Gieo trồng những mầm cây nhỏ, phân loại rác, hạn chế nhựa… là những hành động giản đơn nhưng thiết thực để thực hành lối sống xanh.
Biến đổi khí hậu kéo theo những hệ quả về thiên tai, thời tiết khắc nghiệt ảnh hưởng đến đời sống kinh tế và tinh thần người dân. Đứng trước thách thức ấy, nhiều đơn vị cũng như cá nhân bắt tay thực hiện những hành động nhỏ với mong ước tạo nên thay đổi trong tương lai.
Khu vực rừng phòng hộ ven biển Thuận Nam (Ninh Thuận) là một trong những nguồn sinh kế của người dân địa phương. Tuy nhiên trong nhiều năm, người dân nơi đây thường đối mặt tình trạng hạn hạn kéo dài. Nỗi lo của họ xoay quanh việc làm sao có nước để chăm lo hoa màu hay tìm nguồn thức ăn cho đàn gia súc.
Do đó, tăng diện tích phủ xanh rừng phòng hộ ven biển là mục tiêu quan trọng của địa phương. Hành trình này không mấy dễ dàng bởi ngoài khí hậu khắc nghiệt, địa hình núi đá cũng tạo ra nhiều thách thức.
Thấu hiểu và đồng cảm, MSB phối hợp quỹ Sống đưa hàng chục nghìn cây xanh đến Thuận Nam, với mong muốn chung tay xây dựng vùng đất bình an trước thiên tai.
Ngắm hơn 15.000 cây thanh thất đang lớn lên từng ngày trên 9,29 ha đất vốn trước kia trơ sỏi đá, anh Nguyễn Minh Quốc - một trong những người tham gia chương trình do MSB đồng hành - không ngăn nổi niềm háo hức khi nói về cánh rừng xanh mướt. “Có rừng, có nước là có thêm nguồn sinh kế, chăn nuôi gia súc cũng bớt vất vả. Người dân Thuận Nam được hít thở bầu không khí trong lành, yên tâm đi học, đi làm, thôi canh cánh nỗi lo thiên tai ập đến”.
Anh Quốc cũng hy vọng sau 5-10 năm nữa, những khu vực núi đá tại Ninh Thuận được phủ xanh và nhiều mảnh đất khô cằn khác trên dải đất hình chữ S sẽ “thay áo mới”.
Còn với những người mang mầm xanh đến mảnh đất khô cằn này, họ có chung mong mỏi rằng mỗi lần ghé lại thăm, từng cây non sẽ vươn mình mạnh mẽ, che chở người dân và vùng đất vốn chịu nhiều thiệt thòi do thời tiết khắc nghiệt.
Hành trình bảo vệ sắc xanh cần nhiều hơn bàn tay góp sức, không nhất thiết từ những cánh rừng rộng lớn mà có thể bắt đầu bằng hành động nhỏ thường nhật. Mọi người ở bất cứ độ tuổi nào, sinh sống nơi đâu đều có thể gieo trồng mầm xanh nhỏ nơi ban công hay khu vườn cạnh nhà, phân loại rác sinh hoạt và nơi công cộng, ưu tiên sản phẩm thân thiện môi trường…
Những hành động nhỏ ấy từ lâu đã được những “đại sứ xanh” thực hiện mỗi ngày và lan tỏa đến hàng chục nghìn người theo dõi trên trang cá nhân.
Là người trực tiếp đồng hành cùng dự án, chở cây vượt núi đến vùng đất khô cằn Thuận Nam, Helly Tống không khỏi xúc động khi thấy những “người bạn xanh” lớn lên từng ngày.
“Nhìn hành trình từ ngày đầu tiên với nhiều định kiến về nơi trồng đến thành quả hôm nay, tôi tin nếu không có sự kiên định cùng những người thầm lặng, việc trồng rừng sẽ khó hơn vạn lần. Rừng là nguồn sống của vạn vật, lá phổi xanh để hít thở bầu không khí trong lành. Thêm một cây rừng, thêm một hy vọng về cuộc sống bình an và tươi sáng. Đó là động lực của tôi khi đồng hành cùng dự án”, Helly Tống bộc bạch trên trang cá nhân.
Với Trần Quang Minh, chặng đường làm báo đưa anh đến rừng bạt ngàn nơi Đông Bắc, Tây Bắc hay miền Trung, Tây Nguyên. Sự bao bọc của sắc xanh khiến anh càng yêu thêm những cánh rừng. Mỗi chuyến đi cũng giúp anh thấy rõ hơn sự khắc nghiệt của thiên tai và thấu cảm về tầm quan trọng của cây xanh.
