Ngày 23/10, “Kế hoạch phòng, chống béo phì ở trẻ em và vị thành niên” (sau đây được gọi tắt là “Kế hoạch”) được ban hành ở Trung Quốc. Trong tài liệu này, một loạt mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể nhằm giảm cân cho nhóm này được đề cập, theo Beijing News.
Trung Quốc hiện có số lượng trẻ em và thanh thiếu niên thừa cân, béo phì cao so với thế giới. Theo một báo cáo do Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Bắc Kinh và UNICEF phối hợp thực hiện, năm 2014, đất nước tỷ dân có khoảng 4,76 triệu trẻ em 0-7 tuổi thừa cân và béo phì với tỷ lệ khoảng 4,3%.
Từ năm 1985 đến 2014, số trẻ em trên 7 tuổi bị thừa cân và béo phì tăng từ 6,15 triệu lên 34,96 triệu. Tương ứng với đó, tỷ lệ thừa cân tăng từ 2,1% lên 12,2%. Tỷ lệ béo phì tăng từ 0,5% lên 7,3%.
Theo tiêu chuẩn của WHO, tỷ lệ thừa cân của trẻ em và thanh thiếu niên 6-17 tuổi tại 9 tỉnh gồm Hắc Long Giang, Liêu Ninh, Sơn Đông, Hà Nam, Giang Tô, Hồ Bắc, Hồ Nam, Quảng Tây và Quý Châu tăng từ 5,37% (năm 1991) lên 16,23% (năm 2015). Tỷ lệ béo phì tăng từ 1,86% lên 10,75%.
Hàng chục triệu trẻ em ở Trung Quốc hiện bị thừa cân và béo phì. Ảnh: Reuters. |
“Kế hoạch” đề cập tình trạng thừa cân và béo phì không chỉ lấy đi vóc dáng cân đối mà còn cả “tuổi trẻ” của trẻ em và thanh thiếu niên. Bởi vậy, giảm cân cho nhóm này sẽ trở thành nhiệm vụ quốc gia.
Thực tế, các bệnh huyết áp cao, gan nhiễm mỡ và tiểu đường - vốn được dán nhãn là “trung niên” - giờ đã xuất hiện ở trẻ em và thanh thiếu niên.
Theo Khảo sát Sức khỏe và Dinh dưỡng Trung Quốc do Đại học Bắc Carolina (Mỹ) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc công bố, 1,9% người 12-18 tuổi ở Trung Quốc mắc bệnh tiểu đường, cao gấp 4 lần so với nhóm đồng lứa tuổi ở Mỹ.
Một nghiên cứu gần đây được công bố trên Tạp chí Dịch tễ học Trung Quốc cũng cho thấy tỷ lệ phát hiện tăng huyết áp ở trẻ em và thanh thiếu niên ở nước này ngày càng tăng.
Một nghiên cứu khác chỉ ra rằng mức độ béo phì ở nhóm này tỷ lệ thuận với nguy cơ tăng huyết áp, tăng đường huyết, triglyceride cao và tổng lượng cholesterol cao.
Trẻ em tham gia trại hè giảm cân ở thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc năm 2009. Ảnh: Getty. |
Theo nhiều nghiên cứu, các hành vi ăn uống không lành mạnh như không ăn sáng thường xuyên, ăn đồ chiên rán, đồ ăn nhanh, đồ uống có đường có thể làm tăng nguy cơ thừa cân, béo phì ở trẻ em và thanh thiếu niên.
Tuy nhiên, hiện nay, các loại đồ ăn vặt và đồ uống ngày càng trở nên hấp dẫn hơn đối với chúng. Theo một báo cáo năm 2018, tỷ lệ tiêu thụ đồ ăn nhanh của người từ 2 tuổi trở lên ở Trung Quốc đã tăng từ 11,2% trong những năm 1990 lên 56,7%.
Bên cạnh đó, các tiết học thể dục ở trường bị cắt giảm, trong khi thời gian ngoài giờ học của trẻ em phải dồn cho gánh nặng bài vở.
“Báo cáo giám sát chất lượng giáo dục bắt buộc của Trung Quốc năm 2018” cho thấy lần lượt 44,3% và 60,8% học sinh lớp 4, lớp 8 được học hơn ít hơn 3 tiết thể dục mỗi tuần. Điều này không đáp ứng các tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục về giáo dục bắt buộc. Lý do là thời gian lẽ ra thuộc về môn thể dục đã được các môn học khác “mượn”.
Ngoài giờ học, học sinh không dành nhiều thời gian cho việc tập thể dục. Theo “Báo cáo Phát triển Trẻ em Trung Quốc năm 2019”, thời gian tập thể dục trung bình hàng ngày của trẻ em bên ngoài trường học là 23,5 phút (ngày trong tuần) và 34,7 phút (cuối tuần). Con số này thấp hơn đáng kể so với thời gian các em dành cho các hoạt động như làm bài tập về nhà và chơi điện tử.
“Kế hoạch” nhấn mạnh rằng để cải thiện tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ em và thanh thiếu niên, việc cần làm là tăng cường giáo dục thể chất và các bài tập ngoại khóa. Tất cả trường học phải thực hiện nghiêm túc các tiêu chuẩn về giáo dục thể chất, đồng thời đưa điểm môn thể dục vào kỳ thi trung học phổ thông và các đánh giá khác theo quy định có liên quan.
Hôm 28/10, tỉnh Vân Nam đề xuất tăng điểm thi thể dục thẩm mỹ của học sinh trung học từ 50 lên 100 điểm.