Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhiều khách 'quay xe' tại phố ốc TP.HCM vì quy định không bia rượu

“Thêm một khách nữa bỏ đi vì không được nhậu tại quán. Sáng giờ chắc phải chục lượt như vậy rồi”, anh Quốc Cường, chủ quán ốc Thảo, nói với Zing.

Sau giờ làm việc, anh Hải (35 tuổi) cùng nhóm bạn hẹn nhau ở quán ốc quen trên đường Vĩnh Khánh (quận 4, TP.HCM) vào lúc 17h30. Cả hội dự định có một bữa ăn hoành tráng với nhau sau hơn 4 tháng chưa tụ họp vì dịch bệnh.

Tuy nhiên, khi đến nơi và hay tin các quán ăn ở khu vực này chưa được phép bán bia rượu, anh Hải lập tức gọi điện thông báo cho bạn bè. Sau một hồi bàn bạc, nhóm quyết định chạy xe sang một quán quen khác ở quận 7, nơi được phép kinh doanh đồ uống có cồn theo quy định hiện tại.

“Lâu lắm mọi người mới có dịp gặp nhau nên nếu chỉ uống nước lọc, nước ngọt thì lại mất vui”, anh Hải nói.

Theo ghi nhận của Zing ở con đường được mệnh danh là "thiên đường ốc quận 4", khá nhiều vị khách cũng bỏ về sau khi nghe thông báo không phục vụ đồ uống có cồn từ chủ quán. Điều này khiến tình hình kinh doanh của nhiều quán ốc trở nên ảm đạm trong ngày đầu tiên mở bán tại chỗ.

Nhieu khach quay xe o pho oc quan 4 vi quy dinh khong bia ruou anh 1

Nhiều quán ốc thay đổi menu để phù hợp với tình hình hiện tại.

Thế khó của chủ quán

Mở hàng từ lúc 10h trong ngày đầu tiên TP.HCM cho phép hàng ăn phục vụ tại chỗ (28/10), nhưng đến 19h, quán ốc Thảo mới chỉ đón một lượt khách gồm 5 người. Theo lời chủ tiệm, anh Quốc Cường, trước dịch, vào tầm 18-19h, khách ngồi kín bàn, không còn chỗ trống.

“Chiều giờ nhiều khách chạy vào hỏi mà nghe không được bán bia là lại chạy đi hết trơn. Ăn mấy món này hiếm ai uống nước ngọt, người nào cũng phải một vài chai bia”, anh Cường chia sẻ.

Quán của anh Cường mở cửa buôn bán trở lại từ ngày 1/10 theo hình thức online và bán mang đi. Tuy nhiên, suốt một tháng qua, tình hình kinh doanh không quá khả quan.

“Bán mang về bèo lắm, cả vốn lẫn lời khoảng 2-3 triệu đồng/ngày. Quán không dám nhập nhiều hàng, mỗi loại ốc hải sản chỉ mua vài kg/ngày vì những thứ này không bảo quản lâu được. Nhân viên thì tôi cũng chưa dám gọi lên hết vì sợ không đủ tiền trả lương”, chủ quán tâm sự.

Anh Cường cho biết tiền thuê mặt bằng của quán anh hơn 100 triệu đồng/tháng. Trong dịch, anh được chủ đất giảm 50% vì dịch bệnh khó khăn.

“Nhưng giờ mở bán tại chỗ lại rồi thì đâu có ai giảm tiền cho mình nữa. Nhưng kinh doanh ế ẩm như thế này thì thực sự quá khó cho chúng tôi”.

Anh Phát (34 tuổi), chủ quán ốc cùng tên, phấn khởi trong ngày đầu tiên mở bán tại chỗ.

Từ sáng sớm, anh và các nhân viên đã cùng nhau dọn dẹp, lau chùi bàn ghế, dụng cụ làm bếp để đón những vị khách đầu tiên. Tuy nhiên, đến 17h, quán của anh chỉ có vỏn vẹn một đợt khách.

Theo anh, việc thực khách chưa mặn mà với các hoạt động ăn chơi một phần là do quy định không phục vụ đồ uống có cồn.

“Tôi rất vui khi được mở cửa trở lại sau 5 tháng nhưng cũng hơi buồn vì vẫn còn nhiều hạn chế, khiến việc buôn bán chưa suôn sẻ. Lúc nãy, tôi đã ký cam kết chấp hành quy định của UBND TP.HCM nên không dám liều, nếu không sẽ bị phạt từ 15-20 triệu đồng”, anh Phát nói với Zing.

