Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hạ tiêu chuẩn đầu vào, 100% thí sinh trúng tuyển, 0% nhận bằng

Vấn đề đảm bảo chất lượng được các đại học ở Mỹ chú trọng nên khoảng 33% sinh viên tốt nghiệp đúng hạn. Nhiều trường "mở cửa đầu vào" nhưng 0% người học nhận bằng sau 4 năm.

Đợt tuyển sinh khóa 2013, tỷ lệ trúng tuyển vào ĐH Harvard là 7%, tức 100 nộp đơn, chỉ 7 người được nhận vào học. 4 năm sau, 86% sinh viên khóa đó tốt nghiệp đúng hạn. Tỷ lệ này tính sau 6 năm kể từ thời điểm nhập trường là 97,5%.

Đến năm 2017, tức sau 8 năm học ở trường, khoảng 2% sinh viên vẫn không thể nhận bằng, dù họ từng là những người xuất sắc, vượt qua kỳ tuyển sinh khắt khe của đại học hàng đầu thế giới.

Tỷ lệ tốt nghiệp 33,3%

Theo thống kê liên bang, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đúng hạn (4 năm) ở Mỹ chỉ ở mức 33,3%. Thêm hai năm học, con số này tăng lên 57,6%. Tỷ lệ tốt nghiệp ở các trường tư thục cao hơn mặt bằng chung.

Đây là điều dễ hiểu khi quá trình học tập tại đại học nghiêm túc từ những năm đầu. Nhiều người bỏ dở việc học sau một năm vì không chịu nổi áp lực hoặc không theo kịp tiến độ.

mo dau vao anh 1
Với quá trình tuyển sinh khắt khe, sinh viên Harvard là những người thông minh nhất. Nhưng điều đó không đủ để đảm bảo họ tốt nghiệp đúng hạn. Ảnh: Reuters.

Tại Harvard, 97% sinh viên tiếp tục học lên năm hai, thuộc danh sách những trường có tỷ lệ giữ lại sinh viên cao nhất nước. Tỷ lệ chung ở Mỹ là 72%.

Thêm vào đó, người học ở Mỹ phải đảm bảo đúng yêu cầu do trường đặt ra để nhận bằng. Những yêu cầu này do trường xác định và công khai trên trang web để sinh viên biết khi làm đơn ứng tuyển.

Mỗi trường có yêu cầu riêng nhưng nhìn chung, sinh viên phải học tối thiểu 120 tín chỉ. Khóa học thường tương đương 3 tín chỉ, sinh viên học ít nhất 40 lớp (cùng môn học nhưng 3 cấp độ sẽ tính thành 3 lớp). Trường còn có yêu cầu cụ thể cho từng chuyên ngành cùng các môn ngoài chuyên ngành mà sinh viên phải hoàn thành.

Với việc siết đầu ra như vậy, tỷ lệ tốt nghiệp trong vòng 6 năm chỉ đạt 57,6%. Tuy nhiên, nó đang ở mức cao nếu so với chính tỷ lệ tốt nghiệp ở thập niên 90 thế kỷ trước, khi chỉ 40% sinh viên nhận bằng sau 6 năm.

Sự gia tăng tỷ lệ này khiến nhiều người lo ngại các trường, đặc biệt trường công lập, không đảm bảo đúng tiêu chuẩn, dễ dãi hơn với sinh viên để có con số đẹp. Thậm chí, không ít nhà khoa học đã nghiên cứu về nguyên nhân đằng sau việc tỷ lệ tốt nghiệp tăng lên.

“Giáo dục đại học dễ hơn vì trường yêu cầu sinh viên học theo giáo trình dễ hơn trước đây. Hoặc họ vẫn dùng tài liệu như trước, nhưng hạ thấp tiêu chuẩn đánh giá”, Christina Ciocca Eller - nhà xã hội học tại ĐH Harvard - lo ngại.

Bà nói thêm tình trạng này ngày càng tăng ở các trường công, vì họ phải đảm bảo tỷ lệ tốt nghiệp để tiếp tục nhận tài trợ từ chính quyền. Đương nhiên, đây không phải tình trạng phổ biến, đặc biệt khi nhiều đại học công lập vẫn có tỷ lệ tốt nghiệp đúng hạn ở mức 0%.

