Tết Nguyên đán 2024, nhiều du học sinh tranh thủ về Việt Nam đón Tết. Ảnh: Pexels. |
Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán là dịp để mọi người tụ tập, gặp gỡ bạn bè sau một thời gian xa nhà học tập, làm việc. Đối với du học sinh, thời gian về Việt Nam ăn Tết cũng là cơ hội duy nhất để “lên kèo” gặp bạn bè, họp lớp sau thời gian dài sống ở nước ngoài.
Minh Anh, Thanh Mai là những trường hợp như vậy. Dù chỉ về nhà chưa đầy một tuần, hai nữ sinh đã kịp đi chơi với bạn và thưởng thức những món ăn quen thuộc ở quê nhà.
Cả năm mới có một dịp về Việt Nam
Đối với du học sinh, về nhà đón Tết là điều không hề dễ vì kỳ nghỉ Tết ở Việt Nam có thể trùng với lịch học hoặc làm thêm. Du học sinh học tập ở những nước không đón Tết Nguyên đán lại càng khó về vì không có lịch nghỉ.
Minh Anh (du học sinh tại Nhật Bản) là một ví dụ như vậy. Dù là quốc gia châu Á, Nhật Bản lại không đón Tết Nguyên đán như Việt Nam, Hàn Quốc hay Trung Quốc… Vì thế, những du học sinh như Minh Anh lại thiếu đi một kỳ nghỉ dài và ít có cơ hội về Việt Nam đón Tết.
3 năm đón Tết xa nhà, Tết Nguyên đán 2024 là năm đầu tiên Minh Anh có cơ hội về Việt Nam. Năm 2021, 2022, nữ sinh không thể về vì dịch Covid-19 bùng phát, Nhật Bản đóng cửa đường bay đến tận giữa tháng 6/2022 mới mở lại. Còn năm 2023, Minh Anh cũng không về vì cô nhận được cơ hội thực tập ở một công ty lớn.
Năm 2024, tranh thủ Tết Nguyên đán trùng với cuối tuần, Minh Anh xin nghỉ thêm 2 ngày rồi đặt vé máy bay về Việt Nam. Để được nghỉ thêm 2 ngày, nữ sinh đã phải tăng ca liên tục để làm bù việc.
Thanh Mai tranh thủ tăng ca trước khi về Việt Nam đón Tết. Ảnh: NVCC. |
Tăng ca để kịp về nhà đón Tết cũng là điều mà Thanh Mai (du học sinh tại Hàn Quốc) trải qua trong những ngày giáp Tết. Từ khi qua Hàn Quốc du học vào năm 2019, Mai chỉ mới về Việt Nam đón Tết vào năm 2023.
Năm 2019 kỳ nghỉ ngắn, lại đang trong thời gian học tiếng Hàn nên nữ sinh không thể về. Đến năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát và kéo dài đến tận năm 2022 nên cô đành ở lại Hàn Quốc trong những ngày Tết.
Năm 2024, xác định sẽ về Việt Nam đón Tết cùng gia đình, Thanh Mai đã xin nghỉ phép từ tháng 11/2023 và dùng thêm 4 ngày phép năm. Dù đã dùng phép, Mai vẫn phải tranh thủ tăng ca trong những ngày giáp Tết để đỡ dồn việc. Nữ sinh cho biết trước khi về nhà, cô đã làm việc từ 9h đến 22h.
“Công việc của mình ngày thường cũng khá bận và cũng thường xuyên tăng ca. Đợt này mình xin nghỉ 4 ngày nên tranh thủ ở lại làm cho hết việc để về ăn Tết cho thoải mái”, Thanh Mai chia sẻ.
Về đến Việt Nam là nhận kèo liên tục
27 Tết về đến Hà Nội, Thanh Mai tranh thủ nhận kèo đi chơi với bạn bè trước khi về nhà ở Hải Phòng. Chơi hết 2 ngày ở Hà Nội, Mai lại tiếp tục về Hải Phòng nhận kèo gặp bạn. Nữ sinh nói rằng gần một tuần về nhà ăn Tết, ngày nào cô cũng ra ngoài đi chơi.
Bạn bè của Mai không quá nhiều, nhưng do lâu ngày không gặp, mọi người hẹn nhau liên tục để đi ăn vặt, lê la trà đá rồi lại kéo nhau qua nhà ăn cơm Tết. Đối với những du học sinh như Mai, điều cô nhớ không chỉ có gia đình, bạn bè, cô còn nhớ những món ăn quen thuộc gắn liền với những năm sống ở Việt Nam.
