Theo dữ liệu được công bố hôm 17/4, chi tiêu bình quân đầu người hàng năm cho vật nuôi, cùng với các doanh nghiệp liên quan đến thú cưng ở Hàn Quốc đang trên đà tăng đều đặn.
Trong đó, năm 2022, mức chi tiêu bình quân đầu người tại xứ kim chi đối với loạt dịch vụ, sản phẩm liên quan đến thú cưng vào năm 2022 là 353.000 won (268 USD), đạt mức cao nhất trong 4 năm, Korea Times đưa tin.
Các dịch vụ, sản phẩm liên quan đến thú cưng bao gồm bệnh viện động vật, khách sạn dành cho chó, quán cà phê dành cho chó và tiệm chăm sóc chó.
Thị trường đồ dùng cho thú cưng ở Hàn Quốc bùng nổ những năm trở lại đây. Ảnh: Korea Times. |
Mặt khác, tại hàng nghìn trang trại trên khắp Hàn Quốc, khoảng một triệu con chó được nhân giống và nuôi nhốt trong điều kiện tồi tàn. Chúng sống cả đời trong chiếc lồng thép rỉ sắt, bốc mùi nồng nặc và chờ ngày bị làm thịt.
“Có những chú chó con được sinh ra ở trong những lồng này, nhưng không may qua đời, rồi bị kẹt ở dây thép. Một số chủ nuôi mặc kệ chúng, cứ để những con chó mẹ ăn xác của chó con. Cảnh tượng rất đau lòng”, Lee Sang-kyung, người chỉ đạo chiến dịch giải cứu ở Hàn Quốc của nhóm hoạt động xã hội vì động vật Humane Society International (HSI), chia sẻ với VICE.
Số thú cưng tăng, tỷ lệ sinh giảm
Trung tâm dữ liệu tại công ty thẻ tín dụng Shinhan Card đã tổng hợp hồ sơ mua sắm của khách hàng năm 2019-2022. Kết quả cho thấy chi tiêu bình quân đầu người cho thị trường thú cưng tăng liên tục trong suốt giai đoạn này - từ 262.000 won (năm 2019), 283.000 won (năm 2020), 313.000 won (năm 2021) lên đến 353.000 won (năm 2022).
Bên cạnh đó, số lượng nhượng quyền thương mại liên quan đến thú cưng mới thành lập vào năm ngoái tăng đáng kể 48% so với năm 2019.
Đặc biệt, số lượng khách sạn dành cho thú cưng và cơ sở huấn luyện chó mới thành lập tăng lần lượt 211% và 275%. Các cơ sở chuyên cung cấp dịch vụ tắm cho chó và quán cà phê dành cho chó cũng tăng lần lượt 144% và 50% vào năm 2022.
Theo Viện Kinh tế Nông thôn Hàn Quốc, giá trị thị trường thú cưng của Hàn Quốc - trị giá 1,9 nghìn tỷ won vào năm 2015 - được dự báo sẽ đạt 4,5 nghìn tỷ won trong năm nay và đạt 6 nghìn tỷ won vào năm 2027.
Ngày càng nhiều người Hàn Quốc nuôi thú cưng và coi chúng như thành viên gia đình. Ảnh minh họa: 123rf. |
"Sự bùng nổ trong ngành công nghiệp thú cưng của quốc gia tiếp nối xu hướng 'nhân hóa thú cưng' - nơi mọi người coi con vật như thành viên gia đình của mình. Xu hướng này diễn ra khi ngày càng nhiều người từ bỏ hôn nhân và sinh con", Lee Eun-hee, giáo sư khoa học tiêu dùng tại Đại học Inha, cho biết.
Theo một cuộc khảo sát năm 2021 của KB Financial Group, khoảng 30% hộ gia đình tại Hàn Quốc cho biết có nuôi thú cưng. Có 88,9% người nuôi cho biết họ coi thú cưng như thành viên trong gia đình và đối xử với chúng theo cách phù hợp.
Theo giáo sư, xu hướng “nhân hóa thú cưng” tạo điều kiện cho các lĩnh vực kinh doanh chuyên biệt mới phát triển, như tiệm làm đẹp cho chó cưng. Các chủ vật nuôi cũng có cơ hội mới để tiêu tiền cho vật nuôi của mình.
“Chúng tôi hoàn toàn tin rằng thị trường thú cưng của Hàn Quốc sẽ ngày càng mở rộng về giá trị và quy mô trong những năm tới”, bà chia sẻ.
Tuy nhiên, sự phát triển của ngành công nghiệp thú cưng không đồng nghĩa nạn giết thịt chó suy giảm ở xứ kim chi. Tính đến đầu tháng 3, tổ chức HSI đã đóng cửa 18 lò mổ và giải cứu hơn 2.700 chú chó, nhưng Hàn Quốc vẫn còn hàng nghìn trang trại tồn tại.
