Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hậu giãn cách, sinh viên rải hồ sơ 21 nơi để xin việc làm

Huỳnh Thị Hà Như, sinh viên năm 3 tại ĐH Greenwich, gửi CV khắp nơi từ cuối tháng 9 với hy vọng tìm được một công việc phù hợp trong ngành Marketing.

Nhắc đến quá trình xin việc, Hà Như mô tả ngắn gọn trong 2 từ “mệt mỏi”. Suốt 1-2 tuần đầu hộp thư vẫn bặt vô âm tín, nữ sinh cảm thấy áp lực và lo lắng khi bạn bè đã tìm được nơi “hạ cánh” ưng ý.

Như cho biết phần lớn hồ sơ của cô bị loại là do còn đi học, không thể tập trung 100% vào công việc và nhiều hạn chế khác.

sinh vien,  rai cv,  xin viec lam,  cong viec,  that nghiep,  cong ty,  tphcm anh 1

Hà Như rải CV đến 21 công ty để tìm chỗ thực tập.

“Trong cover letter (thư xin việc) mình đã khẳng định là sau khi thực tập 3 tháng vẫn có thể làm toàn thời gian và đẩy lịch học vào buổi tối nhưng vẫn bị từ chối. Theo mình quan sát, tỷ lệ chọi trong thời điểm này khá cao. Trước đây, nhà tuyển dụng sẽ ưu ái hơn những ai sống ở TP.HCM vì có thể làm tại văn phòng. Nhưng từ khi ‘work from home’, các ứng viên ở nơi khác vẫn có thể hoàn thành công việc từ xa”, Hà Như chia sẻ.

Suốt 2 tuần chờ đợi, tin vui đến với cô gái vào giữa tháng 10 khi nhận được hồi âm và lời mời phỏng vấn từ 5 công ty sau 21 lần rải CV.

Câu chuyện khó xin được chỗ thực tập, việc làm sau giãn cách không phải là nỗi lo của riêng Hà Như. Không ít bạn trẻ cũng rơi vào tình trạng tương tự và đang chật vật tìm giải pháp cho mình.

Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê về tác động của đại dịch đến tình hình lao động, việc làm quý III và 9 tháng đầu năm tại Việt Nam, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng cao chưa từng thấy.

Trong quý III, lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 47,2 triệu người, giảm 2,6 triệu người so với quý trước và giảm 2,7 triệu người so với cùng kỳ năm 2020. Giãn cách xã hội kéo dài đã khiến thị trường lao động giảm nhiệt và ảnh hưởng mạnh tới ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.

Trông chờ từng cuộc gọi

Theo Như, việc cạnh tranh là điều không thể tránh khỏi khi yêu cầu tuyển dụng ngày càng khắt khe hơn. Chẳng hạn, vị trí thực tập sinh marketing mà Như đang ứng tuyển bắt buộc có kinh nghiệm viết nội dung, thiết kế, làm kế hoạch và một số kỹ năng khác ngang ngửa nhân viên chính thức.

Điều đó khiến sinh viên phải nỗ lực trau dồi kiến thức nhiều hơn nữa nếu muốn tìm được một công việc sau khi ra trường, đặc biệt là trong giai đoạn “bình thường mới”.

“Thay vì lo lắng thì mình nên thích nghi và thay đổi để đáp ứng nhu cầu hiện nay. Rất nhiều bạn bè của mình đã có việc làm full-time ngay từ năm 2, năm 3. Theo mình thấy, đặc điểm chung của các bạn được nhận là có sự chuẩn bị rất sớm”, Như nói thêm.

sinh vien,  rai cv,  xin viec lam,  cong viec,  that nghiep,  cong ty,  tphcm anh 2

Quỳnh Giang hy vọng tìm được công việc phù hợp.

Tương tự Hà Như, Quỳnh Giang (22 tuổi), vừa tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ Trung tại Đại học Sư phạm TP.HCM, cũng bắt đầu rải CV khi thấy tình hình dịch bệnh dần hạ nhiệt.

Cô gái cho hay hậu giãn cách, nguồn việc không được đa dạng như trước, quá trình phỏng vấn cũng rườm rà hơn khiến ứng viên dễ nản.

“Mỗi ngày mình đều chờ email hồi âm, cuộc gọi từ các nhà tuyển dụng. Với mình, xin việc không khác gì một cuộc đua, xưa giờ vốn đã khó nay lại càng khó hơn gấp nhiều lần vì dịch Covid-19”.

Sau thời gian “nằm vùng” ở các mạng xã hội, trang web tuyển dụng, hỏi thêm người quen, đồng nghiệp cũ, Giang đã gửi hồ sơ khoảng 4-5 công ty và được hẹn phỏng vấn online 2 lần. Ngoài về kinh nghiệm, hầu hết nơi này đều yêu cầu sử dụng thành thạo tiếng Trung.

