Chiều 23/2, Trung tâm Y tế TP Phú Quốc (Kiên Giang) tiếp nhận cấp cứu hai ngư dân bị nạn ngoài khơi là anh Trần Huy Hoàng (35 tuổi, trú tại tỉnh Khánh Hòa) và Phạm Đen (33 tuổi, trú tại Ninh Thuận).
Khoảng 1h cùng ngày, anh Hoàng và anh Đen bị tai biến khi đang lặn bắt hải sản tại khu vực Hòn Nhạn (đảo Thổ Chu). Chủ tàu đưa các nạn nhân vào Trạm Y tế xã Thổ Châu cấp cứu, cho thở oxy. Trong đó, anh Hoàng có diễn biến xấu, tính mạng nguy kịch.
Một trong 2 ngư dân bị nạn khi lặn biển. Ảnh: N.T. |
Nhận được tin báo từ chính quyền xã đảo, Chủ tịch UBND TP Phú Quốc Huỳnh Quang Hưng đã liên hệ với Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 để điều động tàu ra đảo. Đến 14h15 cùng ngày, tàu cảnh sát biển cập cảng Hải đội 401 ở phường An Thới để tổ quân y đưa 2 bệnh nhân vào Trung tâm Y tế Phú Quốc cấp cứu.
Theo bác sĩ, thợ lặn nếu không tuân thủ quy trình an toàn thì có thể gặp tai biến, để lại di chứng liệt nặng nề, thậm chí tử vong.
Để đảm bảo an toàn, người lặn phải tuân thủ nghiêm ngặt một số quy định, cụ thể:
- Không nên lặn quá 2 ca mỗi ngày.
- Thời gian ở dưới đáy tốt nhất 30 phút trở lại (thời gian ở đáy nước càng lâu nguy cơ tai biến lặn càng cao).
- Thời gian lặn lần sau phải ngắn hơn lần trước.
- Độ sâu lần lặn sau phải nông hơn lần lặn trước.
- Thời gian nổi lên mặt nước phải tuân thủ theo đúng quy trình (0,3048 m/phút).
- Trước khi đi lặn không nên sử dụng thức ăn gây no hơi vì làm tăng nguy cơ tai biến.