Vào càng dễ, ra càng khó

Theo thống kê của CBS News, 25 đại học công lập ở Mỹ dường như không có sinh viên tốt nghiệp đúng hạn. Trong đó, 13 trường có tỷ lệ tốt nghiệp sau 4 năm đạt 0%. Với các trường còn lại trong danh sách, con số này dao động từ 1%-4%.

Nguyên nhân lớn nhất nằm ở việc các trường hạ thấp tiêu chuẩn tuyển sinh, gần như "mở cửa" với tất cả thí sinh. Ví dụ, ĐH Houston-Downtown (tỷ lệ tốt nghiệp 2%) và ĐH Great Basin (0%) cùng nhận 100% ứng viên.

mo dau vao anh 2
Nhận 100% thí sinh đầu vào, tỷ lệ tốt nghiệp của ĐH Houston-Downtown chỉ ở mức 2%. Ảnh: University of Houston.

Đợt tuyển sinh vừa qua, Houston-Downtown tăng tính sàng lọc đầu vào, nhận 84%, trong khi tỷ lệ trúng tuyển của Great Basin vẫn ở mức 100%.

Với tiêu chuẩn đầu vào thấp, trường dễ dàng thu hút sinh viên có thành tích học tập không tốt. Số này khó tiến bộ về mặt học thuật để đáp ứng yêu cầu tối thiểu với cử nhân.

Ngoài ra, trường công lập, với mức học phí thấp, cũng là điểm cộng đối với sinh viên nghèo. Tuy nhiên, do khó khăn tài chính họ lại thường bỏ học giữa chừng để đi làm. Vì vậy, họ kéo tỷ lệ tốt nghiệp chung toàn trường xuống.

Những trường này cũng nằm trong danh sách có tỷ lệ giữ chân sinh viên thấp nhất. Cụ thể, chỉ 43% sinh viên năm nhất của ĐH Southern tại New Orleans tiếp tục học lên năm hai. Con số này tại ĐH bang Chicago là 55%, ĐH hạt Columbia là 39%, ĐH bang Harris-Stowe ở St. Louis là 44%.

Vì thống kê tỷ lệ tốt nghiệp chỉ căn cứ số lượng sinh viên xác nhận nhập học và nhận bằng, nên tỷ lệ sinh viên bỏ học cao kéo tỷ lệ tốt nghiệp xuống mức dưới 4%, thậm chí 0%.

Ngược lại, trường có tỷ lệ trúng tuyển thấp (đa số nằm trong danh sách đại học tốt nhất thế giới) có tỷ lệ tốt nghiệp cao. Điều này tạo ra quy luật, khi đầu ra chặt, đầu vào càng khắt khe, tỷ lệ tốt nghiệp càng cao. Đầu vào thả lỏng đồng nghĩa số lượng sinh viên nhận bằng sau 4 năm học càng thấp.

Ví dụ, chỉ 5,5% sinh viên trúng tuyển vào ĐH Princeton và tỷ lệ tốt nghiệp đúng hạn của trường đạt đến 90%. Con số này ở ĐH Yale là 6,3% và 87%, Stanford là 4,8% và 76%.

Đương nhiên, các trường có tỷ lệ tốt nghiệp thấp cũng nỗ lực để cải thiện, dù không mấy hiệu quả.

Mary W. Hendrix - người phụ trách công tác sinh viên tại ĐH Texas A&M, Commerce, nơi có tỷ lệ tốt nghiệp 0% - cho biết họ tổ chức lớp học thêm cho sinh viên không theo kịp chương trình. Khoảng 60% sinh viên năm nhất theo học lớp này.

Thật không may, nỗ lực của trường chưa phát huy tác dụng. Ít nhất đến nay, những gì mà các trường quá rộng cửa ở đầu vào tạo ra vẫn là hàng loạt sinh viên rời trường với số nợ lớn và không bằng cấp.

'Thả lỏng đầu vào đại học có thể dẫn đến chất lượng thê thảm'

"Có người ví các trường hạ thấp điểm để lấy số lượng giống hình thức tự sát. Tôi cho rằng có lẽ, nó là hành động chết mòn", PGS Trần Văn Tớp nói.


Nguyễn Sương

Bạn có thể quan tâm