Câu chuyện xoay quanh câu hỏi "chuyện gì thật sự đã xảy ra?" khi TikToker V.M.L. nói mình bị một chủ quán phở ở Hà Nội kỳ thị đối xử. Theo lời kể ban đầu của V.M.L, ngày 12/1, anh cùng bạn gái đến một quán phở ở Hà Nội. Khi bạn gái nhờ nhân viên bê anh L. lên bậc tam cấp, thì bị từ chối với câu trả lời “quán em không có nhân viên để khiêng người như anh”.
Đến quán phở thứ hai, L. cho hay đây là quán quen, hai người vào ăn bình thường. Chỗ ngồi nhỏ nên L. hơi chen vào chỗ bà chủ quán. “Bà đứng phắt dậy, mắng nhân viên 'ai nhận cái ngữ này vào đây ăn?', nhân viên bảo 'anh ấy hay ăn ở đây, bình thường vẫn ngồi thế này'. Bà càng được đà 'không bán được, đã thế thì tôi đứng'…", L. viết.
Tuy nhiên, chủ quán phở thứ hai được nhắc đến trong câu chuyện của L. mới đây lên tiếng khẳng định không có chuyện dùng lời lẽ quát mắng, đuổi khách ngồi xe lăn. Mạng xã hội hiện lan truyền clip được cho trích xuất từ camera của quán phở này.
Cùng một sự việc, nhưng mỗi người kể một khác, thậm chí có nhiều chi tiết mâu thuẫn với nhau và dư luận cũng liên tục đảo chiều khi có một tình tiết mới được hé lộ. Điều này không hiếm gặp trong các vụ việc, vụ án gây tranh cãi và một lần nữa lặp lại trong sự việc giữa L. và quán phở. Do đó, các cuộc tranh luận trực tuyến bắt đầu xuất hiện khái niệm "Rashomon Effect" (Hiệu ứng Rashomon) để lý giải cho trường hợp lần này.
Đâu mới là sự thật?
"Hiệu ứng Rashomon" được đặt tên từ bộ phim nổi tiếng Rashomon của đạo diễn Nhật Bản Akira Kurosawa. Trong bộ phim phát hành năm 1950, một vụ án mạng được thuật lại bởi nhiều nhân chứng, và mỗi người kể câu chuyện theo cách riêng. Do đó, người xem phải đối mặt với sự không chắc chắn và mâu thuẫn giữa các phiên bản khác nhau về sự kiện.
Hiệu ứng Rashomon sau đó đã trở thành thuật ngữ phổ biến trong tâm lý học, nghiên cứu pháp lý, xã hội học. Đặc điểm chính của hiệu ứng này là mỗi người tham gia hoặc chứng kiến cùng một sự kiện có góc nhìn khác nhau và thậm chí hoàn toàn đối lập về những gì đã xảy ra. Mỗi phiên bản đều có thể tạo nên một câu chuyện hoàn chỉnh và logic từ góc nhìn của người kể.
Hiệu ứng Rashomon cũng xuất hiện trong cuộc điều tra tội ác. Mỗi nhân chứng hoặc nghi can có thể cung cấp một câu chuyện khác nhau về những gì đã xảy ra, từ đó làm cho quá trình tìm hiểu sự thật trở nên phức tạp.
Hiệu ứng Rashomon được ứng dụng trong điện ảnh. Ảnh minh họa: Unsplash. |
Giải thích Hiệu ứng Rashomon, nhà khoa học thần kinh Antonio Damasio nói rằng con người chỉ có thể quan sát, chú ý một phần nhỏ của các sự kiện, hiện tượng đang xảy ra với chúng ta hoặc xung quanh chúng ta. Trong những thứ quan sát được, trí nhớ con người cũng chỉ lưu giữ được một phần. Khi hồi ức và kể lại các sự kiện đã diễn ra, chúng ta lắp ghép những phần nhỏ này lại với nhau, cố kết nối và sắp xếp chúng thành câu chuyện hoàn chỉnh.
Chính quá trình này khiến cho sự thật mà chúng ta thấy, ghi nhớ rồi kể lại khác với sự thật ban đầu.
Hiệu ứng Rashomon thể hiện sự đa dạng và tính tương đối của sự thật. Không có một "sự thật tuyệt đối", mà chỉ có những góc nhìn tương đối của người tham gia hoặc chứng kiến. Đó là một cuộc chiến của nhận thức vì “tất cả chúng ta chỉ thấy những gì mình muốn thấy”.
Sự thật hoàn toàn là hồi ức chủ quan về một sự kiện được tô điểm bởi nhận thức của một người về thế giới dựa trên kinh nghiệm trong quá khứ, nền tảng văn hóa, mô hình học tập.
Ta có đang bị “che mờ” tâm trí?
“Ở Hà Nội mấy chục năm tôi biết”, “Tôi đi công tác vào Nam ra Bắc và có trải nghiệm tốt với hàng quán Hà Nội”, “Tôi từng tiếp xúc với người Hà Nội và họ đều dễ thương”... là những lập luận phổ biến để phản bác câu chuyện của TikToker V.M.L.
Thế nhưng, ít ai biết rằng đây là cách Hiệu ứng Rashomon “che mờ” óc phân tích vấn đề của chúng ta. Cụ thể, tất cả ý kiến chứa đại ý như trên đều xuất phát từ thiên kiến vị kỷ - đề cao quan điểm cá nhân và không liên quan đến sự thật về việc sự kỳ thị đối với TikToker đi xe lăn có diễn ra hay không - dù sự thật có thể là "không", cùng kết luận với những ý kiến trên.
