Đầu giờ chiều, lượng khách ra vào một trung tâm bảo hành laptop trên phố Trần Đại Nghĩa (quận Hai Bà Trưng), vẫn chưa có dấu hiệu giảm, thậm chí còn đông hơn ca sáng.
Tại phòng chờ, khoảng 4-5 người đang ngồi đợi đến lượt sửa máy sau khi đã rửa tay sát khuẩn bằng cồn và khai báo y tế bằng mã QR.
“Chúng tôi dành một phòng riêng làm khu chờ đợi nhằm giảm tải số người tụ tập trong cùng một không gian”, Dương Huy (30 tuổi), quản lý của trung tâm bảo hành, nói với Zing.
Khách hàng khai báo y tế bằng mã QR trước khi vào cửa hàng. |
Anh cũng nhận thấy sự biến động lớn về số lượng khách hàng đến sử dụng dịch vụ. Sau nhiều tuần học tập, làm việc ở nhà, nhiều người rơi vào tình cảnh khó khăn do thiết bị điện tử bất ngờ gặp sự cố.
Nhu cầu sửa chữa tăng cao
Chia sẻ với Zing, Dương Huy cho biết trung tâm bảo hành bắt đầu làm việc trở lại từ ngày 21/9, song việc huy động nhân sự ít nhiều gặp khó khăn. Bên cạnh những người sinh sống tại Hà Nội, một số nhân viên khác đang ở quê.
Ngoài ra, cửa hàng chỉ duy trì 50% nhân sự theo Chỉ thị 21 của thành phố. Thay vì chia ca sáng - tối như trước giãn cách, cửa hàng phải chuyển sang làm theo giờ hành chính.
Phố Lê Thanh Nghị (quận Hai Bà Trưng) đông đúc khách hàng đi sửa thiết bị điện tử hậu giãn cách. |
Số lượng nhân viên bị hạn chế, cộng thêm nhu cầu sửa chữa của khách hàng tăng cao khiến trung tâm bảo hành laptop nhiều khi rơi vào tình trạng quá tải.
“Có những lúc, chúng tôi không thể nhận thêm khách vì quá đông, phải hẹn họ sang khung giờ khác như chiều tối hoặc ngày hôm sau. Ngoài ra, để đảm bảo giãn cách xã hội trong không gian kín, cửa hàng chỉ trao đổi, tư vấn nhanh cho khách, sau đó nhận máy để sửa chữa và hẹn giờ khách quay lại lấy, không để nhiều người ngồi lại chờ đợi”, quản lý cửa hàng cho biết.
"Phải mong khách thông cảm vì dù đã hết giãn cách, cửa hàng cũng chưa thể hoạt động lại 100% như trước", anh nói thêm.
Phần lớn rắc rối khách hàng gặp phải trong thời gian ở nhà tránh dịch liên quan đến phần mềm, chẳng hạn như hệ điều hành, webcam hay mic, gây ảnh hưởng đến việc học, họp hành trực tuyến.
Các cửa hàng cố gắng vừa thực hiện giãn cách, vừa phục vụ nhu cầu sửa chữa thiết bị của khách hàng. |
Thanh Tân, hỗ trợ kỹ thuật viên của một hệ thống sửa chữa laptop tại Hà Nội, nhận thấy những lỗi tương tự ở đa số các thiết bị được gửi đến sửa chữa hậu giãn cách.
Anh cũng cho biết từ khi mở cửa trở lại vào hôm 22/9, các chi nhánh đều ghi nhận 30-50 lượt khách/ngày, bằng với mức thông thường trước giãn cách xã hội. Trong đó, khoảng 50-60% người đặt chỗ trước để cửa hàng sắp xếp lịch hẹn, tránh tình trạng dồn ứ.
Dung (21 tuổi), sinh viên năm 3 ĐH Dược Hà Nội, tranh thủ buổi trưa đạp xe đem chiếc laptop đi sửa webcam. Trong thời gian dịch bệnh, camera của máy tính bất ngờ bị hỏng khiến cô gặp khó trong quá trình học tập, chẳng hạn những lúc giảng viên điểm danh.
Còn Thanh (28 tuổi), một freelancer làm phụ đề video, cũng thu xếp công việc để đi thay ổ cứng của laptop.
“Trong thời gian giãn cách, máy của tôi chậm, giảm hiệu suất, khiến tôi tốn nhiều thời gian để hoàn thành công việc”, cô chia sẻ với Zing.
