![]() |
Xu hướng sống dài hạn tại khách sạn đang trở thành lối sống bền vững của một bộ phận người trẻ ở Trung Quốc, đặc biệt là nhóm dưới 40 tuổi. |
Sau khi tốt nghiệp đại học vào năm 2022, game thủ có nickname Hu Weiwei (24 tuổi, Trung Quốc) đã trải qua đủ mọi phiền toái khi tìm thuê nhà ở thành phố Thiên Tân (Trung Quốc). Cô phải đối mặt những chủ nhà khó đoán, tiền đặt cọc cao, hợp đồng không rõ ràng.
“Với người mắc chứng lo âu xã hội như tôi, việc phải nói chuyện với chủ nhà đúng là cơn ác mộng", Hu chia sẻ với Sixth Tone.
So sánh các phương án, Hu nhận thấy việc thuê một phòng trong căn hộ chung tốn khoảng 1.000 NDT (khoảng 136 USD)/tháng, trong khi thuê riêng sẽ là 2.000–3.000 NDT (khoảng 272-408 USD).
Tuy nhiên, giải pháp kinh tế hơn lại là thương lượng ở dài hạn trong khách sạn với mức giá 2.500 NDT (khoảng 340 USD)/tháng. Dịch vụ này thuê không cần đặt cọc, không tốn phí môi giới, lại vừa bao điện nước.
“Tôi không phải dọn dẹp, máy lạnh chạy cả ngày, ngay bên dưới có cửa hàng, nhà hàng và trạm tàu điện ngầm", cô nói. Với thói quen sinh hoạt bắt đầu từ trưa, gọi đồ ăn, chơi game hoặc đi mua sắm buổi chiều, rồi làm việc online tới khuya, cuộc sống trong khách sạn hoàn toàn phù hợp với lịch sinh hoạt của Hu.
Khi chuyển đến các thành phố khác ở Trung Quốc, như Thượng Hải, Tô Châu, hay sống ở quê nhà, cô cũng chọn mô hình thuê khách sạn ở lâu dài.
Tạm biệt hợp đồng thuê nhà
Theo nền tảng du lịch trực tuyến Qunar, từ tháng 11/2024 đến tháng 1 vừa qua, lượng đặt phòng khách sạn dài hạn (trên một tháng) tại Trung Quốc đã tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, người dùng ở độ tuổi 25–30 chiếm tỷ lệ tăng cao nhất.
Giá thuê trung bình là 2.700 NDT (khoảng 367 USD)/tháng, tương đương khoảng 90 NDT (khoảng 12 USD)/ngày, với các điểm đến như Vân Nam, Quảng Tây, Phúc Kiến và Hải Nam ghi nhận nhu cầu cao nhất.
Khách sạn cũng trở thành lựa chọn lý tưởng cho những ai cần chỗ ở ngắn hạn với chi phí hợp lý. Trong kỳ nghỉ đông vừa rồi, Tang Miaomiao (22 tuổi) cùng bạn trai đã thuê phòng khách sạn trong 2 tháng tại thành phố Thanh Đảo (Sơn Đông, Trung Quốc).
Bên cạnh việc tiết kiệm chi phí nhờ không phải trả một tháng tiền môi giới, Tang Miaomiao còn ấn tượng với sự hiếu khách tại khách sạn. Sinh viên vui vẻ kể lại đêm Giao thừa được nhân viên gói sủi cảo và đầu bếp chuẩn bị mì đúng sở thích.
![]() ![]() |
Một khách sạn tại Thượng Hải cho thuê dài hạn, có phòng gym cho khách sử dụng. |
Tuy vậy, Tang cũng gặp một số bất tiện khi sống trong khách sạn. Phòng có cửa sổ nhỏ, không thể mở, khiến không gian đôi lúc trở nên bí bách và thiếu ánh sáng. Việc không có bếp cũng buộc hai người phải chi thêm cho các bữa ăn bên ngoài.
Theo dữ liệu từ Jin Jiang Hotels China Region, chuỗi khách sạn quốc gia có trụ sở tại Thâm Quyến (Trung Quốc), từ ngày 1/1-19/3, số lượng khách dưới 40 tuổi lưu trú trên một tháng đã tăng hơn 1,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài khách đi du lịch công tác, mô hình còn thu hút cả những người làm tự do (freelancer) và chuyên gia trẻ. Ưu điểm lớn nhất chính là sự linh hoạt, tiết kiệm chi phí và nhiều tiện nghi đi kèm như dọn phòng, phòng gym, không gian an ninh.
