Trong 4 tháng đầu năm, hầu hết nhà sản xuất ôtô tại Việt Nam ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan hơn cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, dịch bệnh diễn biến phức tạp trở lại đã khiến nhiều mẫu ôtô bị sụt giảm doanh số và ảnh hưởng đến thứ tự trên bảng xếp hạng top 10 của tháng 5/2021 vừa qua.
Đồng thời, doanh số chung của toàn thị trường cũng có bước chững lại, khiến các hãng xe liên tiếp tung ra các chương trình ưu đãi để kích cầu, cải thiện tình hình kinh doanh trong tháng 6.
VinFast Fadil dẫn đầu thị trường
Theo báo cáo bán hàng từ Hiệp hội Các nhà Sản xuất Ôtô Việt Nam (VAMA), trong tháng 5 doanh số xe du lịch đạt hơn 16.400 chiếc, thấp hơn tháng 4 khoảng 13,3%. Tương tự, TC Motor cho biết tổng doanh số của 6 mẫu xe Hyundai tháng vừa rồi đạt 5.027 chiếc, giảm gần 12% so với kết quả 5.709 chiếc của tháng 4.
Trong đó, VinFast Fadil bất ngờ vươn lên dẫn đầu thị trường với doanh số 1.868 xe, tăng 19,8% so với tháng 4. VinFast cũng là hãng xe hiếm hoi có doanh số đi lên trong tháng vừa qua với tổng cộng 2.855 xe bán ra.
VinFast Fadil dẫn đầu thị trường với doanh số 1.868 xe. |
Cuộc cạnh tranh cho vị trí sedan hạng B bán chạy nhất tiếp tục là câu chuyện giữa Toyota Vios và Hyundai Accent. Sau một tháng bị đối thủ Hàn Quốc vượt mặt thì Vios đã trở lại dẫn đầu, dù rằng kết quả này đến từ việc Accent đánh mất phong độ nhiều hơn.
Trong đó, cuộc cạnh tranh cho vị trí xe bán chạy nhất tiếp tục là câu chuyện giữa Toyota Vios và Hyundai Accent. Sau một tháng bị đối thủ Hàn Quốc vượt mặt thì Vios đã trở lại dẫn đầu, dù rằng kết quả này đến từ việc Accent đánh mất phong độ nhiều hơn.
Từ 2.150 xe bán ra trong tháng 4, Hyundai Accent nay có doanh số còn 1.620 chiếc, sụt giảm đến 24,6%. Trong khi đó, Vios giảm ít hơn, từ 1.950 xe còn 1.789 xe với tỷ lệ tương ứng 8,2%.
Tuy vậy, Accent vẫn đang là dòng xe bán tốt nhất trên thị trường sau 5 tháng với doanh số tích lũy 8.578 chiếc. Con số tương ứng của Vios là 7.609 chiếc và mẫu sedan của Toyota chỉ đứng thứ 3 trong tiêu chí này, xếp ngay sau Mitsubishi Xpander với 7.585 xe bán ra tính đến cuối tháng 5. Còn tính riêng trong tháng 5, Xpander đứng thứ 3 khi có doanh số 1.470 xe.
Song song đó, nhiều mẫu xe hot trên thị trường đã không tránh khỏi việc sụt giảm mạnh doanh số trong tháng vừa qua. Danh sách gồm Ford Ranger (giảm 46,7%), Mitsubishi Attrage (giảm 43%), Kia Sorento (giảm 42,8%), Mazda CX-5 (giảm 25,9%), Honda City (giảm 22%), Hyundai Grand i10 (giảm 21,3%), Toyota Corolla Cross (giảm 18,6%), Kia Seltos (giảm 18%)...
Dấu ấn tích cực từ tân binh
Trong bối cảnh sụt giảm chung của thị trường, vẫn có số ít mẫu xe ngược dòng với kết quả ấn tượng. Đáng chú ý nhất là Hyundai Santa Fe với doanh số 1.288 xe, tăng đến 50% so với kết quả 857 xe ở tháng 4. Doanh số này cũng giúp Santa Fe tiếp tục dẫn đầu nhóm SUV 7 chỗ, xếp trên Kia Sorento (415 xe), Honda CR-V (421 xe), Mazda CX-8 (386 xe)...
Mẫu SUV 7 chỗ vừa được ra mắt các phiên bản mới vào giữa tháng 5 và nhận được sự quan tâm từ người dùng. Tuy vậy, mức tăng trưởng của Santa Fe còn có sự đóng góp lớn từ đời xe cũ, các model này được giảm giá sâu hơn 100 triệu đồng để dọn kho.
Santa Fe là dòng xe Hyundai bán chạy thứ 2 trong tháng 5/2021. Ảnh: TC Motor. |
Một tân binh mới cũng gây được dấu ấn tốt trong tháng 5 là Mazda CX-3. Mẫu SUV đô thị của Mazda ở tháng đầu tiên công bố kết quả bán hàng có doanh số 426 xe, xếp trên các đối thủ như Hyundai Kona (369 xe), Ford EcoSport (187 xe) hay Honda HR-V (59 xe).
Đây có thể xem là bước đầu khá thành công đối với Mazda CX-3 khi mẫu xe này được nhận định sẽ kén khách. Câu hỏi đặt ra là CX-3 có thể duy trì được phong độ này bao lâu sau khi sự quan tâm ban đầu hạ nhiệt.
Ngoài CX-3, Mazda trong tháng 5 còn bổ sung vào báo cáo bán hàng CX-30 với 135 xe, một con số khá khiêm tốn khi mẫu SUV này có giá bán cao và tập khách hàng hẹp hơn các đối thủ.
Một vài cái tên nổi bật khác cần nhắc đến khi ghi nhận tăng trưởng trong tháng vừa qua gồm có Suzuki XL7 (476 xe), Toyota Rush (449 xe), Mitsubishi Triton (329 xe)...