Theo Carscoops, chính quyền TP Seoul (Hàn Quốc) đang bày tỏ sự lo ngại về nguy cơ ôtô điện có thể bắt lửa, đến mức đang chuẩn bị áp dụng các quy định mới nhằm ngăn chặn các xe có dung lượng pin trên 90% lưu lại các bãi đỗ xe ngầm.
Lo ngại cháy nổ
Hồi đầu tháng, một chiếc Mercedes-Benz EQE đã phát hỏa khi đang ở trong bãi đỗ xe ngầm thuộc một khu chung cư, gây ra vụ hỏa hoạn mà thiệt hại theo ước tính của truyền thông địa phương là khoảng 880 xe bị hư hỏng, bên cạnh khoảng 1.600 hộ gia đình không có điện và nước để sử dụng trong khoảng một tuần.
Để ngăn chặn những sự cố tương tự có thể xảy ra trong tương lai, chính quyền TP Seoul được báo cáo là đang có những hành động cụ thể.
Chiếc Mercedes-Benz EQE phát hỏa khi đang ở trong bãi đỗ, không nổ máy và không cắm sạc. |
Bên cạnh hạn chế quyền sử dụng các bãi đỗ xe ngầm của xe điện sạc trên 90% dung lượng pin, loạt quy định mới cũng sẽ giới hạn mức sạc tối đa ở 80% tại bất kỳ trụ sạc nhanh công cộng nào trong phạm vi thủ đô Seoul. Mức sạc này cũng dự kiến được áp dụng với các trụ sạc do tư nhân vận hành và có thể có hiệu lực từ cuối tháng 9, theo Korea JoongAng Daily.
Trước các quy định này, nhiều chuyên gia ôtô điện tại Hàn Quốc đang lên tiếng phản đối. Giáo sư Yoon Won-sub - người đứng đầu một trung tâm nghiên cứu pin do Đại học Sungkyunkwan và Samsung SDI điều hành - cho rằng không có bằng chứng nào cho thấy pin sạc đầy có nguy cơ bắt lửa cao hơn.
“Việc sạc pin quá mức không phải là yếu tố dẫn đến hỏa hoạn. Ngay từ đầu, ôtô điện đã được thiết kế để không bao giờ đạt mức 100% dung lượng pin, bất chấp màn hình trên xe hiển thị như vậy”, giáo sư Yoon Won-sub khẳng định.
Theo Carscoops, trong số 139 vụ cháy xe điện được báo cáo tại Hàn Quốc trong 3 năm qua, chỉ có 26 vụ xảy ra khi xe đang sạc. Để dễ so sánh, có 68 vụ hỏa hoạn khởi phát khi xe đang vận hành, còn 36 vụ khác xảy ra khi ôtô điện đang đỗ. Trong trường hợp của chiếc Mercedes-Benz EQE, chiếc xe đang ở trạng thái đỗ và không cắm sạc.
Hàn Quốc dự định cấm xe điện sạc quá 80% pin. Ảnh minh họa: Ford. |
Theo Carscoops, nhiều chủ sở hữu xe điện cũng bày tỏ sự không hài lòng, cho rằng bằng cách giới hạn mức độ sạc pin, chính quyền sẽ làm giảm hiệu quả phạm vi sử dụng của các mẫu xe điện.
“Nếu xe chạy xăng phát hỏa, liệu chính quyền có giới hạn mức tiếp nhiên liệu ở 90% bình xăng hay không?”, một chủ sở hữu Tesla đặt câu hỏi trên mạng xã hội Hàn Quốc.
“Thủ phạm” của vụ cháy
Chia sẻ với AFP, phát ngôn viên của Sở Cứu hỏa Incheon khẳng định dù vẫn đang trong quá trình điều tra chi tiết, các cảnh quay từ camera an ninh cho thấy sự cố này có đầy đủ dấu hiệu của một vụ hỏa hoạn bắt nguồn từ pin.
