Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hà Nội gặp khó về nguồn vaccine Covid-19

Dù đã đề ra kế hoạch và mục tiêu rõ ràng, tốc độ tiêm chủng tại Hà Nội vẫn bị ảnh hưởng nhiều bởi nguồn vaccine Covid-19 được phân bổ còn hạn chế.

Trong đợt dịch Covid-19 thứ 4, Hà Nội là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng không nhỏ khi đã ghi nhận tổng cộng gần 3.500 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 trên địa bàn. Một số ổ dịch trong cộng đồng cũng bùng phát và tiếp tục có chiều hướng phức tạp thời gian qua, tiêu biểu như Thanh Xuân Trung, Văn Miếu, Văn Chương...

Đứng trước những diễn biến đó, vaccine Covid-19 tiếp tục là giải pháp được các chuyên gia dịch tễ đưa ra nhằm giúp thành phố sớm khống chế tình hình. Theo số liệu được đăng tải trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, đến nay, tỷ lệ dân số trên 18 tuổi đã tiêm ít nhất một mũi vaccine tại Hà Nội chỉ là hơn 50%.

Trao đổi với Zing, ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội, khẳng định thời gian qua, thành phố đã tích cực tổ chức tiêm chủng vaccine Covid-19 cho những đối tượng ưu tiên. Tuy nhiên, nguồn vaccine của thành phố còn bị hạn chế.

Chưa chủ động được nguồn vaccine

Cũng theo thống kê trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, đến nay, Hà Nội đã được phân bổ tổng cộng 4.313.400 liều vaccine Covid-19. Thời gian qua, thành phố đã thực hiện tất cả 2.986.420 mũi tiêm, đạt gần 70% số lượng vaccine được phân bổ.

Ông Tuấn cho hay: “Trên thực tế ở Hà Nội thời gian qua, vaccine về bao nhiêu, thành phố tổ chức tiêm bấy nhiêu, tuyệt đối không để chậm”.

tiem vaccine covid-19 tai ha noi anh 1

Hà Nội đã đặt mục tiêu và tích cực tổ chức tiêm chủng nhưng chưa thể chủ động nguồn vaccine Covid-19. Ảnh minh họa: Thạch Thảo.

Theo đại diện CDC Hà Nội, thành phố cũng đã đặt mục tiêu tiêm chủng cụ thể thông qua phương án 170/PA-UBND. Cụ thể, UBND thành phố đã yêu cầu các đơn vị liên quan nhanh chóng tổ chức tiêm chủng an toàn với số lượng tối đa là 200.000 mũi/ngày.

“Tuy nhiên, mục tiêu này phụ thuộc khá nhiều vào nguồn vaccine do Bộ Y tế phân bổ cho thành phố. Hiện nay, Hà Nội vẫn chưa thể chủ động được nguồn vaccine Covid-19. Chỉ khi chủ động được nguồn vaccine, thành phố mới có thể đặt ra chỉ tiêu phù hợp để thực hiện”, ông Tuấn chia sẻ.

Ngày 3/9, Sở Y tế Hà Nội đã gửi công văn tới các đơn vị liên quan về việc tiếp tục triển khai tiêm chủng vaccine Covid-19 trên địa bàn thành phố đợt 12. Theo đó, Hà Nội vừa được Bộ Y tế phân bổ 161.460 liều vaccine phòng Covid-19 Comirnaty (Pfizer) và 800.700 liều AstraZeneca.

Với đợt bổ sung vaccine mới này, dự kiến, Hà Nội tổ chức tiêm chủng đợt 12 ngay trong tháng 9, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp.

Phó giám đốc CDC Hà Nội cho hay toàn bộ số lượng vaccine này đã được phân bổ về các quận, huyện trên địa bàn. Thời gian tiêm cụ thể cho người dân sẽ do quận, huyện và các xã, phường lập kế hoạch.

Hà Nội ưu tiên tiêm vaccine cho người cao tuổi

Đáng chú ý, trong công văn của Sở Y tế mới đây, có 3 nhóm đối tượng ưu tiên vừa được bổ sung trong đợt tiêm chủng lần này tại Hà Nội là: Người mắc bệnh mạn tính, người trên 65 tuổi và phụ nữ đang mang thai từ 13 tuần trở lên.

Với nhóm này cùng các đối tượng ưu tiên chưa được tiêm ở đợt trước, Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo các đơn vị sẽ thực hiện tiêm mũi 1 cho họ với 80.730 liều vaccine Pfizer.

Về đối tượng ưu tiên được tiêm vaccine Covid-19 tại Hà Nội, ông Khổng Minh Tuấn khẳng định thời gian qua, Hà Nội vẫn tổ chức tiêm chủng cho người cao tuổi. Tuy nhiên, với văn bản mới nhất, số người được tiêm vaccine thuộc nhóm này dự kiến sẽ tăng nhanh trong thời gian tới.

Trước đó, một số chuyên gia dịch tễ cũng đã đề xuất Hà Nội cần ưu tiên tiêm chủng vaccine Covid-19 cho nhóm người cao tuổi, mắc bệnh nền.

PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội, cho biết việc tiêm chủng vaccine Covid-19 có 2 mục đích chính: Giảm tỷ lệ mắc bệnh Covid-19 và giảm tỷ lệ tử vong. Thời gian qua, chúng ta đang tiêm chủng trên diện rộng để hướng tới mục tiêu đầu tiên. Tuy nhiên, giá trị lớn nhất của các loại vaccine Covid-19 hiện có lại là giảm tỷ lệ bệnh nhân diễn biến nặng, nhập viện và tử vong.

“Sau nhóm ưu tiên số 1 là các nhân viên y tế, nhóm người cao tuổi, có bệnh lý nền là các đối tượng cần được xếp mức độ ưu tiên thứ 2. Nguyên nhân là họ thường mắc bệnh nền, sức đề kháng kém hơn người trẻ, từ đó dễ diễn biến nặng, phải nhập viện và nguy cơ tử vong cao nếu không may nhiễm SARS-CoV-2”, ông Hùng cho biết.

Theo PGS Hùng, những người trẻ sẽ phải tạm lui lại, tiêm đợt sau. Như vậy, chúng ta mới có thể đảm bảo đúng ý nghĩa và phát huy hết giá trị của vaccine Covid-19. Ông cho rằng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Hà Nội cũng cần có chủ trương quán triệt toàn thành phố thay vì chỉ thực hiện ở một số điểm tiêm cụ thể.

Làm thế nào để bảo vệ người cao tuổi, mắc bệnh nền trong mùa dịch? Do nguy cơ diễn biến nặng của nhóm người này rất cao, gia đình cần đặc biệt lưu tâm bảo vệ họ và giữ liên lạc với nhân viên y tế.

Ổ dịch Thanh Xuân Trung vượt mốc 400 ca nhiễm nCoV

Ổ dịch này tiếp tục có diễn biến phức tạp khi số người dương tính với SARS-CoV-2 tăng lên nhanh trong những ngày qua.

Quốc Toàn

Bạn có thể quan tâm