Giới trẻ yêu xuyên biên giới
Với vốn ngoại ngữ khá và lối sống hướng ngoại, nhiều bạn gái trẻ đã tìm được một nửa của mình bên ngoài biên giới thông qua các trang mạng xã hội và tán gẫu trực tuyến.
|
Để đạt được hạnh phúc, các đôi bạn trẻ khác quốc tịch phải vượt qua nhiều rào cản văn hóa, lối sống. |
Để đến được với nhau, hầu hết các cặp phải vượt rào định kiến của phụ huynh và nhiều trở ngại khác xoay quanh tôn giáo, phong tục tập quán...
“Hoàng tử” phương xa
Ngày Trần Thị Phương Anh (sinh viên năm 4 ngành ngữ văn Đức, ĐH KHXH&NV TP.HCM) đón bạn trai Timo ở sân bay Nội Bài, bạn bè Phương Anh cứ ngẩn ngơ nhìn đôi bạn trẻ vui mừng trong vòng tay nhau, trao nhau những nụ hôn dài lãng mạn.
Cao lớn, đẹp trai, có học thức, “hoàng tử” của Phương Anh là cái kết mỹ mãn cho tình yêu xuyên biên giới của cô nàng.
Khá tiếng Anh nhưng tiếng Đức chỉ thuộc nhóm thường, Phương Anh quyết tâm cải thiện ngôn ngữ chuyên ngành bằng cách tích cực lên mạng tìm kiếm và kết bạn với giới trẻ Đức.
Trong đám bạn bè nước ngoài thân thiết của Phương Anh, Timo là cậu học sinh tuy kém cô hai tuổi nhưng có lối suy nghĩ chững chạc, sâu sắc hiếm có.
Từ những trao đổi kiến thức văn hóa Đức - Việt ban đầu, đôi bạn trẻ nhanh chóng tìm được tiếng nói đồng điệu và yêu nhau lúc nào không hay. Kết thúc chương trình phổ thông bên Đức, Timo chọn VN làm điểm đến cho chuyến đi từ thiện kéo dài một năm dự bị đại học của mình.
Cùng lúc đó, Phương Anh được chọn đại diện cho sinh viên khoa ngữ văn Đức ĐH KHXH&NV TP.HCM dự hội thảo trao đổi sinh viên Đức - Việt tại Hà Nội. Gặp nhau giữa thủ đô, dắt nhau về TP.HCM, Phương Anh lập tức giới thiệu Timo với gia đình.
“Tôi không băn khoăn với lựa chọn này. Khác với những người bạn trai phương Tây tôi từng quen, cậu ấy có lối sống lành mạnh, yêu thương tôi thật lòng và có hoạch định rõ ràng cho tương lai” - Phương Anh cả quyết nhắc lại suy nghĩ của mình.
Bị thuyết phục bởi sự tôn trọng văn hóa truyền thống VN của Timo cộng thêm quyết tâm của Phương Anh, ba mẹ cô nàng gật đầu cho đôi trẻ yêu nhau sau một thời gian lưỡng lự.
98% khớp nhau về sở thích, các mối quan tâm là con số trang web kết nối bạn trẻ yêu du lịch thế giới triptrotting.com đưa ra cho cặp đôi Hoài Mi - Richard khi anh chàng nghiên cứu sinh người Canada đang tìm kiếm bạn đồng hành cho chuyến du lịch Trung Quốc.
Kết nối với Hoài Mi (sinh viên năm 3 ngành văn hóa du lịch, Đại học Văn hóa TP.HCM), Richard sớm nhận ra Mi không chỉ là người bạn đường tuyệt vời cho những chuyến chu du mà có thể là một nửa hoàn hảo của đời mình.
Cùng với nhóm bạn cả chục người đến từ khắp các châu lục, đôi bạn trẻ đã trải qua hai tuần khó quên trên đất nước của Vạn lý trường thành.