Thanh tranh thủ đi thay ổ cứng, cải thiện tốc độ máy. |
Xin nghỉ một ngày để sửa máy
Cuối tháng 7, trong một lần sơ ý trượt tay, Thu Thảo (27 tuổi, quận Cầu Giấy) làm rơi điện thoại từ trên cao xuống đất, bung lớp kính cường lực và hỏng camera trước.
“Ban đầu, mình nghĩ bản thân không hay chụp ảnh selfie ‘sống ảo’ nên camera trước bị hỏng cũng không sao. Đến khi màn hình có vết màu vàng loang ra từ vết nứt, mình mới gọi cho bên mua máy để hỏi”, cô kể.
Theo chỉ dẫn từ bên cửa hàng, Thu Thảo không có lựa chọn nào khác ngoài chờ đến khi giãn cách mới có thể đi sửa điện thoại vì thợ sửa cần kiểm tra trực tiếp.
Sau khi kiểm tra, Thảo mất 800.000 đồng để ép kính lại màn hình. Thông thường, thời gian sửa lỗi này vào khoảng 1-1,5 tiếng. Tuy nhiên, vì cửa hàng vẫn đang thiếu nhân viên, Thảo phải chờ gấp đôi thời gian mới được nhận máy.
Các cửa hàng sửa chữa máy tính, điện thoại gặp khó khi phải giảm nhân sự nhưng nhu cầu của khách tăng cao. |
Phụng Trâm (24 tuổi) cũng nhanh chóng mang đi sửa khi thành phố cho phép. Chiếc smartphone đời cũ bị lỗi phần cứng, tự động tắt nguồn, chậm chờn liên tục, không bắt được Wi-fi khiến việc gọi điện, nhắn tin của Trâm gián đoạn trong hơn một tháng.
Trước đó, cô thử mọi cách có thể đọc được trên mạng như khởi động, xóa bớt ứng dụng nhưng không thành công.
“Cửa hàng hẹn để lại máy 1 ngày check lỗi rồi sẽ báo mình. Tuy nhiên, mình phải đợi 3 hôm mới nhận lại được máy. Hôm nào mình cũng nhắn tin giục nhưng không nhận được phản hồi, đến khi mình sốt ruột và bảo không cần sửa nữa, bên bảo hành mới nhắn lại là đã khắc phục xong lỗi”.
Anh Công Quân, chủ cửa hàng kinh doanh điện thoại trên phố Tân Mai (quận Hoàng Mai), cho biết trong gần 2 tháng quán đóng cửa để phòng dịch, ngày nào cũng có người gọi đến hỏi sửa máy.
“Nếu máy bị ‘bệnh nhẹ’, mình có thể hỗ trợ, hướng dẫn khách hàng tự kiểm tra. Ví dụ, mic bị hỏng, loa kém, mình có thể chỉ họ cài đặt lại phần mềm, ứng dụng. Nếu vẫn không ăn thua, mình tạm kết luận sơ bộ lỗi do phần cứng và đành phải hẹn khách nới giãn cách mang qua vì cần xem xét trực tiếp mới biết chính xác cần sửa chỗ nào”, anh cho biết.
Chiếc laptop bị phồng pin nguy hiểm của Thảo. |
Ngoài điện thoại, máy tính xách tay của Thu Thảo cũng cần đi “chăm sóc” lại. Trong giai đoạn làm việc từ nhà, pin của chiếc laptop bị phồng to, khiến bật cả vỏ máy ra ngoài.
“May mắn, mình còn laptop dự phòng do công ty cấp nên công việc hàng ngày không bị gián đoạn. Tuy vậy, máy cá nhân vẫn có vài điểm tiện lợi như màn hình to, bàn phím gõ dễ hơn”, cô chia sẻ.
“Đây là lần thứ hai mình gặp phải lỗi này. Khi đó, mình sửa hết gần 3 triệu đồng nên cũng xác định lần này phải bỏ ra chừng đó tiền”, Thảo nói thêm.
Trung tâm bảo hành của hãng laptop Thảo dùng không mở cuối tuần, cô đành xin nghỉ 1 buổi, sắp xếp đi sửa cả điện thoại và máy tính.
“Đúng hôm mình đi sửa thì Hà Nội mưa to nhưng vẫn phải đội mưa đi thôi vì không còn hôm nào khác”.