“Chờ lâu quá chưa tìm được việc, có lúc mình cũng thấy hơi nản và muốn bỏ cuộc. Nhưng mình sợ cảnh ai cũng vào guồng công việc trở lại còn mình thì rảnh rỗi quá, hơn nữa sinh hoạt phí hàng tháng không thể phụ thuộc gia đình mãi được”, Giang chia sẻ.

Đi làm từ năm nhất

Khi biết nhiều người quen không có việc làm sau khi ra trường, Lý Gia Hân (20 tuổi, sinh viên ngành thiết kế đồ họa, ĐH FPT) cảm thấy lo lắng và quyết tâm tìm việc ngay từ cuối năm 1.

Cô dành nhiều thời gian chỉnh sửa, sắp xếp các sản phẩm thiết kế từng thực hiện để nâng cao cơ hội cạnh tranh nhưng vẫn thấy không tự tin vì có ít kinh nghiệm làm việc.

“Mình khá lo vì các doanh nghiệp thường ưu tiên sinh viên sắp ra trường hoặc người đã đi làm lâu năm. Đặc biệt, nhu cầu tìm việc từ khi dịch bệnh bùng phát tăng mạnh nên tỷ lệ chọi giữa các ứng viên cao hơn trước rất nhiều.

Đã có lúc mình định hoãn kế hoạch đi làm đến thời điểm phù hợp. Tuy nhiên, nỗi sợ thất nghiệp vẫn lớn hơn cả nên mình cứ đánh liều nộp CV”, Gia Hân bộc bạch.

sinh vien,  rai cv,  xin viec lam,  cong viec,  that nghiep,  cong ty,  tphcm anh 3

Gia Hân tìm việc từ năm nhất để có thêm kinh nghiệm.

Để tăng khả năng được nhận, Hân tập trung gửi hồ sơ ứng tuyển cho các cửa hàng thời trang dành cho giới trẻ. 5 ngày sau, nữ sinh được một local brand ở Hà Nội liên hệ và đề nghị thử việc ngay.

Học tập và làm việc trong ngành đòi hỏi sự sáng tạo, deadline dày đặc, Hân gặp khá nhiều khó khăn để đảm bảo hiệu suất cho cả hai bên.

“Đặc thù công việc thiết kế đòi hỏi mình phải ‘thực chiến’ từ sớm để rèn giũa các kỹ năng và mắt thẩm mỹ. Có việc làm từ năm 1 giúp mình vừa có thêm thu nhập, vừa đảm bảo cho tương lai nên mình rất trân trọng cơ hội này”, cô nói thêm.

Trong đợt dịch vừa rồi, công việc của nữ sinh không bị ảnh hưởng nhiều vì đã quen với "work from home". Chia sẻ với Zing, Hân cho biết cô mong muốn gắn bó lâu dài với nơi này sau khi tốt nghiệp.

Tranh thủ thời gian nghỉ dịch ở quê, Trần Thị Hương Nhu (sinh viên năm 2 ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM) nộp CV xin làm cộng tác viên báo chí.

Nhu cho hay cô xin việc từ sớm không phải để kiếm tiền mà muốn tích lũy thêm kinh nghiệm cho bản thân.

sinh vien,  rai cv,  xin viec lam,  cong viec,  that nghiep,  cong ty,  tphcm anh 4

Hương Nhu tìm được công việc ở một cơ quan báo chí.

“Nhiều bạn cùng khóa với mình đã thử sức với nhiều công việc ngay khi còn là sinh viên năm 1. Mình cho rằng có việc càng sớm, càng hạn chế rủi ro thất nghiệp trong tương lai. Hiện, nhờ làm cộng tác viên báo chí, mình tự tin hơn trong giao tiếp, xử lý tin bài cũng khéo léo hơn trước”, Nhu nói thêm.

Trong những ngày đầu tác nghiệp, cô gái 19 tuổi gặp không ít tình huống oái ăm như liên tục bị nhân vật từ chối phỏng vấn, bài đầu tư công sức nhưng không được đăng.

Tuy nhiên, cô vẫn cố gắng duy trì nhịp viết bài vì “không phải ai cũng may mắn có việc làm như ý lúc này”.

Hậu giãn cách, dân văn phòng TP.HCM tự nấu cơm trưa mang đi làm

Trong khi nhiều quán cơm trưa văn phòng bán hàng trăm suất mỗi ngày thì một số nơi khác hoạt động khá dè dặt, hạn chế nhận đơn số lượng lớn do thiếu nguyên liệu, nhân lực.

Phương Thảo - Hồng Anh

Bạn có thể quan tâm