Trên website của mình, Mercedes Hàn Quốc cũng xác nhận loại pin sử dụng trên chiếc Mercedes-Benz EQE 350+ trong vụ cháy nói trên được cung cấp bởi Farasis Energy - một hãng pin không quá nổi tiếng đến từ Trung Quốc.
Những gì còn lại của chiếc Mercedes-Benz EQE sau vụ hỏa hoạn. |
Hãng xe Đức cũng tiết lộ những nhà cung cấp pin khác của mình bao gồm LG Energy và SK On của Hàn Quốc, bên cạnh hãng pin CATL của Trung Quốc.
Song song với thông tin từ Mercedes-Benz, nhiều hãng xe cũng bắt đầu công bố thông tin liên quan đến thương hiệu pin mà họ đang dùng cho xe điện tại thị trường Hàn Quốc.
Hyundai và Genesis sử dụng loại pin do LG Energy, SK On và CATL cung cấp, tương tự Mercedes-Benz. Kia cũng không ngoại lệ khi phần lớn xe điện được trang bị bộ pin của LG Energy và SK On, trong khi chỉ 2 mẫu xe sở hữu bộ pin do CATL sản xuất, theo Reuters.
BMW cho biết phần lớn xe điện tại Hàn Quốc của hãng này dùng pin do Samsung SDI cung cấp. Thông tin trên website của hãng xe Đức cũng cho biết một số mẫu ôtô điện tại Hàn Quốc đang dùng bộ pin của CATL.
Nỗ lực khắc phục
Liên quan đến vụ cháy, Mercedes-Benz ban đầu tuyên bố sẽ bồi thường 4,5 tỷ won (khoảng 3,36 triệu USD) nhưng cư dân tại tòa chung cư cho biết con số đó là chưa đủ, theo DW.
Đại diện hãng xe Đức cũng tiết lộ Mercedes-Benz đang cân nhắc dừng bán dòng EQE 350+ hoặc phát đi thông báo triệu hồi, nhưng quyết định cuối cùng sẽ chỉ được đưa ra sau khi xác định được nguyên nhân của sự cố.
Sau khi vụ cháy gây ra những quan ngại về mức độ an toàn và ổn định của ôtô điện tại Hàn Quốc, một vài nhà sản xuất ôtô đang cung cấp dịch vụ kiểm tra miễn phí xe điện tại xứ sở kim chi, trong khi một số hãng khác cố gắng xoa dịu “nỗi sợ xe điện” bằng chính sách giảm giá.
Cụ thể, nguồn tin của Korea Times cho hay Audi Hàn Quốc đã giảm hơn 29% giá bán của Audi e-tron 55 quattro, đồng thời thực hiện mức giảm 24,5% cho các dòng xe điện còn lại. BMW Hàn Quốc cũng giảm giá bán iX xDrive 50 đi 12,9% còn mức giảm dành cho i7 xDrive 60 là 12,7%.
Nhiều hãng xe giảm giá ôtô điện tại Hàn Quốc sau vụ hỏa hoạn. Ảnh: Audi. |
Vụ việc cũng khiến không ít chủ xe điện tại Hàn Quốc vội vã “bán tháo” phương tiện của mình. Theo Straitstimes, hơn 100 xe điện EQE đã xuất hiện trên nền tảng giao dịch xe cũ SK Encar của Hàn Quốc sau vụ hỏa hoạn.
Tính đến hết ngày 16/8, đã có tổng số 115 xe điện Mercedes-Benz EQE qua sử dụng được đăng bán trên nền tảng này. Vụ “bán tháo” khiến giá trung bình của dòng xe này trên thị trường thứ cấp từ mức 92 triệu won (khoảng 68.707 USD) giảm xuống còn 59 triệu won (khoảng 44.062 USD) với các mẫu xe đời 2023.
Sách hay đọc trên xe
Chuyên mục Xe gửi tới độc giả những tựa sách hay với nhiều chủ đề hấp dẫn. Trên những chặng hành trình với những chiếc xe, không hiếm khi chúng ta có những khoảnh khắc nghỉ ngơi, thư giãn, và những trang sách là người bạn đồng hành lý thú.