Vì dịch bệnh còn phức tạp cộng với việc nhập nguyên liệu khó khăn, anh Phát cắt bớt nhiều món trong menu và giảm số bàn trong quán xuống còn phân nửa thay vì 60-70 bàn như trước đây. Ngoài ra, giá cả và số lượng nhân viên cũng được điều chỉnh để phù hợp với tình hình hiện tại.

Nhieu khach quay xe o pho oc quan 4 vi quy dinh khong bia ruou anh 7

Anh Phát phải cắt giảm nhiều món trên thực đơn và số bàn trong quán.

“Bây giờ tôi chỉ tập trung vào các món ốc, bỏ phần lớn loại lẩu vì sợ bán ế. Trước mắt, tôi định tạm thời như vậy. Mấy ngày tới, xem việc buôn bán thế nào, tôi mới điều chỉnh sau”, ông chủ 34 tuổi nói thêm.

Hầu hết người ghé qua đều nhanh chóng bỏ đi khi được nhân viên thông báo không bán rượu, bia. Giống như nhiều nơi khác, quán anh Phát cũng mở dịch vụ bán mang đi từ đầu tháng 10 nhưng chỉ đông đúc được những ngày đầu. Lượng đặt hàng giảm dần vào những ngày sau khiến ông chủ 34 tuổi khá nản lòng.

Háo hức

Tan sở, anh Vinh (33 tuổi) và anh Đức (28 tuổi) đánh xe sang quán ốc “ruột” đầu đường Vĩnh Khánh. Hơn 4 tháng rồi cả hai mới lại được thưởng thức hàng loạt món khoái khẩu như mì xào ốc giác, ốc móng tay xào rau muống, ốc hương nướng…

“Trước dịch hầu như tháng nào mình cũng ghé ăn ở đây vài lần. Giờ được ngồi ăn lại tại quán cảm thấy rất vui và có không khí, dù chưa đông đúc được như xưa”, anh Đức nói.

Cả hai đều nói rằng họ không quá e ngại khi ngồi ăn tại chỗ trong giai đoạn này.

Nhieu khach quay xe o pho oc quan 4 vi quy dinh khong bia ruou anh 8

Anh Đức (trái) và anh Vinh vui mừng khi được thưởng thức món ốc ngay tại quán sau nhiều tháng giãn cách.

“Thực ra bây giờ, ai cũng phải trở lại với công việc, cuộc sống bình thường, đâu đó vẫn sẽ còn nguy cơ lây nhiễm nhưng phải chấp nhận sống chung, thích nghi thôi, không thể đóng cửa nằm im mãi. Mình nghĩ ăn uống tại chỗ cũng như đi làm ở cơ quan hàng ngày vậy, quan trọng là mỗi người phải có ý thức, cẩn trọng một chút để bảo vệ chính mình và mọi người xung quanh”, anh Vinh cho hay.

Đối với quy định cấm thức uống có cồn, cả hai đều không quá bận tâm. “Mình cũng biết trước quy định này rồi nên tới đây là đã xác định chỉ ăn cho đỡ thèm thôi chứ không nhậu nhẹt gì”.

Tương tự 2 vị khách trên, anh Giang (30 tuổi) từng nhiều lần ghé đường ốc Vĩnh Khánh trước dịch. Tuy nhiên, từ ngày giãn cách cho đến khi hàng quán được phép bán mang đi, anh chưa thử lại món ăn ở đây.

Nhieu khach quay xe o pho oc quan 4 vi quy dinh khong bia ruou anh 9

Anh Giang (trái) thích ăn hải sản tại quán hơn mang về nhà.

“Mình mê món này lắm nhưng bữa giờ không đặt mua ăn vì biết mấy món ốc, hải sản này phải ăn ở quán mới nóng, mới ngon được”.

Mấy ngày nay, cứ chiều chiều tan làm, anh Giang và bạn lại tạt qua con đường này xem các hàng quán đã nhận khách chưa nhưng lần nào cũng phải thất vọng ra về. “Hôm qua nghe tin quán ăn được phục vụ tại chỗ, mình mừng quá. Bữa nay rủ bạn chạy qua ăn liền”.

Được mở bán tại chỗ, quán cà phê ở TP.HCM gấp rút dọn dẹp

Trước thông tin TP.HCM cho phép hàng quán được phục vụ tại chỗ từ ngày 28/10, nhiều tiệm cà phê hối hả dọn dẹp, chuẩn bị đón khách trong khi một số nơi khác vẫn chờ thêm vài hôm.

Huệ Lâm - Phương Thảo

Bạn có thể quan tâm