Ngày 4/4, bà Ngô Thị Ngọc Hạnh, Phó trưởng Phòng phụ trách, Phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang, cho biết bà Trịnh Ngọc Thùy Mai - Hiệu trưởng trường Tiểu học Vĩnh Phong 4 (xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Thuận) - đã bị miễn nhiệm chức vụ hiệu trưởng.
Bà Hạnh cho biết Phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Thuận được giao trách nhiệm thực hiện các thủ tục theo quy trình về việc miễn nhiệm chức vụ hiệu trưởng trường Tiểu học Vĩnh Phong 4 của bà Mai.
Bà Trịnh Ngọc Thùy Mai (thứ 2 từ trái sang). Ảnh: Người Lao Động. |
Sau khi miễn nhiệm chức vụ hiệu trưởng, Phòng GD&ĐT sẽ bố trí công tác khác cho bà Mai theo quy định của pháp luật hiện hành.
Được biết, việc miễn nhiệm bà Mai có liên quan vụ việc trong buổi lễ khai giảng năm học 2019-2020, bà Mai yêu cầu MC xướng tên mình vào danh sách những giáo viên được nhận giấy chứng nhận tặng thưởng danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở trong năm học trước. Nữ hiệu trưởng đã mượn giấy khen của giáo viên khác rồi chụp ảnh lưu niệm.
Sau sự việc này, nhiều người đặt ra câu hỏi về "bệnh thành tích", sự háo danh bao giờ mới kết thúc tại một số cơ sở giáo dục hiện nay.
Chuyên gia giáo dục Huỳnh Tiến Minh (Học viện Quản lý Giáo dục) nhận định miễn nhiệm chức vụ hiệu trưởng là cái giá phải trả quá đắt cho sự háo danh của người đứng đầu cơ sở giáo dục.
"Tôi không hiểu vị hiệu trưởng này nghĩ gì mà lại phải “đóng kịch”, nhận một cái giấy công nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở để rồi phải trả giá bằng cả danh dự, công danh, sự nghiệp, uy tín của một nhà giáo phải nhiều năm phấn đấu.
Rồi đây, vị hiệu trưởng này có thể được bố trí một vị trí công tác khác nhưng tôi tin dù ở vị trí nào đi chăng nữa, câu chuyện đáng buồn này sẽ khiến bà phải ân hận về hành động trong quá khứ của mình… Xin đừng gian dối trong môi trường giáo dục nữa”, ông Minh nói.
Chuyên gia giáo dục Huỳnh Tiến Minh phân tích, lâu nay, việc thổi phồng thành tích, háo danh, phô trương đã và đang tiếp tục trở thành “căn bệnh” của không ít cá nhân, tập thể. Điều đáng nói là “bệnh” này đang có chiều hướng lây lan ngày càng rộng và diễn ra ở mọi lĩnh vực kinh tế, giáo dục - đào tạo, văn học - nghệ thuật, thi đua khen thưởng... Điều đáng lo ngại nhất là nó đang diễn ra trong lĩnh vực giáo dục.
Để chống "bệnh thành tích", cũng như sự háo danh, chúng ta cần phải tăng cường công tác giáo dục. Vì chỉ có giáo dục mới giúp chúng ta nhìn sâu sắc về nguồn gốc, bản chất, sự phát sinh, phát triển, biểu hiện và những biến tướng của “bệnh”.
Bên cạnh đó, cần giáo dục thường xuyên để mỗi cán bộ, đảng viên luôn nhớ, tư vấn và suy ngẫm nâng cao lòng tự trọng, thường xuyên tu dưỡng nâng cao ý thức trách nhiệm, phòng ngừa những biểu hiện “bệnh thành tích", háo danh; đồng thời, nỗ lực phấn đấu, cống hiến bằng chân tài, thực đức của mình.
Trước đó, Bộ GD&ĐT đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trong trường học, nhằm điều chỉnh cách ứng xử của các thành viên trong cơ sở giáo dục.
Về quy tắc ứng xử chung, Bộ quy tắc quy định cán bộ quản lý cơ sở giáo dục Không gian lận, dối trá, vu khống, gây hiềm khích, quấy rối, ép buộc, đe dọa, bạo lực với người khác. Không làm tổn hại đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của bản thân, người khác và uy tín của tập thể.
Mặc dù bản thân không đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở, bà Trịnh Ngọc Thùy Mai đã chỉ đạo giáo viên làm nhiệm vụ lễ tân trong buổi lễ khai giảng năm học 2019-2020 mượn giấy khen của giáo viên khác để đại diện lãnh đạo xã Vĩnh Phong trao cho bà Mai ngay trong buổi lễ, trước đông đảo quan khách tham dự cũng như tập thể giáo viên, học sinh và phụ huynh nhà trường rồi chụp ảnh lưu niệm.
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh về vụ việc này, UBND huyện Vĩnh Thuận đã chỉ đạo Phòng GD&ĐT chủ trì phối hợp Phòng Nội vụ và UBND xã Vĩnh Phong xác minh làm rõ.
Kết quả xác minh trong năm học vừa qua, trường Tiểu học Vĩnh Phong 4 chỉ có 4 giáo viên được UBND huyện Vĩnh Thuận công nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở do có thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học và bà Mai không đạt danh hiệu này.