GS Ngô Bảo Châu: 'Toán học giống như viên kẹo'
Đây là một trong những chia sẻ của GS Ngô Bảo Châu với hơn 2500 học sinh, sinh viên, giảng viên của TP. HCM trong buổi giao lưu tại hội trường nhà điều hành ĐH Quốc gia ngày 11/3.
Sáng ngày 11/3, từ 7h sáng, hàng ngàn học sinh từ các trường THPT trong thành phố như Lê Đại Nghĩa, Nguyễn Thượng Hiền, Lê Hồng Phong…và hàng ngàn sinh viên các trường, khoa thuộc ĐH quốc gia Tp. HCM đã tập trung đông đến nỗi hội trường nhà điều hành ĐHQG với sức chứa hơn 1000 người không còn một khoảng trống, khi phải chứa với số lượng gấp đôi. Thậm chí, rất nhiều HS-SV đi trễ phải đứng nhìn qua các ô cửa bên ngoài hội trường. Tất cả đều háo hức chờ đợi tham gia buổi giao lưu với GS Ngô Bảo Châu.
Điều bất ngờ của buổi giao lưu là bài phát biểu đậm tính chất triết học của GS về việc “Tri thức từ đâu sinh ra, phát triển như thế nào? Khi chết sẽ đi về đâu?”. Theo giáo sư, tri thức không phải là thứ hữu hình, không phải thứ có thể tự sinh ra, cũng như không tự phát triển hay chuyển từ dạng này sang dạng khác như năng lượng. Mà tri thức do con người học hỏi được, phát triển xuyên suốt trong quá trình sống. Khi con người chết đi, nếu không có sự lưu giữ hữu hình thông qua sách, thư mục… thì tri thức sẽ mất đi cùng người sinh ra và phát triển nó.
GS cho biết, người Ấn Độ, theo triết lý phật giáo đã sớm có 1 bước tiến rất rõ về nhận thức “cái đáng lo, đáng sợ không phải là tìm cách kéo dài cuộc sống đến vô tận, mà cái đáng lo, đáng sợ sự phát triển hối hả của giới hạn cuộc sống”. Thế nhưng, sách cũng có nhiều loại. Sách có giá trị, nghĩa là có chứa tri thức, có ích cho con người; sách không có giá trị là những cuốn sách chứa ít trí thức nhưng cũng có loại sách hoàn toàn vô dụng. Giáo sư cũng lý giải đó có thể là một trong hai nguyên nhân khiến hoàng đế Tần Thủy Hoàng ra lệnh đốt tất cả sách. Có thể ông nghĩ tất cả những cuốn sách này đều không có giá trị, cũng có thể ông nhận thức cái cao siêu, cái chân lý trong tri thức con người. Và cũng mục đích tìm kiếm, lưu trữ và phát triển tri thức, con người đã lập ra thu viện lớn nhất lưu trữ tất cả những cuốn sách có giá trị. Bài phát biểu của GS kết thúc với một dấu lửng để người nghe tự tìm câu trả lời cho chính mình.
Vì bất ngờ “đổi vai” từ một giáo sư toán học thành một triết gia với lý luận, lập luận chặt chẽ, logic nên các câu hỏi đầu tiên học sinh, sinh viên, giảng viên đặt ra cho GS đều liên quan đến các vấn đề triết học. Đặng Xuân Thế, sinh viên khoa Kinh tế, ĐH QG đưa ra tình huống “Có bao giờ giáo sư nghĩ đến việc tóm tắt triết học Cant, hay có ý định tìm một phương pháp học toán có tính chất định luật”. GS cho rằng triết học Cant đã cô dặc từng từ nên không thể có việc cô đặc nó hơn nữa và cũng sẽ không có một phương pháp học toán cho tất cả mọi người, bởi sự tiếp nhận của mọi người khác nhau, niềm đam mê cũng khác nhau.
Sau đó, dường như nhận thức mình giao lưu, trò chuyện với một chuyên gia toán hàng đầu thế giới, các câu hỏi bắt đầu xoay quanh chuyên ngành của giáo sư. Có rất nhiều câu hỏi nhưng tất cả đều tựu chung “làm sao để có thể học giỏi toán, làm sao để có thể nuôi dưỡng đam mê toán trong suốt một thời gian dài hay khi gặp thách thức…”. GS đã làm mọi người bất ngờ khi trả lời câu hỏi bằng cách chia sẻ sự hình thành đam mê và những vấp trải của mình với toán học. Cụ thể năm học lớp 10, GS vẫn chỉ là 1 học sinh trung bình về toán. Qua năm lớp 11 do một dịp tình cờ, GS phát hiện đam mê của mình với toán và học khá hẳn lên. Thế nhưng năm tiếp theo (lớp 12), ông lại có cảm giác chán nản về toán đến mức phải tìm đến giáo viên của mình để chia sẻ cảm giác cũng như lấy lại đam mê về toán. Từ chính những trải nghiệm của bản thân, GS đã có một sự so sánh thú vị giữa toán học và viên kẹo. Lúc đầu mới ngậm chỉ có vị ngọt nhẹ, nhưng càng ngậm, càng ngọt, toán học cũng vậy, nếu đào sâu nghiên cứu, càng hiểu sâu về nó sẽ thấy nó càng thú vị hơn.
Ngoài chia sẻ cho HS-SV bí quyết học và nghiên cứu toán, giáo sư Ngô Bảo Châu cũng giới thiệu với học sinh, sinh viên GS Robert Jeffrey Zimmer , hiệu trưởng thứ 13 của ĐH Chicago, ngôi trường giáo sư theo học, nghiên cứu thành công và hiện là một giảng viên của trường. Có rất nhiều thắc mắc được HS-SV đưa ra như như làm thế nào để được theo học tại trường, vấn đề học bổng, hỗ trợ… GS Robert Jeffrey Zimmer đã khẳng định “chỉ cần nộp đơn thì tất cả các sinh viên đều có thể trở thành sinh viên của đại học này. Bởi theo ông, ngôi trường đánh giá sinh viên theo năng lực, khả năng, đóng góp của sinh viên với trường chứ không phải là vấn đề học phí, giàu nghèo hay sinh viên của quốc gia nào.
60 phút giao lưu diễn ra khá ngắn ngủi, hàng trăm câu hỏi của sinh viên vẫn chưa được giáo sư giải đáp. Nhưng buổi gặp gỡ đã diễn ra rất chân tình, ấm áp, cởi mở. Cuối buổi giao lưu, hàng trăm sinh viên, học sinh đã ùa lên bao vây GS Ngô Bảo Châuvà GS Robert Jeffrey Zimmer với hoa, quà và sự ngưỡng mộ.
Huỳnh Hằng
Theo Bưu Điện Việt Nam