Ðó là Nguyễn Minh Phú (sinh năm 1990, quê xã Thọ Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An). Số phận đã lấy đi đôi tay của Phú, nhưng với nghị lực phi thường, Phú đã khổ luyện thành sinh viên của hai trường đại học có tiếng ở TPHCM.
Trong căn phòng kí túc xá ÐHQG TPHCM, Phú đang miệt mài dùng chân lật từng trang sách Quản trị kinh doanh, thỉnh thoảng cậu lại dùng chân chép lại bài học.
Ðứng bên cạnh quạt cho Phú học bài trong những ngày hè nắng nóng suốt 4 năm nay là bố, ông Nguyễn Quỳnh Lộc (54 tuổi). Bởi từ ngày Phú vào đại học, ông Lộc phải rời bỏ ruộng đồng theo con trai vào TPHCM thực hiện ước mơ.
Không có tay, Nguyễn Minh Phú vẫn đạt được danh hiệu vở sạch chữ đẹp cấp huyện dù viết chữ bằng chân. |
Phú là con thứ 3 trong gia đình có 4 chị em nhưng mỗi em bị tật nguyền. Sinh ra nặng chưa đầy 1 kg, người không tay, cơ thể yếu ớt nên phải đến năm lên 6 tuổi, Phú mới tự đi được trên đôi chân của mình. Xin vào học mẫu giáo được 2 tuần thì Phú bị “trả về” vì không viết được chữ. Không được đến lớp, Phú lủi thủi trong căn nhà xập xệ. Nuốt nước mắt, ông Lộc tuyên bố: “Cha sẽ dạy con học chữ bằng chân”.
“Tôi quyết định lấy nền nhà làm bảng, lấy cục than làm phấn dạy con học viết. Mỗi lần tập viết, tôi kẹp cục than vào hai ngón chân con, dùng tay mình cầm lấy chân con luyện viết từng nét chữ. Chứng kiến nét chữ của con tiến bộ từng ngày, tôi vui không cầm được nước mắt”, ông Lộc kể.
Ngoài việc học, Phú còn khổ luyện đôi chân khéo léo, thành thục xâu kim, may vá quần áo, tự ăn cơm, uống nước gọn gàng, gõ bàn phím máy tính, nhắn tin điện thoại, sinh hoạt cá nhân…
Niềm vui không dừng lại với ông Lộc bởi chính nét chữ do đôi chân của con trai ông viết không những giúp con ông được đi học mà còn hai lần Phú đoạt giải viết chữ đẹp cấp huyện. Suốt 12 năm học Phú đều đạt học sinh khá, giỏi, nhiều năm Phú đoạt giải ở các kỳ thi học sinh giỏi huyện, tỉnh môn toán, Anh văn…
“Ðặc biệt, năm 2005, Phú là đại biểu Cháu ngoan Bác Hồ tỉnh Nghệ An, đại biểu Ðại hội Cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc, đại biểu Hiệp sĩ công nghệ thông tin và là một trong mười thanh niên tiêu biểu toàn quốc do Trung ương Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh bầu chọn.
Năm 2006, Phú vinh dự nhận giải thưởng “Mãi mãi tuổi hai mươi” và được bầu vào đoàn chủ tịch Ðại hội Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Nghệ An…”, ông Lộc khoe.
Ngoài việc học, Phú còn khổ luyện đôi chân khéo léo, thành thục xâu kim, may vá quần áo, tự ăn cơm, uống nước gọn gàng, gõ bàn phím máy tính, nhắn tin điện thoại, sinh hoạt cá nhân… để đỡ bớt đi gánh nặng cho bố mẹ. Riêng mặc quần áo là Phú chưa thể tự mình làm được.
Năm 2010, cậu học trò không tay này lần nữa viết nên kì tích khi đậu một lúc 2 trường đại học là ngành Công nghệ thông tin trường ÐH Công nghệ thông tin (ÐHQG TPHCM) và ngành Quản trị kinh doanh trường ÐH Quốc tế Hồng Bàng.
Thế nhưng, khi nhập học, Phú quyết định chọn trường ÐH Công nghệ thông tin vì phù hợp với bản thân và kinh tế gia đình. Kể từ ngày nhập học cũng là lúc người cha già khăn gói rời bỏ quê hương theo con trai vào Sài Thành sinh sống.
Họ chọn kí túc xá làm nơi trú ngụ cho hai cha con để tiết kiệm chi phí. Bù lại Phú miệt mài trong những trang sách để “ẵm” nhiều học bổng làm chi phí sinh hoạt hàng ngày.
