Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hà Văn Thắm: 'Phong tỏa nghiêm túc thì 500 tỷ không thể rút ra'

Dù đã ký thỏa thuận 3 bên nhằm phong tỏa tài khoản của Công ty Trung Dung tại CBBank nhưng số tiền 500 tỷ Oceanbank giải ngân cho doanh nghiệp này vẫn được rút ra.

Chiều 6/3, bước sang ngày làm việc thứ 8, phiên xử Hà Văn Thắm, cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank), và 47 đồng phạm tiếp tục phần xét hỏi với sự tham gia của luật sư.

Luật sư Nguyễn Huy Thiệp, Hà Hữu Đăng hỏi bị cáo, những người liên quan về số phận của 500 tỷ đồng mà Oceanbank giải ngân cho Công ty Trung Dung.

Theo cáo buộc, Thắm giới thiệu cho Phạm Công Danh (Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH một thành viên Tập đoàn Thiên Thanh) mua lại Ngân hàng Đại Tín. Nghe Thắm nói Ngân hàng Đại tín rất nghiêm trọng về thanh khoản nhưng Danh vẫn nhận lời mua. Thắm hứa sẽ giúp đỡ ngân hàng này về thanh khoản trong khả năng cho phép và đúng pháp luật.

Sau khi tiếp nhận Ngân hàng Đại Tín, Danh đã đổi tên ngân hàng này thành Ngân hàng Xây dựng (CBBank).

Tháng 11/2012, thông qua Công ty Trung Dung, Danh vay 500 tỷ đồng của Oceanbank và thế chấp bằng nhiều tài sản, trong đó có tài sản của nhóm con cháu bà Hứa Thị Phấn. Theo cơ quan chức năng, những tài sản trên không đảm bảo giá trị cho khoản vay 500 tỷ đồng nhưng Thắm và Nguyễn Văn Hoàn (nguyên Phó tổng giám đốc Oceanbank) vẫn phê duyệt cho vay.

Ha Van Tham anh 1
Hà Văn Thắm tại tòa. Ảnh: Anh Tuấn.

Ngày 23/11/2012, Oceanbank đã giải ngân 500 tỷ đồng vào tài khoản của Công ty Trung Dung tại Ngân hàng Ngoại thương chi nhánh Phú Thọ, sau đó chuyển đến tài khoản của công ty này tại CBBank.

Theo cáo buộc, số tiền này sau đó được Phạm Thị Quỳnh Trang (nhân viên văn phòng Công ty TNHH một thành viên Tập đoàn Thiên Thanh làm thủ tục chuyển khoản và mở 4 sổ tiết kiệm. Ngày 27/12/2012, Danh chỉ đạo tất toán 4 sổ tiết kiệm rồi chuyển tổng số tiền gốc, lãi hơn 500 tỷ đồng để thanh toán cho 5 hợp đồng tín dụng của nhóm bà Phấn tại CBBank.

Trình bày tại tòa, bà Vũ Thị Hương Thảo (đại diện ủy quyền của CBBank) khẳng định người ký ủy nhiệm chi là ông Trần Văn Bình (cựu Tổng giám đốc Công ty Trung Dung).

“Ông Danh không thực hiện một ủy nhiệm chi nào vì ông ấy không có quyền”, bà Thảo khẳng định đồng thời cho biết số tiền 500 tỷ đã được dùng để tất toán các khoản vay, không còn trong tài khoản của Công ty Trung Dung tại ngân hàng này.

Tiếp lời, người đại diện ủy quyền của CBBank nói ngày 22/6/2013, họ xác nhận số dư trong tài khoản của Công ty Trung Dung theo đề nghị của công ty này. Nhận 2 giấy xác nhận xong, khách hàng này thực hiện ủy nhiệm chi, chuyển số tiền đó đi ngay.

Ha Van Tham anh 2
Đại diện Ngân hàng Xây dựng trả lời câu hỏi của luật sư. Ảnh: Vân Thanh.

