Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hai cách để trẻ lâu, trường thọ

Khoa học đã tìm ra hai phương thuốc hữu hiệu và rẻ tiền giúp con người trẻ đẹp, sống lâu.

Nhiều người tìm mua đông trùng hạ thảo, nấm linh chi... với mục đích tăng cường sinh lực, trẻ lâu. Tuy nhiên, đây là những thứ khoa học chưa chứng minh được, còn mới đây một nhóm nhà nghiên cứu đã phát hiện ra 2 cách khả quan có thể khiến tuổi già đến chậm.

1. Metformin

Tiến sĩ bác sĩ Nir Barzilai hiện là giám đốc Viện nghiên cứu Lão hoá của Đại học Y Khoa Albert Einstein, Bronx, New York. Ông cũng từng là bác sĩ quân y của Israel nhiều năm trước đó. Ông được biết đến như nhà tiên phong trong lãnh vực chống lão hoá (anti-aging) trên thế giới, với nhiều công trình nghiên cứu về gen di truyền ở những người sống lâu trăm tuổi nhằm tìm ra câu trả lời: làm sao để tuổi già đến chậm lại, và quan trọng hơn thế, làm sao sống khoẻ mạnh mà không bị bệnh tật trong khi già đi đó.

Ông cũng là một trong những người tiên phong đưa ra khái niệm lão hoá cũng là một loại bệnh như các loại bệnh khác, và nó còn nguy hiểm đến sức khoẻ hơn tất cả các loại bệnh khác cộng lại.

Vào tháng 9 vừa qua, ông và một nhóm các nhà khoa học đề xuất với Cơ quan quản lý Thuốc và Thực phẩm (FDA) của Mỹ để được tiến hành một cuộc thử nghiệm với metformin, một loại thuốc chữa tiểu đường loại 2, đã được sử dụng từ những năm 1960, chỉ tốn có vài ngàn đồng cho một viên, và tác dụng phụ rất nhẹ.

Cuộc thử nghiệm sẽ tiến hành trên 3.000 người lớn tuổi, một nửa uống metformin, một nửa uống "thuốc giả," nghĩa là nhìn giống metformin nhưng không có thành phần thuốc trong đó.

Thú vị hơn, họ đều là những giáo sư tiến sĩ từ các trường đại học, không một ai đến từ ngành công nghiệp dược phẩm, và cuộc thử nghiệm, nếu được FDA chấp thuận, sẽ được tài trợ bởi AFAR, một tổ chức phi lợi nhuận. Nghĩa là họ sẽ không có lợi gì từ cuộc thử nghiệm này.

Tuy nhiên, nếu thành công, nghĩa là khi nhóm người uống metformin sẽ bị bệnh tim, bệnh ung thư, thoái hoá nhận biết, và tử vong chậm hơn những người không uống metformin, thì FDA sẽ xem xét lão hoá như một "bệnh" thực sự và việc tìm ra thuốc chống lão hoá sẽ được hợp thức hoá.

2. Thiền

Tiến sĩ Elizabeth Blackburn là người đoạt giải Nobel Y Khoa năm 2009 vì đã tìm ra rằng nhiễm sắc thể của con người được bảo vệ bởi "telomere", hiểu nôm na là một cái mũ chụp đầu nhiễm sắc thể để bảo vệ nó không bị xói mòn. Bên cạnh đó, có một loại men gọi là "telomerase" giúp cho cái mũ này dài ra thêm khi bị xói mòn.

Ảnh minh họa.

Bà cũng tìm ra, khi con người ta càng già đi thì cái mũ chụp đầu đó càng ngắn đi, và men telomerase hoạt động càng kém đi, do đó, chất lượng nhiễm sắc thể bị giảm, và con người ta dễ bệnh tật hơn. Đây cũng là lý do tại sao càng lớn tuổi thì con người càng yếu và càng nhiều bệnh tật.

Thú vị hơn, bà cũng đã tìm ra, khi cơ thể bị stress thì cái mũ chụp đầu telomere ấy cũng sẽ bị ngắn đi nhanh hơn, nghĩa là khi bạn càng stress thì bạn sẽ càng già đi nhanh hơn và dễ bệnh tật hơn.

Trong một nghiên cứu xuất bản năm 2010 tại tạp chí khoa học Psychoneuroendocrinology, bà và các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng thiền có thể làm tăng hoạt động của men telomerase.

Theo bà, thiền có nghĩa là tập trung vào một điều duy nhất ở thời điểm hiện tại, không nghĩ về quá khứ, tương lai, hay làm 2-3 chuyện cùng một lúc. Điều này có thể không phải là đơn giản ở một xã hội bận rộn như hiện tại, nhưng cũng không phải là không thể.

Trong một nghiên cứu mới xuất bản năm 2013 tại tạp chí khoa học The Lancet Oncology, bà đã tìm ra rằng nhóm những người đàn ông được hỗ trợ thay đổi sang một chế độ ăn uống cân bằng, thể dục thể thao đều đặn mỗi ngày, giảm thiểu stress, và được các nhóm xã hội hỗ trợ giao lưu thì hoạt động của men telomerase tăng lên hẳn so với nhóm không được hỗ trợ.

Vì những nghiên cứu khoa học của bà về thiền, bà đã được Dalai Latma tặng cho danh hiệu "Medicine Buddha" (Phật Y Khoa).

Như vậy trong khi chờ đợi metformin được hợp thức hoá, bạn nên bắt đầu nghĩ đến việc thiền mỗi ngày, và đối với những người dùng smartphones, bạn có thể thử với thiền qua các ứng dụng mobile app.

Tác giả Nguyễn Thị Thanh Minh (32 tuổi) tốt nghiệp Tiến sĩ Khoa học tại Đại học Y Albert Einstein, Bronx, New York, Mỹ năm 2014. Với kinh nghiệm và kiến thức y học sẵn có, chị sẽ đưa ra lời khuyên cho độc giả Zing.vn cách chăm sóc sức khỏe hợp lý, tư vấn cho các bà mẹ kiến thức nuôi con hợp dinh dưỡng và thông minh.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Minh - Mclub

Bạn có thể quan tâm