Thay đổi thói quen
Thói quen ăn thịt chó khá phổ biến ở Hàn Quốc. Việc mua bán và ăn thịt chó tại quốc gia này bắt đầu được chú ý vào năm 1920.
Khắp Hàn Quốc vẫn còn hàng nghìn trang trại chăn nuôi và giết mổ chó. Ảnh: Jean Chung/HSI. |
Ở nhiệm kỳ kéo dài năm 1948-1960, cố Tổng thống Hàn Quốc Lee Seung-man từng ra lệnh cấm ăn thịt chó với lý do “ô uế”. Nhưng sau khi Olympic Seoul 1988 kết thúc, nhu cầu ăn thịt chó tăng trở lại.
Theo nghiên cứu năm 2022 của HSI, hiện Seoul có khoảng 436 nhà hàng thịt chó. Phần lớn thịt chó được tiêu thụ vào dịp Bok Nal - khoảng thời gian nóng nhất trong mùa hè ở Hàn Quốc, kéo dài tháng 7 đến tháng 8.
Một số người thuộc thế hệ cũ tin rằng thịt của loài động vật này sẽ giúp tăng cường sức khỏe. Một số cửa hàng y học cổ truyền cũng cung cấp gaesoju - một loại thức uống làm từ các loại thảo mộc và thịt chó, được cho là thuốc bổ cho sức khỏe.
Trong nhiều thập kỷ qua, hàng loạt tranh cãi gay gắt nổ ra giữa những người thích ăn thịt chó và các nhà hoạt động vì quyền động vật ở xứ kim chi. Đỉnh điểm là vào năm 2019, nữ diễn viên Mỹ Kim Basinger tham gia biểu tình phản đối ăn thịt chó trước Tòa nhà Quốc hội Hàn Quốc tại Seoul.
Nhưng điều này đang dần thay đổi. Trong một cuộc khảo sát năm 2020 của Nielsen, 84% người Hàn Quốc nói rằng họ chưa bao giờ ăn thịt chó và sẽ không ăn thịt chó trong tương lai. Tỷ lệ người Hàn Quốc ủng hộ cấm thịt chó cũng tăng từ 34,7% năm 2017 lên 58,6% năm 2020.
Một thành viên tổ chức HSI tham gia giải cứu những chú chó bị nuôi nhốt ở lò mổ. Ảnh: Jean Chung/HSI. |
Dựa trên khảo sát này, năm 2021, chính phủ Hàn Quốc tuyên bố họ đang cân nhắc lệnh cấm ăn thịt chó trên toàn quốc.
Cuối tháng 4/2022, Hàn Quốc đã sửa đổi Đạo luật Bảo vệ Động vật, quy định chủ sở hữu của vật nuôi sẽ đối mặt 3 năm tù giam hoặc bị phạt tiền tối đa 30 triệu won (24.000 USD) nếu bị phát hiện để thú cưng chết đói vì không cho chúng ăn. Bản sửa đổi được ban hành vào ngày 25/4/2022 và chính thức có hiệu lực từ ngày 27/4/2023.
Yang Jong-tae (73 tuổi), chủ trang trại thứ 18 mà HSI đóng cửa, quyết định từ bỏ công việc giết mổ thịt chó vào năm ngoái. Sau đó, ông chủ động liên hệ với HSI và hợp tác trong quá trình giải cứu diễn ra đầu tháng 3 này.
Ông Yang cho biết mình chưa từng có ý định xây dựng lò giết mổ chó, nhưng hình thức kinh doanh này giúp ông kiếm được tiền. Khoảng 30 năm trước, ông bỏ nghề tài xế xe tải, chuyển đến vùng nông thôn và nuôi một số động vật để kiếm sống. Ban đầu, ông chỉ có vài con chó, nhưng dần có rất nhiều chó con.
“Thật khó để tiếp tục công việc ở độ tuổi của tôi. Trong khi đó, mọi người cứ vận động ngừng ăn thịt chó, thậm chí khiếu kiện dân sự. Bởi vậy, tôi nghĩ đã đến lúc phải đóng cửa trang trại. Hơn nữa, tôi biết rằng những con chó sẽ được đến mái ấm tình thương mới, nên tôi rất vui lòng để chúng ra đi”, ông chia sẻ.
Nhà giáo dục và hùng biện người La Mã Quintilian từng nói rằng: "Chúng ta phải xây dựng tâm trí của mình thông qua đọc sâu hơn là đọc rộng". Thực hành đọc sâu là một quá trình rèn luyện có chủ đích. Mục Đời Sống giới thiệu với độc giả 6 nguyên tắc phát triển thói quen đọc sâu để không chỉ khám phá thế giới và kiến thức mà còn khám phá về chính bản thân mình.