Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trào lưu livestream uống rượu đội lốt mukbang ở Trung Quốc

Theo các chuyên gia, thử thách uống rượu của nhiều vlogger Trung Quốc rất độc hại, gây nguy hiểm đến tính mạng.

Sau khi truyền thông chỉ trích và chính phủ Trung Quốc đưa ra lệnh cấm đối với việc quay mukbang ăn uống gây lãng phí thực phẩm, trào lưu này đã được kiểm soát rõ rệt. Tuy nhiên gần đây, những video livestream theo chủ đề "thánh uống rượu" đang phổ biến và gây ra nhiều mối lo, The Paper đưa tin.

Các chuyên gia cho rằng uống nhiều rượu có thể gây nghiện và nguy hiểm cho sức khỏe hơn nhiều so với mukbang đồ ăn, và những người muốn câu view theo trend uống rượu không khác nào "đổi mạng lấy tiền".

Lấy đồ ăn làm vỏ bọc

Trên bàn bày đầy đồ ăn, hải sản hấp và xiên que thơm ngon, một vlogger ra vẻ như muốn giới thiệu các món đặc sắc. Tuy nhiên vừa nếm một chút đồ ăn, anh ta bỗng dừng lại suy nghĩ như quên mất điều gì, rồi lôi ra một bình rượu trắng lớn đặt lên bàn.

livestream uong ruou anh 1

Tạo vỏ bọc review về ẩm thực, nam vlogger cố tình câu view bằng cách uống hết chai rượu trắng.

Người này gây bất ngờ khi rót một cốc rượu lớn rồi uống cạn trong một hơi. Một cốc chưa đủ, anh ta liên tục rót và uống cho đến khi bình rượu cạn. Thời gian anh uống rượu chiếm hơn nửa thời lượng video. Dàn dựng như clip review ăn uống nhưng thực chất chủ đề của vlog là uống rượu.

Trên nền tảng phát sóng video ở Trung Quốc, đang có rất nhiều video uống rượu dưới vỏ bọc thưởng thức đồ ăn.

"Móng giò dê chỉ ăn như thế này mới khoái, 10 ly rượu trắng cũng không đủ", "Bữa tối có hai đĩa chân gà, có thêm mấy ly rượu nữa là hoàn hảo", các vlogger đặt tiêu đề cho video của mình. Có người thậm chí đặt tên vlog đề cập thẳng đến chuyện uống rượu.

Những người phát sóng thể hiện mình là người có tửu lượng cao, có khi uống hết cả chai rượu trắng chỉ trong một bữa ăn.

Dân mạng bày tỏ sự ngạc nhiên, đa phần lo lắng cho sức khỏe của những nhân vật chính trong clip. Một số ý kiến cho rằng uống rượu là biểu hiện của người có tâm trạng không tốt và không nên biến việc uống thành màn trình diễn kiếm tiền.

Đáng nói, một số trang web đánh dấu clip dạng này là "hành vi rủi ro, không nên bắt chước" song lại không có bất kỳ sự giám sát nào.

livestream uong ruou anh 2

Tửu lượng kém nhưng vẫn bất chấp quay video uống rượu, nam vlogger nôn ngay trên sóng trực tiếp.

Nhiều vlogger thường bày ra một bữa ăn nhỏ như cách "ngụy tạo" chủ đề, trong khi một số khác thể hiện nội dung trắng trợn hơn - tập trung vào việc uống rượu suốt video.

Điều khiến nhiều người xem ngán ngẩm là có những vlogger rõ ràng tửu lượng kém nhưng vẫn quay video thách thức uống rượu.

Trong một video, nam vlogger uống khá nhiều. Đầu video, lời nói của anh ta bình thường, nhưng dần dần mặt anh đỏ lên, không kiểm soát được biểu cảm và cuối cùng là nôn thốc ngay trước camera.

Không ít khán giả đặt nghi vấn liệu chất lỏng được dùng trong video có phải rượu trắng hay chỉ là nước thông thường. Để chứng minh mình thật sự uống rượu, các vlogger còn dùng lửa đốt, thậm chí dùng miệng phun rồi châm lửa đốt cháy. Một số người gặp nguy hiểm khi rượu nhỏ vào quần áo và bén lửa.

Đổi mạng lấy tiền

TheoThe Paper, việc các video uống rượu thực sự thu hút người xem đã khiến nhiều vlogger bất chấp sức khỏe để chạy đua theo trào lưu này.

Một tài khoản đăng clip có tiêu đề "Kinh nghiệm chăm sóc ngựa" chỉ có vài trăm nghìn lượt xem, song cũng tài khoản đó với video phát trực tiếp "Thử thách uống 9 chai rượu" hút tới 4,5 triệu lượt xem.

Tương tự với một blogger đăng nhiều chủ đề khác nhau, nhưng các clip có nội dung uống rượu có lượt phát lại cao hơn 10.000-300.000 lượt.

Không chỉ nam giới theo trend này, nhiều nữ vlogger cũng thực hiện thử thách uống rượu trên sóng. Nhiều người cho rằng nữ giới thường uống ít, nên khi có một cô gái có thể uống rất nhiều rượu sẽ thu hút sự chú ý lớn, khơi gợi sự tò mò của khán giả hơn.

livestream uong ruou anh 3

Quay vlog thách thức uống rượu được xem là trào lưu độc hại, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Yang Kebing, giám đốc khoa cai nghiện rượu và ma túy của bệnh viện Huilongguan (Bắc Kinh), cho rằng kiểu phát sóng uống rượu này còn đáng ngại hơn trào lưu "ăn thùng uống vại" trước đây.

"Rượu dễ gây nghiện hơn, tác hại từ rượu thường là mạn tính và lâu dài. Người ta có thể không nhìn thấy ảnh hưởng của nó ngay, đến khi vấn đề được phát hiện, vấn đề đã rất nghiêm trọng", Yang nói.

Từng tiếp xúc với nhiều người nghiện rượu trong bệnh viện, so với những tổn thương thể xác, Yang ái ngại hơn về tác động của rượu đến tinh thần của bệnh nhân.

"Sau khi nghiện rượu, tâm trạng của con người sẽ trở nên rất bất ổn, thậm chí tính cách thay đổi. Một số người bị rối loạn cảm xúc, trầm cảm hoặc sa sút trí tuệ do rượu".

Một vlogger có thể đăng 4-5 video trong một tuần, Yang cho rằng điều đó rất có hại. Theo nghiên cứu khoa học, nam giới không nên uống rượu quá 2 lần/tuần, nữ giới không nên uống nhiều hơn 1 lần/tuần.

"Nếu uống với tần suất cao như vậy, chắc chắn người đó sẽ gặp vấn đề sức khỏe. Làm như vậy không khác gì đổi mạng lấy tiền", vị giám đốc nhận định.

Quan chức Nhật khuyên nam nữ 'chơi bời' với nhau để tăng tỷ lệ sinh

Ông Kazuhiko Shimura phải xin lỗi sau khi bị chỉ trích vì khuyên đàn ông và phụ nữ chơi bời với nhau nhằm giải quyết vấn đề tỷ lệ sinh đang giảm, Sora News 24 đưa tin.

Đinh Phạm

Bạn có thể quan tâm