Đồng Ngọc Hà, 19 tuổi, vỡ òa hạnh phúc khi góp mặt trong top 50 sinh viên xuất sắc do Ban tổ chức Giải thưởng Sinh viên toàn cầu Chegg.org (Global Student) công bố. Để đạt được kết quả trên, Ngọc Hà đã vượt qua khoảng 3.500 ứng viên tới từ 94 quốc gia.
Tạm gác việc học ở trường, Ngọc Hà vẫn sẽ tham gia các khóa đào tạo và nghiên cứu.
Hà lý giải, cậu mong có những kinh nghiệm nhất định và nhìn nhận rõ hơn trước khi chọn ngành du học. Bố mẹ Hà ủng hộ quyết định tạm nghỉ học một năm, miễn con trai thấy phù hợp và hài lòng với sự lựa chọn.
Đồng Ngọc Hà trong một lần tiến hành thí nghiệm ở phòng thí nghiệm Sinh học phân tử tế bào, Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: NVCC. |
Chỉ có 2 ngày để hoàn thiện 8 bài luận tiếng Anh
Sau khi trở thành thành viên của cộng đồng sinh viên toàn cầu, Ngọc Hà tin tưởng sẽ có nhiều cơ hội để hợp tác với các bạn trẻ chung chí hướng trên thế giới. Bên cạnh đó, nam sinh tiếp tục học tập và nghiên cứu Vật lý và Y sinh.
Thời gian nộp hồ sơ kéo dài 2-3 tháng nhưng gần đến hạn chót cậu mới biết thông tin Global Student Prize từ một người bạn.
Nam sinh chỉ có khoảng 2 ngày để hoàn thiện 8 bài luận bằng tiếng Anh. Cậu kể về hành trình gắn liền khoa học và dự án giáo dục mình đang thực hiện. Đầu tháng tám, Hà nhận được lời mời phỏng vấn từ ban tổ chức.
Tại đó, cậu chia sẻ về góc nhìn, tương lai, khó khăn của lĩnh vực y tế và giáo dục từ những người xung quanh. Mong muốn của Hà là trở thành nhà khoa học, mang lại nghiên cứu có ích cho ngành Y sinh, đồng thời cũng là nhà giáo để lan tỏa kiến thức đã học. Nam sinh thực hiện ước mơ bằng việc tham gia các kỳ thi học thuật, nghiên cứu và tổ chức dạy học.
Hà gây ấn tượng với ban tổ chức về những dự án dạy học và Bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia. Hà cùng nhóm bạn thân đã dạy miễn phí đội tuyển học sinh giỏi quốc gia của hơn 10 tỉnh, thành phố trên cả nước khi dịch Covid-19 bùng phát cuối năm 2019.
Nhận thấy các giảng viên giỏi từ các trường đại học lớn sẽ khó tới các vùng nông thôn để bồi dưỡng như mọi năm, các thành viên trong dự án tổ chức dạy học online, sau đó dạy trực tiếp trong điều kiện dịch ổn định.
Nhóm thực hiện dự án gặp khó khăn khi học sinh ở nhiều tỉnh, thành, mỗi người có nền tảng kiến thức khác nhau. Để khắc phục điều này, Hà và các thành viên tìm hiểu phương pháp sư phạm "Inclusive Teaching", khảo sát trong và ngoài giờ học, tham khảo ý kiến của giáo viên hướng dẫn và trò chuyện với từng em.
“Từ đó, nhóm có thể hiểu được nhu cầu của từng bạn trong lớp và thiết kế chương trình phù hợp. Học sinh cảm thấy được tôn trọng và học những kiến thức mới", nam sinh bày tỏ.
Hà trong một lần dạy học cho các em THPT chuyên Hưng Yên. Ảnh: NVCC |
Đam mê khoa học từ nhỏ
Ngọc Hà chia sẻ ngày nhỏ em từng tháo lắp đồ chơi ra xem bên trong có gì. Sự tò mò thúc đẩy cậu tìm hiểu về cơ chế hoạt động của máy móc và dẫn dắt đến với môn Vật lý.
Nam sinh bắt đầu tìm đọc những tài liệu sâu hơn về cơ, điện, tham gia các kỳ thi học sinh giỏi Vật lý và thi vào lớp chuyên Lý tại các trường THPT chuyên. Năm lớp 9, Hà giành giải nhì học sinh giỏi Vật lý thành phố Hà Nội, sau đó đỗ lớp chuyên Lý của trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên.
Nam sinh bắt đầu suy nghĩ mình sẽ chọn làm gì trong tương lai. Tình cờ lúc đó, Hà đọc được lời thề Hippocrates phiên bản do Louis Lasagana viết vào năm 1964, được sử dụng trong nhiều trường y khoa ngày nay.
Trong 8 điều của lời thề này, Hà ấn tượng với điều nhắc nhở các bác sĩ, nhà khoa học rằng: “Nghệ thuật của việc chữa bệnh hay của khoa học là sự ấm áp, cảm thông và sự hiểu biết, điều đó có thể lớn hơn con dao của bác sĩ phẫu thuật hoặc thuốc của dược sĩ”.
Nam sinh bắt đầu đọc về lịch sử ngành Sinh học, Y học và được truyền cảm hứng từ nhiều câu chuyện của những người đi trước.
"Em cảm thấy mình thực sự muốn theo đuổi Y sinh để có thể tạo ra những nghiên cứu có ích cho sức khỏe cộng đồng”, Hà tâm sự
Để có thể tiếp cận được nhiều nguồn tài liệu, nam sinh tự học tiếng Anh. Hà linh hoạt trong cách thu thập kiến thức có thể là qua sách vở, blog, video trên mạng.
Từ học sinh chuyên Lý, năm lớp 11 Ngọc Hà giành giải ba trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Sinh học. Lớp 12, Hà đạt huy chương bạc Olympic Sinh học quốc tế.
Ngoài việc học ở trường, nam sinh còn năng nổ tham gia các hoạt động ngoại khóa. Hà chia sẻ: “Khoảng thời gian đó em nhận ra kỹ năng tổ chức, quản lý thời gian rất quan trọng”.
Năm nhất ở Đại học Khoa học Tự nhiên, nhờ đam mê học hỏi và nền tảng kiến thức từ trước, Ngọc Hà đoạt giải nhì, kỳ thi Vật lý Rudolf Ortvay và huy chương vàng Olympic Y học Quốc tế 2021, huân chương Lao động hạng ba.
Câu nói ấn tượng nhất của bố mẹ chia sẻ với cậu là: "Khó khăn rồi sẽ qua nhưng giáo dục phải đi lên từ gốc". Đây cũng chính là lời nhắc nhở để Ngọc Hà không ngừng cố gắng trong chặng đường tiếp theo.
Giải thưởng Sinh viên Toàn cầu Chegg.org là trị giá 100.000 USD được trao cho học sinh, sinh viên xuất sắc, có tác động nổi bật đến việc học tập, cuộc sống của bạn bè và xã hội.
Giải thưởng này được tổ chức bởi Công ty Chegg.org và quỹ Varkey Foundation. Quỹ này từng tổ chức giải Giáo viên Toàn cầu. Cô Hà Ánh Phượng (giáo viên ở Phú Thọ) từng lọt top 10 vào năm 2020.