“Kiểu sống ‘thu dọn rồi đi’ này giúp mọi người dễ dàng thay đổi nơi ở theo nhu cầu, không bị ràng buộc bởi hợp đồng thuê nhà cố định", đại diện Jin Jiang chia sẻ.
Lối sống không ràng buộc
Xu hướng sống trong khách sạn bắt đầu nở rộ trong thời kỳ khó khăn nhất của đại dịch, khi ngành du lịch gần như đóng băng và các phòng khách sạn trống không. Để xoay chuyển tình thế, nhiều khách sạn đã hạ giá mạnh và chuyển hướng sang mô hình lưu trú dài hạn nhằm tận dụng không gian và tạo thêm nguồn thu.
“Thời điểm đó, nhiều khách sạn giá rẻ thậm chí còn rẻ hơn căn hộ truyền thống. Chênh lệch giá này tự nhiên thu hút nhóm người thuê trẻ tuổi", Wu Ben, phó giáo sư ngành du lịch tại Đại học Phúc Đán (Trung Quốc), nhận định.
Tuy nhiên, Wu cũng chỉ ra sự khác biệt giữa khách sạn cao cấp nhắm đến nhóm khách cần chất lượng sống, trong khi khách sạn bình dân cạnh tranh nhờ mức giá dễ chịu.
"Về vận hành, khách dài hạn là nhóm khách lý tưởng, họ ít đòi hỏi hơn về dịch vụ phòng, đồng thời giúp khách sạn ổn định doanh thu trong mùa thấp điểm", bà nói.
Không chỉ tại các thành phố nhỏ, mô hình này còn thu hút cư dân ở các đô thị lớn. Trên nền tảng mạng xã hội Xiaohongshu, nhiều người trẻ chia sẻ lý do chọn khách sạn thay vì căn hộ dịch vụ, bao gồm giá hợp lý, an toàn, tiện ích tốt và không cần ký hợp đồng ràng buộc.
![]() |
Sống trong khách sạn giúp người trẻ thoát khỏi áp lực sở hữu và quản lý không gian sống. |
Điển hình là Casey Cheuk (40 tuổi, Hong Kong, Trung Quốc), cô thường xuyên chia sẻ về “ngôi nhà linh hoạt” mà cô đang sống cùng chồng. Cụ thể, cặp đôi đang sống tại một khách sạn Marriott ở quận Từ Hối (Thượng Hải).
Mức chi phí 10.000 NDT (khoảng 1.360 USD)/tháng, cao hơn giá thuê trung bình, nhưng theo Casey, khi tính thêm tiện ích, bãi đậu xe và điện nước, số tiền này tương đương với việc thuê một căn hộ dịch vụ tại trung tâm. Hai vợ chồng cô chỉ giữ vật dụng thiết yếu trong phòng, còn lại gửi ở kho mini. Nhờ vậy, họ dễ dàng chuyển đến Chiang Mai (Thái Lan) 2 tháng mà không phải lo trông coi nhà cửa.
“Thuê căn hộ thì dù có ở hay không vẫn phải trả tiền. Còn kiểu này giúp tiết kiệm và thoát khỏi áp lực về một ‘ngôi nhà trống’”, cô chia sẻ.
Trải nghiệm sống dài hạn trong khách sạn cũng khiến Casey thay đổi thói quen tiêu dùng. Cô không còn mua sắm theo cảm hứng mà chuyển sang lối sống tối giản, chú trọng giá trị lâu dài và thân thiện với môi trường.
Cảm xúc tiêu cực tuổi 20
The Inner Game of Tennis là tác phẩm nổi tiếng được viết bởi Gallwey - một huấn luyện viên tennis chuyên nghiệp ở miền nam California. Đây cũng là cuốn sách giúp Bill Gates thoát khỏi thói quen tự trách khi gặp thất bại và hình thành phong cách lãnh đạo của ông. "Đó là cuốn sách hay nhất về tennis mà tôi từng đọc, và những lời khuyên sâu sắc trong đó có thể áp dụng cho nhiều khía cạnh khác của cuộc sống", nhà sáng lập Microsoft viết.