Trả lời câu hỏi của luật sư Thiệp lý do gì mà Ngân hàng Đại Tín lại chi mà không thực hiện phong tỏa theo biên bản 3 bên giữa họ với Oceanbank và Công ty Trung Dung, bà Thảo nói chưa nhìn thấy biên bản này nên chưa thể đánh giá tính pháp lý của nó.

“Ngày 10/6/2014 chúng tôi nhận được biên bản photo, để đánh giá biên bản đó như nào phải căn cứ trên bản chính”, bà Thảo cho biết.

Nghe vậy, luật sư Thiệp tiếp tục đưa ra câu hỏi: “Nếu thực hiện cam kết là phong tỏa thì tiền có ra khỏi tài khoản không?”. Đại diện CBBank từ chối câu hỏi giả định trên.

“Đây là văn bản, tài liệu tổng giám đốc của bà ký nhưng ra tòa bà chối?". Trước sự truy vấn trên của luật sư Thiệp, bà Thảo nói: "Tôi không chối mà tôi không nhận được".

Là một trong những người tham gia ký biên bản 3 bên, bị cáo Nguyễn Văn Hoàn (cựu Phó tổng giám đốc Oceanbank) nói thời điểm đó Ngân hàng Đại Tín ký trước rồi mới đến mình ký. “Biên bản được lập thành 3 bản, mỗi bên giữ 1 bản”, ông Hoàn nói.

Tiếp lời, bị cáo Hoàn cho biết sau khi giải ngân khoản tiền trên, Hà Văn Thắm có chỉ đạo phải gửi công văn sang Ngân hàng Đại Tín nhắc nhở Công ty Trung Dung thực hiện theo đúng cam kết. Bản thân bị cáo Hoàn cũng là người ký văn bản yêu cầu chuyển trả số tiền 500 tỷ đồng cho Oceanbank nhưng ngân hàng này không thực hiện yêu cầu trên.

Trong phần này, Hà Văn Thắm cũng khẳng định sau khi xem hợp đồng vay tiền của Công ty Trung Dung, thấy có vướng mắc trong tài sản đảm bảo, bản thân ông ta đã đề nghị phong tỏa tài khoản của công ty này.

“Bị cáo có chỉ đạo gửi văn bản yêu cầu Ngân hàng Đại Tín kiểm tra, phong tỏa tài khoản của Công ty Trung Dung và có nhận được văn bản trả lời của họ là số tài khoản đó vẫn đang được phong tỏa”, Hà Văn Thắm nói.

Tiếp lời, cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank khẳng định nếu thực hiện phong tỏa nghiêm túc thì số tiền 500 tỷ đồng không thể ra khỏi tài khoản của Công ty Trung Dung.

Cũng trong phiên xét xử chiều nay, Thắm nói cảm thấy đau lòng khi cơ quan điều tra cho rằng các các bị cáo không chăm sóc khách hàng mà đang thực hiện chi lãi ngoài.

Ngày mai HĐXX tiếp tục làm việc.

Ha Van Tham anh 3
Những mốc thời gian Hà Văn Thắm và các đồng phạm vướng lao lý. Đồ họa: Phượng Nguyễn.   

 


Số phận các cổ đông sau vụ Oceanbank được mua lại giá 0 đồng

Đại diện Oceanbank khẳng định sau thương vụ 0 đồng, các cổ đông góp vốn điều lệ, trong đó có PVN góp 800 tỷ đồng không còn quyền và nghĩa vụ gì trong ngân hàng này.

Hà Văn Thắm khẳng định thuộc cấp là người có tài

Sau khi khai rõ về hành vi phạm tội của mình, Thắm xin HĐXX xem xét cho các bị cáo là thuộc cấp của mình bởi họ là người có tài, nếu bị cách ly khỏi xã hội sẽ đáng tiếc.

Hành trình đến ngân hàng 0 đồng của OceanBank 7 năm sau khi chuyển đổi mô hình ngân hàng đô thị năm 2007, trước khi ông Thắm bị bắt, nợ xấu của OceanBank đã lên tới 50% tổng dư nợ, vốn chủ sở hữu âm hơn 10.000 tỷ đồng.

 

Vân Thanh

Bạn có thể quan tâm