Thanh Mai (trái) tranh thủ đi chơi với bạn liên tục. Ảnh: NVCC. |
“Những ngày về nhà mình ăn được nhiều món lắm rồi, ai rủ ăn gì mình cũng ăn. Ở nhà ăn cơm bố mẹ nấu, ra đường đi chơi mình với bạn bè lại ghé những quán ăn vặt quen thuộc ở Hải Phòng. Cả năm rồi không được ăn nên mình cũng nhớ lắm”, nữ sinh nói.
Minh Anh cũng nhận kèo không kém Thanh Mai, thậm chí còn nhiều hơn. Về nhà từ ngày 30 đến mùng 3 Tết, nữ sinh chỉ ở nhà một ngày duy nhất là hôm 30. Những ngày còn lại, cô đi chơi với bạn đến tối muộn mới về.
Nữ sinh tự nhận mình là người hướng ngoại và có nhiều bạn bè khi còn học THPT. Vì thế, khi mới thông báo về Việt Nam ăn Tết, bạn bè của Minh Anh đã liên tục nhắn tin hẹn đi chơi. Do được nghỉ ngắn ngày, cô phải xếp lịch hẹn với bạn như xếp lịch chạy show, buổi sáng một ca, một chiều hai ca, buổi tối lại thêm một ca đi ăn lẩu.
Bạn nhiều, Minh Anh xếp lịch hẹn không kịp nên một số kèo cô đành xin hoãn và hẹn bạn bè năm sau. Nữ sinh nói rằng chưa bao giờ cô đi chơi nhiều như đợt Tết năm nay.
“Lớp mình có khoảng 5-6 người đi du học. Các năm trước không ai về nhưng năm nay mọi người đồng loạt về hết nên mình không kịp xếp lịch hẹn. Mình cũng khá bất ngờ vì một số bạn học ở Canada, Mỹ cũng về dịp này”, Minh Anh thông tin.
“Bạn bè là du học sinh thi nhau về ăn Tết” cũng là điều mà Phương Uyên (sống ở Hà Nội) nói với Tri thức - Znews. Nữ sinh cho biết khoảng 8-9 người bạn của cô, hiện học ở Mỹ, Canada và Hàn Quốc, đều thông báo năm 2024 sẽ về Việt Nam đón Tết.
Phương Uyên cũng tranh thủ đi chơi với bạn bè là du học sinh trong dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: NVCC. |
Uyên cho biết những người bạn học ở Mỹ và Canada thường rất khó về nhà dịp Tết vì Tết Nguyên đán thường trùng với kỳ học mới hoặc sát đợt thi giữa kỳ. Nhưng năm nay, mọi người đồng loạt báo với Uyên sẽ về Việt Nam vì bạn bè bằng tuổi Uyên thường đã vào năm cuối, ai cũng tranh thủ về Tết một lần để chuẩn bị đi làm hoặc học lên cao học.
Những ngày cận Tết, Uyên đã nhận tin nhắn từ các bạn để hẹn lịch đi chơi. Sau 2 ngày đi chơi Tết cùng gia đình, Uyên bắt đầu quá trình chạy show ăn chơi cùng các bạn. Nữ sinh ước tính mỗi ngày, cô nhận khoảng 3 kèo gồm đi ăn, đi cà phê rồi lại đi xem phim.
“Hồi trước, mình cũng đi du học Canada nên hiểu cảm giác của bạn bè lắm, ai cũng nhớ nhà, nhớ đồ ăn Hà Nội. Vì thế, bạn bè về rủ đi chơi là mình nhận ngay. Đi chơi nhiều cũng hơi quá tải nhưng thấy bạn bè vui, mình cũng vui lây. Tranh thủ mấy ngày Tết thôi, hết Tết, bạn bè mình lại đi học tiếp rồi”, Phương Uyên chia sẻ.
Sách dành cho thời thanh xuân đã qua của bạn
Dành cho những độc giả muốn hoài niệm về một thời thanh xuân đã qua (hoặc chưa từng qua), mục Giáo dục trân trọng giới thiệu Ai đó chạy cùng ta, câu chuyện về tình yêu, về tuổi trẻ "tuột xích", về hành trình trưởng thành, đặt trong bối cảnh xã hội Israel hiện đại; hay Nắp biển, một lời tự sự của người ưa hoài niệm trong những khoảnh khắc cô đơn chỉ biết nhớ về những điều đã cũ; hoặc thân thuộc hơn, 8 bộ manga nổi tiếng về chủ đề thanh xuân.