Thay vì phải làm ẩm và giặt các loại vải truyền thống sau khi lau chùi, giấy ướt dùng một lần dễ dàng sử dụng và tiết kiệm thời gian. Bạn có thể làm giẻ lau bếp, nhà vệ sinh, tẩy trang, rửa mặt, rửa tay hay lau bàn phím... Đối với các bậc cha mẹ, giấy ướt còn là giải pháp tiện dụng để vệ sinh cho trẻ.
Tuy nhiên, theo Daily Mail, các nhà nghiên cứu cho rằng con người đang gây ra tổn hại lớn với môi trường vì sự lười biếng của mình. Theo báo cáo của Hiệp hội bảo tồn biển (Anh), giấy ướt là nguyên nhân gây ô nhiễm bờ biển phát triển nhanh nhất hiện nay. Các tình nguyện viên của hiệp hội đang đi thu gom giấy bẩn trên bờ biển với mật độ 35 tờ/km.
Các tình nguyện viên của Hiệp hội bảo tồn bờ biển Anh thu gom được 35 tờ giấy ướt trên mỗi km. Ảnh: Dailymail. |
Theo các nhà phân tích thị trường Euromonitor, ở Anh, trung bình mọi người sử dụng từ 1.500-2.250 tờ giấy ướt cho mỗi em bé, kể từ lúc chúng sinh ra cho đến ba tuổi. Bên cạnh đó, họ còn dành 500 triệu bảng Anh mỗi năm cho các loại khăn sử dụng một lần để lau các vật dụng. Con số này được dự báo mỗi năm tăng thêm 10 triệu bảng.
Bên cạnh đó, giấy ướt còn làm tắc nghẽn hệ thống cống rãnh, gây ra ngập lụt chất thải độc hại và làm bùng phát các phản ứng dị ứng nghiêm trọng. Hầu hết người sử dụng vô tình vứt chúng vào bồn cầu, để lại nhiều hậu quả.
Giấy ướt không phải dạng khăn đơn giản, mà được cấu tạo từ hỗn hợp nhựa, bột gỗ và coton. Vật liệu này khó phân hủy và có thể trôi nổi trong hệ thống cống rãnh, các vùng biển trong suốt nhiều năm.
Chất cồn kháng khuẩn trong giấy ướt sẽ giết chết các vi khuẩn và enzyme có tác dụng làm phân hủy các chất thải rắn ở các hố rác và thùng chứa tự hoại. Các sợi tổng hợp sẽ không dễ phân hủy, còn chất bảo quản làm ô nhiễm cây trồng và tiêu diệt hệ sinh thái của đất.
Các hóa chất trong giấy ướt ảnh hưởng có thể gây dị ứng da, đặc biệt là viêm da và eczema. Ảnh: Dailymail. |
Tuy nhiên, vật dụng này còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người sử dụng. Một số nghiên cứu khoa học cho thấy các hóa chất trong giấy ướt có thể gây dị ứng da, đặc biệt là viêm da và eczema, xảy ra trên da của trẻ em và đôi tay bố mẹ.
Một trong những thủ phạm chính là hóa chất bảo quản, methylisothiazonlinone (gọi tắt là MI). Những người nhạy cảm với MI khi tiếp xúc với giấy ướt, có thể bị phản ứng dị ứng như phát ban lan rộng hoặc bùng phát bệnh chàm.
Hiệp hội da liễu Anh đã dành riêng một hội nghị để thảo luận về MI và thuyết phục các ngành công nghiệp mỹ phẩm châu Âu loại bỏ chất này ra khỏi các sản phẩm.
Tuy nhiên, tháng 7/2014, Ủy ban châu Âu khi ban hành lệnh cấm chất MI trong các sản phẩm bôi da, nhưng lại bỏ qua giấy ướt.