tiêu và trở nên tiết kiệm hơn.
Trong thập kỷ qua, một lối sống được giới trẻ tôn vinh đó là YOLO (You Only Live Once, tạm dịch: Bạn chỉ sống một lần trên đời) - khuyến khích mọi người ưu tiên hạnh phúc ở hiện tại thay vì đầu tư vào một tương lai không chắc chắn. Xu hướng này chịu ảnh hưởng đáng kể bởi sự gia tăng của các hộ gia đình một người.
Tuy nhiên, lạm phát cao và tỷ lệ tăng trưởng thu nhập thấp trong những năm gần đây đã khiến "bữa tiệc chi tiêu" kết thúc.
Hiện tại, nhiều người đang đón nhận cuộc sống YONO (You Only Need One, tạm dịch: Bạn chỉ cần một thứ thôi) - khuyến khích mọi người cắt giảm những thứ không cần thiết.
Choi nói: "Tôi từng cảm thấy việc chi tiền cho các khoản đầu tư vào bản thân hoặc hưởng thụ được xã hội ngưỡng mộ. Nhưng bây giờ, rõ ràng là không phải vậy. Ví dụ, trong khi vẫn còn những người thích chi bộn tiền cho omakase (ẩm thực Nhật Bản cao cấp), nhiều người trẻ khác ở độ tuổi 20 như tôi lại thà dành số tiền đó cho thứ khác".
"Điều này làm tôi nhớ đến phản ứng của thế hệ lớn tuổi khi thấy những người trẻ tuổi lần đầu tiên bắt đầu thưởng thức nền văn hóa ẩm thực đắt tiền đó", Choi nói thêm.
Ngân hàng NH NongHyup của Hàn Quốc đã phân tích dữ liệu giao dịch thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ của khách hàng từ ngày 1/1/2022 đến ngày 30/6/2024. Kết quả cho thấy số lượng giao dịch ăn uống ngoài của những người trong độ tuổi 20 và 30 đã giảm 9% trong nửa đầu năm 2024, so với cùng kỳ năm 2023. Lượng tiêu thụ thực phẩm tại cửa hàng tiện lợi tăng 21%.
Số lượng giao dịch tại các cửa hàng bách hóa giảm 3% và lượng tiêu thụ cà phê tại những nơi như Starbucks giảm 13%.
Lạm phát, khó khăn trong thị trường việc làm khiến giới trẻ ngày càng cẩn trọng với các quyết định chi tiêu. Ảnh: Yonhap. |
"Lạm phát chủ yếu ảnh hưởng đến các lĩnh vực mà người trẻ chi tiêu nhiều nhất, dẫn đến chi phí sinh hoạt tăng trực tiếp đối với những người chuẩn bị đi làm hoặc có thu nhập thấp", Liên đoàn Công nghiệp Hàn Quốc, một tổ chức kinh tế, đã viết trong một nghiên cứu năm 2022.
Do những khó khăn đang diễn ra trên thị trường việc làm và giá cả tăng cao, người trẻ có "chỉ số đau đớn về kinh tế" (một thước đo về tình trạng khó khăn kinh tế mà một người trung bình cảm thấy) được ghi nhận cao nhất trong tất cả nhóm tuổi.
Việc người trẻ ngày càng quan tâm đến đầu tư cũng góp phần quan trọng vào lối sống YONO. "Tôi muốn dùng tiền để đầu tư hơn là lãng phí nó", Lee, một nhân viên văn phòng 30 tuổi, cho biết.
Tuy nhiên, YONO không có nghĩa là phải tiết kiệm trong mọi khía cạnh của cuộc sống, báo cáo của Ngân hàng NH NongHyup lưu ý. Thay vì sở hữu các món hàng hóa, những người trẻ tuổi không ngần ngại chi tiền cho những trải nghiệm như thể thao hoặc du lịch nước ngoài.
AI có cướp đi công việc của chúng ta?
Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.