Qi Zimeng, làm việc tại Bắc Kinh (Trung Quốc), tự nhận mình “nghiện trà sữa”. Từ năm 2018, khi còn là sinh viên đại học, Qi thậm chí còn lập một nhóm WeChat với mục đích giúp các sinh viên sống trong khu chung cư của cô gọi đồ uống dễ dàng hơn.
"Tôi lập nhóm vì muốn uống trà sữa. Hiện nay, số thành viên đã lên đến gần 300 người. Và nhiều đơn đặt hàng được thực hiện thông qua nhóm", Qi nói với The People.
Nhiều người Trung Quốc yêu thích uống trà sữa và không ngại chi tiền cho thức uống này. Ảnh: Caixin Global. |
Trà sữa đã trở thành thức uống yêu thích của người dân Trung Quốc trong nhiều năm trở lại đây. Đồ uống này còn tạo nên những cơn sốt trên khắp các mạng xã hội.
Nhiều người gọi những loại trà sữa trân châu, trà bong bóng là “đồ uống cứu mạng”. Trong khi đó, những người khác nói rằng "chẳng có gì mà bạn không thể giải quyết bằng một ly trà sữa. Nếu có, hãy uống hai ly".
Uống trà sữa thay nước
Thế hệ trẻ Trung Quốc là những người tiêu dùng trà sữa chủ yếu, với số liệu thống kê cho thấy những người trong độ tuổi 16-35 chiếm hơn 90% người tiêu dùng "trà kiểu mới".
Tao Xi, làm việc trong công ty nước ngoài ở Nam Kinh, cho biết: “Trà sữa đã thay thế nước trong nhiều trường hợp. Mọi người coi đây là thức uống bắt buộc phải có trong mùa hè. Nước cũng có thể làm dịu cơn khát, nhưng nó vô vị. Với trà sữa, bạn có thể lựa chọn nguyên liệu như đá và đường. Thưởng thức một ly sẽ khiến bạn quên đi bao mệt mỏi".
Với Zhou, 20 tuổi, uống trà sữa vừa là xu hướng xã hội, vừa là chủ đề tốt để giao tiếp với mọi người.
"Mua đồ uống này cho mọi người là cách thân mật để nói lời cảm ơn. Bất cứ khi nào tôi thử một nhãn hiệu nổi tiếng mới, tôi đều muốn chia sẻ trên mạng xã hội hoặc kể cho bạn bè của mình", Zhou nói.
Nhiều người xếp hàng đợi mua đồ uống ở một cửa hàng vừa khai trương ở tỉnh Hồ Nam, ngày 25/2/2020. Ảnh: China Daily. |
Theo báo cáo, Trung Quốc có hơn 400.000 cửa hàng trà sữa vào cuối năm 2018.
Số liệu thống kê từ Viện Nghiên cứu Công nghiệp Qianzhen, giá trị thị trường đồ uống liên quan đến trà của Trung Quốc đạt 53,7 tỷ nhân dân tệ vào năm 2018.
Trong khi đó, ngành "trà kiểu mới" cũng thu hút rất nhiều vốn đầu tư. Nhiều thương hiệu trà sữa nổi tiếng đã huy động được hơn 1 tỷ nhân dân tệ tiền đầu tư.
Một trong những thương hiệu nổi tiếng Nai Xue Cha đã trở thành công ty kỳ lân đầu tiên trong ngành "trà kiểu mới" của Trung Quốc với mức định giá khoảng 6 tỷ nhân dân tệ.
Hiện tại, thị trường trà sữa được định giá hơn 442 tỷ nhân dân tệ, gấp gần hai lần so với thị trường cà phê ở Trung Quốc, theo Caixin Global.
Chi hơn 400 NDT cho trà sữa mỗi tháng
Theo số liệu công bố đầu năm nay của Nayuki Tea & Bakery, một trong những cửa hàng đồ uống nổi tiếng nhất Trung Quốc, khoảng 30% người tiêu dùng ở Trung Quốc chi hơn 400 nhân dân tệ (61 USD) cho trà sữa mỗi tháng.
Con số đã gây sốc với nhiều người. Trên mạng xã hội Weibo, một hashtag liên quan đến số liệu này đã thu hút hơn 10 triệu lượt xem và hàng nghìn bình luận, lọt vào danh sách được xem nhiều nhất trong vòng vài giờ.
Báo cáo “Tiêu thụ trà sữa kiểu mới năm 2020” của Nayuki Tea & Bakery cũng chỉ ra thế hệ Millennials là khách hàng chính của các thức uống liên quan đến trà. Báo cáo cho thấy có 80% người tiêu dùng có trình độ học vấn cao và 60% trong số họ làm công việc văn phòng.
Nhiều người trên mạng xã hội đã rất ngạc nhiên trước số tiền mà giới trẻ Trung Quốc chi tiêu cho trà sữa.
Nhiều người trẻ Trung Quốc cho 400 nhân dân tệ/tháng cho trà sữa. Ảnh: The New Yorker. |
“Họ giàu quá! Về cơ bản, họ đang uống trà sữa mỗi ngày”, một bình luận nhận về hàng trăm lượt thích viết.
Một người khác cho biết: "Thật khó hiểu, tại sao mọi người lại chi nhiều như vậy cho một loại đồ uống, 30 nhân dân tệ/ngày cho một ly trà là không hề ít".
"Tôi từng là fan cuồng của những loại đồ uống như vậy. Nhưng tôi dần nhận ra rằng đó không phải là thói quen ăn uống lành mạnh", một người bình luận.
Trên thực tế, nhiều người trẻ Trung Quốc từng phải nhập viện vì uống quá nhiều trà sữa.
Năm 2019, một bé gái 14 tuổi ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc đã phải nhập viện vì tình trạng khó tiêu do có hàng trăm viên trân châu trong bụng, theo AsiaOne.
Global Times đưa tin năm 2020, một cậu bé 13 tuổi ở Tân Hương, Hà Nam phải cấp cứu vì bị tắc ruột nghiêm trọng. Bệnh nhân cho biết thường uống trà sữa trân châu 2 lần/tuần đặc biệt không nhai kỹ mà nuốt luôn hạt trân châu.
Các chuyên gia đưa ra cảnh báo trân châu trong trà sữa được làm từ bột sắn khiến cơ thể rất khó tiêu hóa, vì vậy mọi người cần sử dụng có chừng mực.