Vẫn không từ bỏ ngành Quản trị Kinh doanh cách đây 4 năm, kỳ thi ÐH 2014-2015 vừa qua, Phú lén gia đình xét tuyển vào ngành này của trường ÐH Công nghệ TPHCM và trúng tuyển với số điểm 20,5. Vỡ òa trong hạnh phúc, Phú tiếp tục cùng người cha già “chiến đấu” với con chữ thêm 4 năm nữa.
“Càng lớn em phải nỗ lực nhiều hơn nữa để sau này có thể lo cuộc sống tuổi già cho cha mẹ bởi một mình mẹ ở quê ốm đau nhưng vẫn phải bươn chải trên từng thửa ruộng, chắt bóp từng đồng gửi vào cho em. Còn cha thì luôn dành những tốt đẹp nhất cho em. Mỗi khi trái gió trở trời, viết thương do bom đạn chiến tranh khiến ông đau nhức, em quặn thắt cả ruột gan. Giá như em có đôi bàn tay để xoa bóp cho cha thì tốt biết mấy”, Phú nghẹn ngào nói.
Ông Hoàng Việt Tuấn đi xe ba bánh mở đường cho con trai đi xe lăn đến trường. |
Bố đi xe ba bánh “mở đường” cho con ngồi xe lăn đi học
Cũng không chịu khuất phục trước số phận tật nguyền khi sinh ra đã không đi được trên đôi chân của mình do bệnh Cơ bẩm sinh, Hoàng Việt Tuấn, sinh năm 1997, ngụ quận 12, TPHCM, tân sinh viên trường Ðại học Hoa Sen vẫn quyết tâm trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực Công nghệ thông tin.
Do căn bệnh bẩm sinh về cơ nên dù đã qua tuổi 18, Tuấn vẫn không thể đứng được. Mọi hoạt động đi lại em cần phải có người và máy móc hỗ trợ.
Bố Tuấn, ông Nguyễn Việt Tiến, 53 tuổi cũng bị bệnh teo cơ và sau lần tại biến cách đây hơn chục năm, ông Tiến cũng không thể tự đi được bằng đôi chân mà phải dùng hai tay và đầu gối để di chuyển.
Hoàn cảnh càng trớ trêu hơn với Tuấn khi nguồn thu nhập chính của gia đình em là người mẹ vừa qua đời cách đây hơn 1 năm đúng vào giai đoạn nước rút thi đại học.
“Nỗi đau đến bất ngờ là một cú sốc nặng với em, nhiều lúc kiệt sức, em muốn bỏ học nhưng vì nghĩ đến người cha già gầy yếu, người mẹ không quản vất vả nuôi em đến từng này nên em quyết tâm phải thi đậu đại học”, Tuấn tâm sự.
Dù bị tật nguyền nhưng Hoàng Việt Tuấn vẫn quyết tâm trở thành một chuyên gia công nghệ thông tin. |
Chính động lực đó đã giúp Tuấn thi đậu vào ngành Công nghệ thông tin của trường Ðại học Hoa Sen. Thế nhưng, khi nhận giấy báo đại học, một lần nữa trong đầu Tuấn lại có ý định nghỉ học bởi không có tiền đóng học phí.
May mắn thay, đúng lúc này Tuấn được một giáo viên giới thiệu về học bổng khuyến học của trường và ngay khi tiếp nhận hồ sơ, trường Ðại học Hoa Sen đã trao cho em học bổng toàn phần suốt 4 năm.
Không lo về học phí, nhưng để tiện đường cho con đi học, từ ngày Tuấn đậu đại học, ông Tiến treo bảng bán căn nhà tổ tiên ở trung tâm thành phố để về vùng ven gần trường ở.
Trong căn nhà mới ở quận 12, mỗi ngày, hai bố con phải dậy từ 5 giờ sáng để chuẩn bị đi học. Ðúng 6 giờ 30 phút sáng, người bố vật vã đưa con trai lên chiếc xe lăn điện, sau đó bò ra sân rồi leo lên chiếc xe ba bánh của mình. Khi đã sẵn sàng, ông Tuấn nói: “Ði học thôi con trai” thì cả hai rồ ga, cùng bon bon tới trường.
Trên quãng đường gần 2 km từ nhà tới trường, bao nhiêu người đi đường nhìn hai bố con với ánh mắt ngạc nhiên. Ông Tuấn nói: “Niềm vui của tôi là thấy con vui khi ngày nào cũng được tới trường và tôi biết rằng, con trai tôi cũng vui khi thấy tôi ngày nào cũng đi cùng cháu dưới ánh mắt của nhiều người.