Hành xác quái dị của bạn trẻ emo Sài thành
Emo (trào lưu sống theo cảm xúc) mới chỉ du nhập vào Việt Nam thời gian gần đây nhưng đã được giới trẻ Sài thành say.
Emo thể hiện cảm xúc
Hiểu một cách đơn giản, emo là từ viết tắt của Emotional, nghĩa tiếng Anh là "cảm xúc" miêu tả một xu hướng đang ngày càng trở nên phổ biến rộng rãi trong giới trẻ nước Anh. Emo xuất hiện ở Việt Nam trong một vài năm trở lại đây và có xu hướng ngày càng lan rộng trong cộng đồng các bạn trẻ, đặc biệt là những bạn vừa bước vào độ tuổi vị thành niên. Trào lưu này là sự tổng hòa của thời trang và cảm xúc.
Trang phục của các bạn trẻ emo thường là những chiếc váy đen, quần jeans bó sát, áo phông, thắt lưng và những đôi giày "khủng". Mái tóc màu đen và ép thẳng với mái dài được chải hất sang một bên mặt.Họ thường thích nhạc rock với những phần lời mùi mẫn, đầy cảm xúc, tụ tập thành nhóm khác nhau.
Nhóm của Phùng Văn Việt (18 tuổi, biệt danh Bin, Q. Thủ Đức, TP.HCM) là quản trị viên của một fanpage chuyên về emo trên mạng xã hội. Khác hoàn toàn với suy đoán ban đầu, nhóm Emo này không cho tôi một cảm giác gì là "dị hợm" hay "quái đản. Trong số 6 bạn có mặt, riêng Việt và Tuấn bằng tuổi và học cùng trường thì hầu hết đều chỉ 15, 16 tuổi. Dưới lớp phấn trang điểm và chút kẻ mắt đen đậm, thì nét trẻ con vẫn hiện rõ trên từng gương mặt.
Việt chia sẻ, thành viên của giới emo có thể là bất cứ ai. Tuy nhiên, đa số đều còn trẻ và mang tính cách khá ủy mị. Mọi suy nghĩ và hành động đều xuất phát từ một cảm xúc thực sự. Họ có thể làm bất cứ điều gì cho cái họ yêu thương, gào thét, khóc thảm thiết khi bị gặp vấn đề gì đó. Mỗi họ có những cách để thỏa mãn cảm xúc và để thể hiện bản thân khác nhau. Những khi buồn, họ có thể hút thuốc hay "nhâm nhi" một cuốn tiểu thuyết tình cảm để thấy bình tâm và thư thái hơn. Một số bạn có cá tính thường bấm thêm khuyên mũi, khuyên môi hoặc tạo hình khuyên tai và treo lên những thứ trang sức trông rất… dị.
Hoạt động trong cộng đồng emo được hơn một năm, Việt bảo, phần nhiều các bạn tỏ ra dè chừng và lạnh lùng với người xung quanh. Vì cho rằng người bình thường không hiểu họ, cho họ là những kẻ lập dị, ăn mặc không ra gì, hành động chẳng giống ai, lại có những suy nghĩ chẳng ai hiểu.
Nhưng theo Việt, các bạn khá thân thiện và sống tình cảm. Đa phần đều muốn hướng đến một tình yêu trong sáng, thuần khiết như trong tiểu thuyết cổ, cho nên chuyện động chạm xác thịt là hoàn toàn không có trong suy nghĩ về tình yêu của họ.
Bên cạnh Việt là Hạnh (16 tuổi, THPT Nguyễn Huệ, Q. 9), gần như không nói câu nào, chỉ chăm chú vào màn hình chiếc điện thoại di động, thi thoảng thấy Hạnh bò lăn ra sàn cười không thành tiếng, lúc khác lại lẩm bẩm như muốn van xin gì đó, mắt đẫm lệ.
Có nhiều lý do khiến các bạn trẻ tìm đến với Emo, trong đó, không ít bạn đang có những vướng mắc từ gia đình. Là một thành viên trong nhóm, bố mẹ Huyền Trang ly dị khi Trang còn rất nhỏ. Mẹ Trang bận rộn suốt ngày với công việc kinh doanh, thời gian quan tâm, chăm lo cho Trang cũng dần trở nên ít đi.
