Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hiệu trưởng Sư phạm: 'Không đề cao nghề dạy học hơn nghề khác'

"Tôn vinh nghề dạy học không có nghĩa là đề cao nghề nghiệp của chúng ta hơn nghề khác", hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội nói.

PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội, tại lễ kỷ niệm sáng 20/11. Ảnh: Ngọc Bích.

Đó là chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội, tại Lễ mít tinh kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, diễn ra tại Hà Nội.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Sơn gửi lời chúc mừng và cảm ơn các thầy cô - những người không quản ngại khó khăn, vất vả, cống hiến hết mình vì sự nghiệp trồng người, sự nghiệp xây dựng và phát triển thế hệ tương lai của đất nước.

Trong tâm trạng xúc động, tự hào, hiệu trưởng trường Sư phạm cũng thay mặt thế hệ học trò, gửi lời tri ân đến các thầy cô thế hệ đi trước.

"Xin bày tỏ lòng biết ơn đến những nhà giáo đã dạy dỗ, dìu dắt chúng em từng con chữ, uốn nắn từng nét bút từ những ngày đầu đi học, những thầy cô ươm mầm trí tuệ, để chúng em làm nghề và trở thành nhà giáo sau này", ông Sơn xúc động.

Theo ông Sơn, 20/11 là dịp để các nhà giáo nói về nghề của mình. Có câu danh ngôn “Dưới ánh mặt trời không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học”. Hiệu trưởng trường Sư phạm cho rằng tôn vinh nghề dạy học không có nghĩa là đề cao nghề nghiệp của chúng ta hơn nghề khác.

"Tôn vinh nghề dạy học để thấy trách nhiệm của chúng ta lớn lao, công việc của chúng ta có ý nghĩa. Tôn vinh là để chúng ta có thêm sức lực, niềm tin, tính bền bỉ, kiên định với công việc, vượt qua gian truân, thách thức trong cuộc sống để gắn bó và yêu nghề. Xã hội cũng kỳ vọng chúng ta xứng đáng với điều đó", vị hiệu trưởng nhấn mạnh.

Gửi lời tới các sinh viên, ông Sơn nói trên con đường dạy học, thầy cũng cần có trò. Các em là một nửa không thể thiếu của người làm thầy. Chính các em góp phần hun đúc sự nhiệt huyết, tiếp thêm sức lực, lòng thương người, yêu nghề cho người thầy.

"Với lòng thương người, dù sau các em làm gì chăng nữa, hãy thêm gia vị đó vào công việc của mình. Đó có lẽ là bản sắc của trường Đại học Sư phạm Hà Nội", ông Sơn nhắn nhủ.

Em Nguyễn Tống Hiểu Thương, sinh viên khoa Sinh học, bày tỏ may mắn khi được là một phần của Đại học Sư phạm Hà Nội.

"Thầy cô là tấm gương sáng về đạo đức nhà giáo, dạy chúng em như thế nào gọi là yêu nghề, giá trị thực sự của nghề. Chúng em hiểu rằng giá trị của nghề giáo là truyền cảm hứng, khơi dậy tinh thần ham học hỏi, dẫn dắt các thế hệ học trò đến với những giá trị nhân văn, trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình", Hiểu Thương chia sẻ.

Su pham 20/11 anh 1

Ban lãnh đạo Đại học Sư phạm Hà Nội trao kỷ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục cho các giảng viên nhà trường. Ảnh: Ngọc Bích.

Cũng tại buổi lễ, Đại học Sư phạm Hà Nội vinh danh các nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú; trao kỷ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục và các giải thưởng giảng viên tiêu biểu, cán bộ hành chính tiêu biểu...

Sách về nghề giáo

Nếu độc giả có hứng thú với nghề giáo - một nghề nghiệp đặc biệt và đang trải qua những biến động lớn, mục Giáo dục giới thiệu một số lựa chọn:

Xin được nói thẳng (GS Hoàng Tụy) và Ước vọng cho học đường (GS Huỳnh Như Phương): Cuốn sách của hai nhà giáo tiên phong tại Việt Nam với nhiều suy nghĩ và những trăn trở của hai ông về tương lai nền giáo dục nước nhà.

Nghề giáo qua các tác phẩm thiếu nhi nổi tiếng: Tình thầy trò trong các tác phẩm văn chương nổi tiếng khiến độc giả cảm động bởi các nhân vật đã làm được những việc lớn lao, vượt xa chức trách của một giáo viên.

Những cô giáo 17 năm gắn bó với học trò 'la hét, đánh cắn'

Xuất phát từ tình thương, cô Lê Thị Hòa mở lớp, cùng một số giáo viên tại huyện Chương Mỹ (Hà Nội) dạy học miễn phí cho trẻ khuyết tật.

Ngọc Bích

Bạn có thể quan tâm