Đi chùa ngày mùng 3 Tết, anh Nam (ở Hà Nam) không mang tiền lẻ. Tại cổng chùa, anh được chào mời và phải đổi tiền lẻ cho một người phụ nữ với mức chênh "10 ăn 8" (tức đổi 10.000, nhận về 8.000 tiền lẻ loại 1.000 đồng).
Anh Nam thắc mắc liệu hành vi đổi tiền lẻ kiếm lời của người phụ nữ này có vi phạm quy định của pháp luật không?
Hành vi đổi tiền lẻ để kiếm lời thường diễn ra phổ biến ở xung quanh các đền, chùa dịp Tết. Ảnh: N.M. |
Nói về vấn đề này, luật sư Hà Kim Tâm (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết việc đổi tiền lẻ để kiếm lời bị xếp vào nhóm hành vi đổi tiền không đúng theo quy định và sẽ bị xử phạt theo Nghị định 88/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.
Điểm a, Khoản 5, Điều 30 Nghị định 88/2019 quy định hành vi thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật bị phạt tiền 20-40 triệu đồng.
Theo Khoản 3, Điều 3 nghị định này, mức phạt tiền đối với những hành vi vi phạm tại Chương II (bao gồm việc đổi tiền lẻ để kiếm lời) là mức phạt tiền dành cho cá nhân. Mức phạt đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm sẽ gấp đôi mức phạt tiền với cá nhân.
Đối chiếu với trường hợp của anh Nam, người phụ nữ đổi tiền lẻ đã vi phạm quy định tại Nghị định 88/2019 và đối diện mức phạt tối đa 40 triệu đồng. Trường hợp không phải cá nhân đơn lẻ mà là một tổ chức hoạt động, kinh doanh dịch vụ này, tổ chức đó có thể đối diện mức phạt lên tới 80 triệu đồng.