“Hơn bao giờ hết, bên cạnh việc chung tay bảo vệ và ngăn chặn nạn phá rừng, nhiều tổ chức xã hội, cơ quan đoàn thể, thanh niên, sinh viên đang nỗ lực xây dựng phong trào trồng rừng, hướng đến tương lai xanh, trả lại giá trị mà thiên nhiên ban tặng. Chiến dịch ‘Cùng MSB trải xanh Việt Nam’ rất thiết thực trong bối cảnh này khi chung tay thúc đẩy cộng đồng trồng cây, thực hành lối sống xanh cho cuộc sống an lành, gần gũi thiên nhiên”, nhà báo Trần Quang Minh chia sẻ.
Anh cũng khẳng định khi không thể lên rừng, phủ xanh đồi trọc, bạn có thể ủng hộ tinh thần này bằng việc trồng cây xanh tại nhà hoặc văn phòng.
Chung suy nghĩ ấy, nhà báo Trương Anh Ngọc cho rằng ai cũng có thể bắt đầu từ những hành động nhỏ như hạn chế túi nylon, sử dụng phương tiện giao thông công cộng hay chăm chút những mầm cây nơi ban công, vườn nhà…
Bằng những việc giản đơn, Helly Tống, nhà báo Trần Quang Minh, nhà báo Trương Anh Ngọc cũng như nhiều người dân thành thị khác đang từng ngày góp sắc xanh, thêm lớp áo giáp bảo vệ môi trường, lan tỏa cảm hứng thực hiện hành động ý nghĩa.
Đó cũng là kỳ vọng của MSB khi đồng hành gieo mầm xanh ở huyện Thuận Nam. “Giữ rừng là giữ được đất, nước. Giữ rừng là góp phần giữ đất nước. Chiến dịch trồng hơn 15.000 cây thanh thất tại Ninh Thuận chính là khởi đầu cho tầm nhìn dài hạn của chúng tôi nhằm góp phần xây dựng một Việt Nam vươn tầm xanh, phát triển bền vững”, đại diện MSB chia sẻ.
MSB tin rằng từng hành động nhỏ sẽ tạo nên thay đổi lớn trong tương lai như mầm nhỏ hôm nay có thể vươn mình thành đại thụ. Mang theo niềm tin ấy cùng mong muốn đóng góp phần sức lực của mình vào sự nghiệp chung, sứ mệnh bảo vệ môi trường luôn song hành với định hướng hoạt động của ngân hàng.
Ngoài chiến dịch "Cùng MSB trải xanh Việt Nam", trong hơn 30 năm đồng hành và phát triển cùng cộng đồng, MSB không ngừng đẩy mạnh hoạt động an sinh xã hội với nhiều chương trình thiết thực, ý nghĩa cùng sự chung tay của tập thể hơn 5.000 cán bộ nhân viên trên toàn quốc. Các hoạt động này thể hiện sự tương thân tương ái, chia sẻ khó khăn và nâng cao chất lượng cuộc sống của người Việt Nam tại các địa phương, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Tập trung vào ba mũi nhọn hỗ trợ chính là y tế, giáo dục và phát triển nông thôn, hành trình nhân văn của ngân hàng đến nay ghi nhận nhiều dấu ấn, lan tỏa tinh thần cùng nhau tiến về phía trước, hướng đến cuộc sống tốt đẹp hơn.
Thấu hiểu sâu sắc trách nhiệm của doanh nghiệp trong hành trình mang giá trị tích cực đến cộng đồng, MSB xác định nguyên tắc gắn kết hài hòa mục tiêu kinh doanh với trách nhiệm xã hội. Ngân hàng định hướng phát triển bền vững, nỗ lực hiện thực hóa sứ mệnh nâng cao chất lượng sống, góp phần thúc đẩy Việt Nam “vươn tầm”.
Năm 2021, MSB khởi động chiến dịch "Cùng MSB trải xanh Việt Nam" tại Ninh Thuận, diễn ra trong bối cảnh mảnh đất này đang chịu tác động khắc nghiệt của biến đổi khí hậu. Chiến dịch mang ý nghĩa thiết thực, góp phần tăng diện tích và độ che phủ rừng, phát huy tính năng rừng phòng hộ cũng như tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân sống phụ thuộc vào rừng tại Ninh Thuận. Không chỉ chung tay góp phần vào mục tiêu phủ xanh Việt Nam của Chính phủ, thông qua chiến dịch này, MSB còn mong muốn khơi dậy và lan tỏa lối sống xanh trong cả cộng đồng.