"Nhiều lúc có chuyện buồn muốn tâm sự với mẹ, nhưng về nhà, thấy mẹ mệt mỏi sau cả ngày dài làm việc, em lại thôi", Trang tâm sự. 1
6 tuổi, bản thân Trang cũng tự cảm thấy rất nhiều những thay đổi mạnh mẽ về tâm sinh lý đang xảy ra trong cơ thể mình. Ở độ tuổi mà chỉ một vết xước nhỏ trong lòng cũng có thể biến thành nỗi đau lớn lao, lứa tuổi nhạy cảm và rất dễ thấy cô đơn. Trang đã lang thang trên mạng xã hội để mong tìm kiếm một sự giải thoát trong tư tưởng. Từ đây, Trang biết đến Việt, biết đến cộng đồng emo.
Trang chia sẻ: "Em đang thực sự sống một cuộc đời khác, cảm giác được thoải mái thể hiện bản thân, thậm chí la hét giữa nơi công cộng mà không ngại người khác để ý thật tuyệt vời. Đó là điều Emo mang lại".
Tuấn (19 tuổi, sinh viên ĐH SP Kỹ thuật TP.HCM), thì lại có cảm xúc khác. Tự nhận mình là người sống theo emo từ lâu, nhưng với Tuấn, emo đơn giản là được thể hiện chính bản thân, từ suy nghĩ đến hành động với họ như được giải phóng khi đến với emo.
"Những người trong hội này rất trung thực với cảm xúc của mình và tôn thờ thần tượng, vì đa số họ đang mất niềm tin vào cuộc sống xung quanh. Em cũng tìm ra thần tượng như một cách tìm điểm tựa cho cuộc sống: đó là nhạc rock. Lúc ấy, em có thể dễ dàng cười khi thấy mọi người cười, nhưng sau đó có thể bật khóc khi gặp một ánh mắt buồn", Tuấn chia sẻ.
Sự đau đớn vô nghĩa
Chính vì phong cách tự do, trào lưu emo cho phép tự làm đau chính mình để giải phóng cảm xúc nên giới trẻ nhẹ thì cắn đến đỏ bầm cả tay, cào cấu bản thân và những người xung quanh, nặng hơn thì dùng dao lam khắc chữ hay rạch những vết chằng chịt lên tay. Hoặc kinh khủng hơn, có những trường hợp tự đập đầu vào tường, vào cửa kính. \
Cảm giác tuyệt vọng ở độ tuổi dậy thì này có thể đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau, từ những việc "đao to búa lớn" như trượt đại học, cảm giác bị cô lập, bị tẩy chay ở trường, chia tay người yêu cho đến những chuyện "cỏn con" như bố mẹ trách móc, điểm kém.
Hồi tháng 7 năm ngoái, hình ảnh đáng sợ về cặp chân một cô gái chằng chịt những vết rạch, có vết còn đang rướm máu đã trở thành tâm điểm tranh luận của cư dân mạng. Kèm theo đó là hàng loạt bức ảnh chụp các hình rạch tay để khoe với bạn bè. Thậm chí, còn có cả những đoạn clip quay bằng điện thoại những cảnh rạch tay "hành xác" được tung lên mạng và có rất nhiều lượt xem.
Tuy nhiên, ngay một số bạn trẻ emo khi được hỏi đều cực lực lên án hành động này khẳng định chưa bao giờ ủng hộ "mốt" tự làm đau mình. Trên thực tế, rạch tay, xăm mình, thậm chí tự hủy hoại bản thân bằng nhiều cách khác nhau là sự đau đớn vô nghĩa.
Chuyên gia tâm lý lâm sàng Lê Minh Công - Phó trưởng Khoa Tâm lý lâm sàng và trị liệu Bệnh viện Tâm thần Trung ương II nói về lối sống emo: "Thực chất của những người sống theo emo, đơn giản là vì họ muốn bộc lộ bản thân, muốn khẳng định hay là một cách lôi kéo cha mẹ, người lớn quan tâm đến họ.
Mặt trái của emo là việc sống theo cảm xúc sẽ khiến cho các bạn trẻ hành động theo cảm tính, nên rất dễ dẫn đến sai lầm. Đơn cử việc dùng dao lam, vật nhọn rạch lên tay, chân cho chảy máu…trước mắt là hệ quả về thẩm mỹ, không những thế việc chung đụng những dụng cụ rạch sẽ có nguy cơ nhiễm các căn bệnh qua đường máu rất cao. Vì vậy các bậc phụ huynh phải quan tâm và định hướng con em mình để hình thành lối sống lành mạnh".
Theo Gia Đình và Xã hội