Tôi thì ở không gần mà cũng không quá xa với rừng Tràm Trà Sư. Nhưng chỉ đi vào rừng có 1 lần. Nên cũng chưa có thời gian trãi nghiệm nhiều. Lần này, sẵn dịp đang là mùa lũ, cũng là mùa đẹp nhất trong năm của rừng tràm. Thôi cố gắng đi tìm hiểu kha khá đôi chút về quê hương mình.
Nhà tôi cách rừng tràm Trà Sư khoảng 40km. Tôi đi bằng xe gắn máy đến Châu Đốc, tôi không đi đường vào chùa Bà Núi Sam, rồi theo tỉnh lộ đến Tịnh Biên để đến rừng Tràm Trà Sư như mọi người thường đi. Thay vào đó, theo con đường tránh trung tâm TP.Châu Đốc vừa mới thi công đưa vào sử dụng gần đây để đi. Phải nói con đường rất rộng và đẹp.
Đến cầu Tha La, người dân cho hay, cầu không qua được vì đường đã bị ngập rồi! Tôi gặp một thanh niên tốt bụng dẫn đường đến cây cầu qua rừng tràm chưa bị ngập nước. Lên giữa cầu, nhìn những chốt bảo vệ rừng, thì biết là đã đến rừng tràm Trà Sư rồi, nhưng đến bằng... cổng sau.
Xung quanh rừng tràm, nước đã ngập trắng xóa. Rừng tràm nơi đây, độ phèn rất cao, hơn cả Tràm Chim ở Tam Nông. Hệ thực vật rất đa dạng. Khí hậu nơi đây rất mát mẻ và dễ chịu. Một bên là cánh rừng tràm nguyên sinh, một bên là cả cánh đồng rộng lớn tràn đầy nước phù sa.
Nhìn từ rừng tràm Trà Sư. |
Xa xa là ngọn núi Ông Cấm hùng vĩ trên sóng nước. Đường vào khu phục vụ du lịch rất mát mẻ và đẹp. Hai hàng tràm thẳng tấp theo lối đi. Trong đường đê là khu rừng tràm nằm ngập sâu trong nước. Những "dòng sông bèo" đã bắt đầu xuất hiện dưới những gốc tràm có đường kính thật là to lớn.
Quả thật là rừng Trà Sư còn rất nhiều vẻ đẹp của thiên nhiên ban tặng cho mảnh đất đồng bằng sông Cửu Long nói chung và An Giang nói riêng. Một cánh rừng còn hoang sơ giữa đồng bằng.Cuối đường thì đến đài quan sát rừng tràm Trà Sư. Tháp quan sát theo số liệu cao 23,5m, được xây dựng năm 2005 để quan sát toàn khu bộ khu rừng tràm có tổng diện tích là 845ha.
Hiện nay, tỉnh An giang đang phát triển mạnh về các dịch vụ du lịch, trong đó có khu rừng tràm thiên nhiên Trà Sư. Các cơ sở hạ tầng cũng đang được xây dựng để phục vụ khách du lịch các nơi đến tham quan.
Nhìn từ đài quan sát rừng tràm... |
Nhìn về núi Sam. |
Đứng trên Tháp, nhìn những ngọn tràm ngả mình theo từng cơn gió, lòng thấy thanh thản vô cùng. Phải nói lả rừng thì nơi đâu cũng rất đẹp. Bước vào rừng đước hay rừng tràm miễn là rừng nguyên sinh do tạo hóa ban tặng, con người mình như nhỏ bé lại trước vẻ đẹp của thiên nhiên. Tâm hồn như lắng lại, những ưu tư buồn phiền như rơi vào khoảng không, như bay theo những ngọn gió trên các cánh rừng.
Sau khi ngắm cảnh tràm, chim, mây nước một hồi trên đài quan sát, tôi đi xuống cầu thang để đi thuyền vào thăm vương quốc các loài chim nằm sâu trong rừng tràm. Những "dòng sông bèo" bắt đầu dày đặc hơn trên đường đi vào rừng chim. Những loài chim như: cò, sen điên điển, dơi ngựa…. bây giờ đã vào sâu trong rừng tràm để ở và sinh sản.
Đi thuyền vào rừng tràm. |
Trên đường vào rừng chim. |
Sau một lúc tham quan khu rừng bằng thuyền chèo, tôi chợt nghĩ, vào tham quan mà không thưởng thức các món ẩm thực trong rừng là một thiếu sót lớn. Cá lóc đồng nướng trui với củi tràm là một món không thể bỏ qua. Cá nướng ăn rất ngọt ngào và thơm ngon vô cùng.
Chuyến đi này tuy ngắn, nhưng tôi được trãi nghiệm nhiều điều: Đó là phấn khởi, hào hứng đi trên những "dòng sông bèo", cảm nhận thiên nhiên trên khu rừng tràm ở đài quan sát, vui vẻ khi nhìn thấy nhiều đàn chim bay về tổ trong một buổi chiều và thưởng thức được những món ăn rất là giản dị nhưng đậm tình miền quê.
Bầy chim trong rừng tràm. |
"Việt Nam diệu kỳ" là cuộc thi dành cho các độc giả yêu thích du lịch. Độc giả gửi bài dự thi dưới dạng bài cảm nhận chuyến đi, hướng dẫn về các điểm du lịch độc đáo, hoặc đưa ra những sáng kiến để phát triển du lịch Việt. Ngoài dạng bài viết, bạn có thể gửi bộ ảnh hoặc clip. Bên cạnh giải nhất 30 triệu đồng, cuộc thi "Việt Nam diệu kỳ" còn có những giải thưởng hấp dẫn khác như tour du lịch nội địa, kỳ nghỉ ở resort 4 sao.
Xem thông tin về thể lệ cuộc thi TẠI ĐÂY.