Ngày 28/12, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Bình Thạnh, TP.HCM, đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Võ Quỳnh Trang (26 tuổi, quê Gia Lai) về tội Hành hạ người khác.
Theo công an, Trang hiện sống cùng bé N.T.V.A. (8 tuổi) và cha ruột bé tại block Topaz 2, chung cư Sài Gòn Pearl. Thời gian chung sống, bé A. thường xuyên bị Trang hành hạ, đánh dập.
Tối 22/12, nạn nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê, ngưng tim, ngưng thở. Bác sĩ xác định bé A. tử vong trước khi tới bệnh viện.
Theo dõi sự việc, nhiều người đặt câu hỏi: Liệu có thể xử lý Trang về tội danh khác, nặng hơn so với tội Hành hạ người khác đã bị Công an quận Bình Thạnh khởi tố?
Khi nào có thể xử lý về tội danh nặng hơn?
Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận định trong trường hợp này, hồ sơ bệnh án và kết luận giám định nguyên nhân tử vong sẽ là căn cứ quan trọng giúp xác định tội danh đối với Trang.
Từ những tài liệu này, có thể xảy ra 2 tình huống: Bé bị bạo hành nhưng nguyên nhân tử vong không phải vì bị đánh đập hoặc Bé bị bạo hành, nguyên nhân tử vong do vết thương mà Trang gây ra.
Nhiều người tưởng niệm bé V.A. trước sân chung cư tối 27/12. Ảnh: A.H. |
Ở trường hợp thứ nhất, nếu xác định bé A. có dấu hiệu bị đánh đập, hành hạ, song nguyên nhân tử vong không phải do việc bạo hành gây ra, luật sư Hùng cho rằng việc cơ quan điều tra khởi tố Trang về tội Hành hạ người khác theo Điều 140 Bộ luật Hình sự 2015 là đúng người, đúng tội.
"Hành vi hành hạ người khác có thể gồm chửi bới, dày vò cơ thể, bỏ đói hay thậm chí đánh đập song không gây ra thương tích nặng cho nạn nhân. Nếu bé A. có dấu hiệu bị đánh đập, song hành vi không gây ra tỷ lệ thương tật, không phải nguyên nhân trực tiếp dẫn tới cái chết, việc khởi tố bị can theo Điều 140 là đúng quy định", luật sư nhận định.
Theo Điểm a, Khoản 2, Điều 140 Bộ luật này, với tình tiết định khung hành hạ người dưới 16 tuổi, Trang sẽ đối diện mức án tối đa là 3 năm tù.
Đối với trường hợp thứ 2, luật sư cho rằng cơ quan chức năng sẽ tiếp tục điều tra, xác minh hành vi của Trang có phải nguyên nhân trực tiếp dẫn tới cái chết của bé A. hay không. Nếu có căn cứ xác định bé A. bị hành hung dẫn tới tử vong, cơ quan chức năng có thể thay đổi tội danh, truy cứu trách nhiệm hình sự bị can Trang về các tội nặng hơn đó là Cố ý gây thương tích hoặc Giết người.
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Văn Hậu (Ủy viên Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam) đánh giá nếu tình huống bé A. tử vong bởi hành vi đánh đập của Trang xảy ra, việc xử lý bị can về tội Cố ý gây thương tích hoặc Giết người là đúng quy định.
Đối với tội Cố ý gây thương tích, về ý thức chủ quan, cần xác định phương thức, cách thức thực hiện hành vi bạo hành của Trang. Việc đánh đập có nhằm vào các vị trí nguy hiểm, trọng yếu, có nguy cơ cao dẫn tới tử vong hay không? Khi thực hiện hành vi, bị can có ý thức được hậu quả có thể gây ra không?
Ngoài ra, cần làm rõ động cơ, mục đích phạm tội là muốn cháu bé tử vong hay chỉ đánh để gây tổn thương, nhằm mục đích răn đe, dạy bảo?
Nếu việc đánh đập không sử dụng hung khí nguy hiểm, không tác động vào các vùng nguy hiểm trên cơ thể cháu bé, người phạm tội sẽ bị truy cứu về tội Cố ý gây thương tích theo Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015. Với tình tiết định khung làm chết người, khung hình phạt áp dụng là 7-14 năm tù.
Trường hợp đủ căn cứ chứng minh Trang thấy trước được hậu quả xảy ra nhưng vẫn cố tình thực hiện hành vi để tước đoạt mạng sống của bé A., bị can sẽ bị xử lý về tội Giết người theo Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015. Với tình tiết giết người dưới 16 tuổi, mức án cao nhất có thể là tử hình.
Ngoài ra, với việc thực hiện hành vi phạm tội với người dưới 16 tuổi, Trang còn phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo Điểm i, Khoản 1, Điều 52 Bộ luật Hình sự 2015.
Cần làm rõ trách nhiệm của người cha
Ngoài trách nhiệm của bị can Trang, luật sư Hậu đánh giá cần làm rõ trách nhiệm, vai trò của cha ruột bé A. trong vụ việc này. Trường hợp có dấu hiệu đồng phạm thì người đó cũng sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Bị can Trang làm việc với cơ quan chức năng. Ảnh: L.T. |
Nếu người cha có dấu hiệu thông đồng, giúp sức, tiếp tay cho Trang thực hiện hành vi của mình, người này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh tương tự với vai trò giúp sức tích cực cho bị can.
Trường hợp có căn cứ xác định người này phát hiện hành vi phạm tội của Trang, thấy cháu nhỏ đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả chết người thì có thể bị xử lý về tội Không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng theo Điều 132 Bộ luật Hình sự 2015.
Nếu người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm, theo Khoản 2 Điều này, người đó sẽ đối diện khung hình phạt 1-5 năm tù.
Về các tội danh Che giấu tội phạm và Không tố giác tội phạm, ông Hậu cho biết tội danh này chỉ áp dụng khi che giấu người phạm những tội đặc biệt nguy hiểm đã được quy định trong luật như Giết người, Hiếp dâm, Mua bán người, Cướp tài sản...
Trước khi bé A. tử vong tối 22/12, Trang đã nhiều lần bạo hành bé. Tuy nhiên, hành vi này chỉ có dấu hiệu của tội Hành hạ người khác, không phạm các tội đặc biệt nguy hiểm theo luật định. Do đó, dù người cha phát hiện sự việc nhưng không báo cáo cơ quan chức năng, khó có căn cứ xử lý hình sự người này về 2 tội danh trên.
"Theo quy định của Luật trẻ em, Luật Hôn nhân và Gia đình thì cha mẹ có nghĩa vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục con cái mình đến khi trưởng thành. Trong trường hợp ly hôn và tái hôn thì cha dượng, mẹ kế cũng có nghĩa vụ phải bảo vệ, chăm sóc, giáo dục con riêng của chồng, của vợ mình đến khi trưởng thành. Pháp luật nghiêm cấm bạo hành trẻ em. Do đó, cần xử lý nghiêm khắc, có hình phạt thích đáng với những người không bảo vệ, chăm sóc mà còn gây tổn hại về tinh thần, thể xác và tính mạng của các em nhỏ", luật sư Hậu chia sẻ.