“Hoài Mi thật sự khiến tôi rung động bởi vốn kiến thức sâu rộng về văn hóa, lịch sử, địa lý... cũng như sự quan tâm chân thành với mọi thành viên trong đoàn” - Richard thổ lộ.
Ngỏ lời yêu với Hoài Mi, anh bỏ ngoài tai lời giễu cợt của bạn bè cho rằng anh muốn “tìm của lạ phương Đông”. Hơn ba năm yêu nhau, họ đang xây dựng một tình yêu đẹp dù vẫn vấp phải sự ngăn cấm của ba mẹ Hoài Mi.
Không dễ hòa hợp
Bị gia đình vốn nặng lễ giáo cấm cản quyết liệt nhưng Phạm Thị Minh Phụng (cử nhân Học viện Ngoại giao TP.HCM) vẫn một mực lấy Joe - một giáo viên vật lý người Mỹ - sau hai năm “yêu trực tuyến”.
Tuy nhiên, nửa năm sau đám cưới với đầy đủ áo dài khăn đóng, trầu cau, người chồng đạo Thiên Chúa sẵn sàng cúi đầu quỳ lạy trước bàn thờ tổ tiên Phụng ngày nào bắt đầu khó chịu ra mặt khi cô chất vào căn bếp ở Mỹ của hai vợ chồng nào sầu riêng, mắm ruốc, nước mắm, nước tương... mua từ siêu thị VN cách nhà vài cây số.
Bị hàng xóm và bạn bè bản xứ phàn nàn mỗi lần đến chơi, lựa lời to nhỏ với vợ không xong, Joe chuyển sang cáu gắt. Mỗi bữa ăn của hai vợ chồng từ đó trở thành cực hình với Phụng.
Gạt nước mắt về VN sau một lần chồng thốt lên: “Kinh tởm!” khi thấy cô ăn món phá lấu, Phụng đến giờ vẫn hụt hẫng vì không ngờ chuyện tình của mình có thể vượt qua sự ngăn cấm của mẹ cha, lời bàn ra tán vào của họ hàng nhưng lại tan vỡ chỉ vì bất đồng trong thói quen ăn uống!
“Quá nhiều khác biệt” là câu trả lời chung được tất cả mọi người trong cuộc đưa ra khi được hỏi về chuyện tình không cùng quốc tịch của mình. Sau thời gian lâng lâng ban đầu, nhiều cặp đôi “đũa-nĩa” bắt đầu băn khoăn khi nghĩ đến việc tiến xa hơn.
“Theo người ta ra nước ngoài sinh sống, em sợ không chịu nổi cảnh xa gia đình, xa quê hương. Mình còn lo gặp bất đồng trong việc giáo dục con cái sau này” - nhiều bạn nữ lo ngại.
“Nhà tôi đạo Phật trong khi anh ấy đạo Thiên Chúa. Tôi là con gái duy nhất, ba mẹ sợ tôi lấy anh ấy phải cải đạo, sau này ai lo hương khói” - một bạn nữ lý giải nguyên nhân chia tay với anh chàng người Hà Lan sau hơn một năm yêu “ảo”, một năm yêu “thực” ngoài đời.
Tuy nhiên, không ít cặp cho rằng những khó khăn ngoại cảnh chỉ làm tăng thêm hương vị ngọt ngào của tình yêu.
“Tôi chưa thấy chuyện tình đẹp nào mà không trải qua thử thách. Đúng là tính về lâu dài thì hai người không cùng dân tộc, quốc tịch, văn hóa rất khó hòa hợp hoàn toàn, nhưng không phải là không thể...” - cô dâu mới của nước Úc có tên Hồng Nhung đăng tải trên Facebook của mình sau tuần trăng mật tại quê chồng.
Nhiều bạn trẻ cũng cho rằng không phải quốc tịch, dân tộc mà chính tình yêu và sự cảm thông mới là chất keo kết dính hai cuộc đời bền vững.
Theo tuoitre.vn