Trước đây, Ailen Lalor (nhà văn) cho rằng mình sẽ không gặp vấn đề về ám ảnh ngoại hình như nhiều ngôi sao mạng xã hội, khi liên tục selfie và đăng những tấm ảnh được chỉnh sửa tỉ mỉ lên Instagram.
Tuy nhiên, khi đại dịch ập đến, những cuộc trò chuyện với bạn bè, họp hành đều diễn ra qua cuộc gọi video, suy nghĩ của cô đã thay đổi. Ailen chia sẻ với Her World rằng Zoom và FaceTime đã trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống, giúp cô kết nối với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp.
Trước đây, Ailen chỉ soi gương 3-4 lần/ ngày và chỉnh trang cho phù hợp. Phần thời gian còn lại, cô không có nhiều suy nghĩ về ngoại hình của mình. Một vài thời điểm, cô đi qua cửa kính hay nhìn vào gương thang máy và thấy mình có chút phờ phạc, song điều đó không khiến cô bận tâm.
Nhiều người có xu hướng nhìn vào hình ảnh của mình trên màn hình cuộc gọi video. Ảnh: Getty Images. |
Phóng đại khiếm khuyết
Phải làm việc ở nhà, những cuộc họp qua video diễn ra từ hàng tuần đến nhiều lần trong ngày. Công ty của cô còn có chính sách đặt camera nhiều nơi để nhân viên giao tiếp với nhau như trong đời sống thực.
Từ khi phải liên tục gọi điện qua Zoom trong mùa dịch, Ailen bắt đầu có sự ám ảnh và tự ti về ngoại hình khi liên tục nhìn vào hình ảnh của mình trên màn hình.
"Tôi nhìn vào mình suốt cuộc gọi. Mọi người sẽ nói rằng trong cuộc họp đáng ra không nên tự nhìn mình mà phải nhìn vào những người khác, nhưng mọi thứ lại không như vậy. Thậm chí, chúng ta có xu hướng ngắm nghía và chỉnh sửa gương mặt mình trong lúc gọi video", Ailen nói.
Ailen cho biết khi liên tục nhìn vào màn hình Zoom, cô có xu hướng khuếch đại những điểm không ưa thích trên gương mặt mình: vết chân chim trên mắt, vết sẹo trên trán, quầng thâm, hay thậm chí một bên mí mắt sâu hơn bên còn lại.
"Tôi còn nhìn thấy những khuyết điểm khác mà bình thường chẳng quan tâm. Tôi thấy khuôn mặt lúc ở trạng thái nghỉ của mình thật tẻ nhạt, cổ của tôi nhỏ quá, thời gian ở nhà vì dịch khiến tôi trông phờ phạc, mệt mỏi hơn bao giờ hết".
Khi chia sẻ vấn đề này với bạn bè, Ailen nhận ra nhiều người khác cũng rơi vào tình trạng tương tự. Họ nảy sinh nhiều bất an mới về cơ thể, có người còn cân nhắc đến việc phẫu thuật thẩm mỹ để khắc phục khuyết điểm mới nhìn thấy.
Bản thân Ailen cũng không tránh được suy nghĩ về việc cải thiện gương mặt mình. "Tôi băn khoăn liệu có nên dùng một chút gì đó để cải thiện đôi mắt mệt mỏi, hay tiêm botox. Tôi đã ngừng nhuộm tóc cách đây vài năm nhưng không muốn bắt đầu một thói quen mới tốn kém mà tôi cần phải duy trì".
Nhiều người bị ám ảnh với khiếm khuyết khi gọi video và muốn can thiệp dao kéo để chỉnh sửa chúng. Ảnh: Glamour. |
Tiến sĩ Jenny Davis - giảng viên cao cấp tại Trường Xã hội học, Đại học Quốc gia Australia - nói rằng về mặt tâm lý xã hội, mọi người luôn tìm kiếm phản hồi về bản thân và hành vi của chính họ. Nữ tiến sĩ chỉ ra khi một người đang nói chuyện gần một chiếc gương, họ có xu hướng phân tâm và bị thu hút bởi hình ảnh phản chiếu của bản thân trong đó.
“Điều khác biệt về Zoom là sự phản chiếu này được tích hợp sẵn trong giao diện. Do đó, chúng ta bị rơi vào các tương tác với chính mình một cách có hệ thống và thật khó để rời mắt".
Tiến sĩ Davis cho biết: "Cơ thể con người không ổn định, đặc biệt khi chuyển động. Việc tập trung và phân tích quá mức hình ảnh của bản thân trong các cuộc gọi video để thu thập phản hồi về bản thân là không nên. Trong khi một số người thoải mái, những người có xu hướng tự phê bình bản thân lại bị ám ảnh".
Tiến sĩ Melvin Tan, người sáng lập Phòng khám Epion, cho biết ông nhận thấy sự gia tăng các yêu cầu từ bệnh nhân về các thủ thuật thẩm mỹ. Một số người đặc biệt đề cập đến Zoom khi liên hệ tư vấn.
“Các video thường được quay từ góc máy thấp, vì vậy nhiều người đã phàn nàn về quầng thâm mắt, khuôn miệng. Nhìn thấy bản thân liên tục với hình ảnh có độ phân giải cao khiến mọi người chú ý đến nhiều vấn đề hơn", Melvin giải thích.
Tiến sĩ Davis nói rằng để giảm bớt cảm giác khó chịu trong các cuộc gọi video, người dùng có thể sử dụng tính năng ẩn khung hình của mình.
"Nếu hình ảnh phản chiếu khiến bạn đau khổ, hãy loại bỏ nó. Tuy nhiên việc nhìn mình trong camera cũng có thể là cơ hội để chúng ta rèn luyện cách chấp nhận bản thân. Tóc của mình không đẹp vào ban ngày và gương mặt có đôi nét không chuẩn. Chúng ta chấp nhận những sự thật này khi tương tác mà không phán xét, hãy tin rằng người khác cũng chấp nhận mình", Davis bày tỏ.