Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hai người bị đột quỵ được bác sĩ cứu kịp thời

Trong lúc cấp cứu cho người phụ nữ 51 tuổi bị đột quỵ, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ tiếp nhận thêm một trường hợp tương tự.

Sáng 8/3, bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thanh Phong, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ (BVĐKTWCT), cho biết đơn vị vừa triển khai cùng lúc 2 ê-kíp can thiệp cứu sống 2 bệnh nhân đột quỵ nặng.

Người nhập viện đầu tiên vào tối 27/2 là bà L.N.V. (51 tuổi, ngụ ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ). Lúc đó, bệnh nhân liệt nặng 1/2 người phải, mất ngôn ngữ toàn bộ (không hiểu y lệnh bác sĩ, không nói được).

Hình ảnh chụp cắt lớp sọ não cho thấy bà V. bị tắc động mạch não giữa bên trái. Đây là nhánh động mạch chính cung cấp máu cho phần lớn một nửa bán cầu đại não.

Cuu 2 nguoi dot quy nang anh 1

Sức cơ của bà L.N.V. cải thiện tốt. Ảnh: T.P.

Sau một giờ can thiệp nội mạch lấy huyết khối, mạch máu não của bệnh nhân được tái thông hoàn toàn.

Trong lúc các bác sĩ can thiệp cho bà V., BVĐKTWCT tiếp nhận bệnh nhân khác cũng bị đột quỵ nặng là ông N.V.H. (68 tuổi, ngụ ở huyện Châu Thành A, Hậu Giang). Lúc nhập viện, ông H. liệt tứ chi, méo miệng, không nhận ra người thân.

Hình ảnh chụp cắt lớp sọ não và mạch máu não cho thấy ông H. hẹp nặng động mạch thân nền. Một giờ sau đó, các bác sĩ can thiệp động mạch thân nền, tái thông hoàn toàn cho bệnh nhân.

Hiện sức cơ của ông H. và bà V. cải thiện, tri giác tốt, dự kiến xuất viện ngày 9/3.

Tiến sĩ Hà Tấn Đức, Trưởng khoa Đột qụy BVĐKTWCT, cho biết đột quỵ là bệnh gây tử vong đứng thứ 3 trong số những nguyên nhân gây chết người và nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế. Đây là căn bệnh nguy hiểm đến tính mạng, để lại di chứng nặng nề nếu không kịp thời phát hiện và xử trí đặc hiệu.

Đột qụy khiến cho phần não thiếu oxy, tế bào não bắt đầu tổn thương chỉ sau vài phút. Sau khi đột qụy xảy ra, mỗi phút trôi qua sẽ có gần 2 triệu tế bào não bị hư hại. “Thời gian vàng” giúp bệnh nhân đột quỵ có khả năng phục hồi được tính từ lúc người bệnh bắt đầu có những dấu hiệu của bệnh đến sau 3-6 giờ.

Cụ bà quên ống dẫn lưu trong niệu quản suốt 9 năm

Sau lần nội soi để tán sỏi 9 năm trước, người phụ nữ ở Đồng Tháp không quay lại bệnh viện để rút ống dẫn lưu niệu quản nên thường xuyên bị đau hạ vị.

Việt Tường

Bạn có thể quan tâm