Thuật ngữ "thiên kiến vị kỷ" lần đầu tiên được đặt ra vào năm 1980 bởi nhà tâm lý học Anthony Greenwald, người đã mô tả nó như một hiện tượng sai lệch nhận thức. "Mọi người có xu hướng xem xét các sự kiện bằng cách tập trung vào bản thân họ hơn là thực tế. Nói cách khác, nhiều người trải nghiệm cuộc sống thông qua một bộ lọc tự cho mình là trung tâm", Anthony Greenwald nói.
Như vậy, thiên kiến vị kỷ là một dạng thành kiến nhận thức phổ biến khiến chúng ta phụ thuộc quá nhiều vào quan điểm của mình. Nó khiến ta khó chấp nhận dung nạp thêm quan điểm của người khác, từ đó "che mờ" óc phán đoán khi đưa ra quyết định.
Thiên kiến vị kỷ có thể được hình thành dựa trên trải nghiệm cá nhân và nhu cầu thỏa mãn cái tôi. Yếu tố thứ hai vốn dĩ luôn thường trực trong mỗi người, giờ đây lại được củng cố độ tin cậy bằng trải nghiệm “mắt thấy tai nghe” để tạo nên “thành trì” vững chắc cho thiên kiến vị kỷ.
Đến nỗi, nhiều người khẳng định những điều mình cảm nhận/chứng kiến/tiếp xúc là “sự thật”, mà vô tình quên rằng điều đó chỉ thuộc về cá nhân - không có tác dụng áp đặt lên trường hợp của người khác, càng không thể nêu đầy đủ bản chất của hiện tượng/vấn đề.
Chưa kể, những người khác cũng dễ tin vào trải nghiệm của một người (bởi cho rằng người này từng trải) mà không nghĩ đến trường hợp một điều có thể đúng với người A, sai với người B và ngược lại.
Ngoài thiên kiến vị kỷ, Hiệu ứng Rashomon có thể nảy sinh từ áp lực xã hội. Đối với cá nhân, áp lực đó đến từ việc mỗi chúng ta phải nhanh chóng kết luận vụ việc theo cách riêng, tức tìm cho mình câu trả lời thỏa đáng để sự việc được “ngủ yên” thay vì “dằn vặt” khôn nguôi với những câu hỏi tại sao.
Áp lực này khiến chúng ta khó suy xét sự việc một cách thấu đáo, đa chiều. Chúng ta thường đi theo lối mòn tư duy rằng kết quả một sự việc sẽ có hai màu đen - trắng, sai - đúng rõ ràng mà không bận tâm đến những điều uẩn khúc - thứ đan cài chồng chéo làm nên tính chất phức tạp của cuộc sống. Do đó, ai ai cũng nhanh chóng đi đến kết luận bằng cách hình thành “sự thật” cho riêng mình.
Rashomon từ phim ra đời thật
Rashomon không xa lạ đối với lĩnh vực điện ảnh nói riêng và đời sống nói chung. Vào năm ngoái trên trang Studio Binder, nhà làm phim Kyle DeGuzman từng chia sẻ ba yếu tố làm nên Rashomon trong phim ảnh là xung đột, người kể chuyện không đáng tin cậy và kết phim mơ hồ.
Khi gán ba yếu tố này vào vụ việc của L., ta có thể thấy:
Xung đột xảy ra khi chủ quán phở phủ nhận sự việc theo lời kể của L., đồng thời trích xuất camera để tăng độ uy tín. Về phía L. và bạn gái, khi tranh cãi nổ ra, cả hai vẫn khẳng định câu chuyện mình kể là đúng sự thật. Tuy nhiên, đến khi đoạn video được công bố, L. đã ẩn status.
Người kể chuyện không đáng tin cậy được dư luận coi là L., bởi người này không nhắc tên quán phở (chỉ ghi chung chung là “tiệm phở Hà Nội”), có sự đối lập giữa phản ứng vui vẻ trong video trên TikTok và từ ngữ trong bài viết trên Facebook (“cơn mưa lạnh lòng”, “nghẹn ứ ở cổ”, “nước mắt bắt đầu rơi”), sử dụng từ ngữ tiêu cực bị cho là khác xa với văn nói của người Hà Nội ("người như anh", "cái ngữ này”) và đánh đồng tất cả người Hà Nội đều không tử tế.
Những chi tiết này khiến một số người ngay từ đầu khó có thiện cảm với bài đăng của L., nghĩ rằng anh có ý đồ không tốt thay vì nâng cao nhận thức của xã hội về người khuyết tật.
Cuối cùng, mơ hồ là cảm giác L. mang lại cho người đọc bài viết của anh, từ cách diễn đạt đến nội dung câu chuyện đều khiến họ “bán tín bán nghi”. Kèm theo đó, “sự thật” của mỗi cư dân mạng cũng khiến sự việc bị đẩy lên cao trào mà cho tới nay, không ai dám chắc chắn về “sự thật cuối cùng” là gì.
Ngoài những yếu tố trên, vụ việc quán phở "đuổi khách" có thêm sự xuất hiện của chiếc camera được xem là bằng chứng chống lại L. Tuy nhiên, mọi việc vẫn cần nhiều bằng chứng và soi xét hơn.
Nhận diện Hiệu ứng Rashomon là một chuyện nhưng không dễ để chúng ta vượt qua, bởi mọi thứ đều xảy ra trong vô thức xuất phát từ quan điểm cá nhân. Tuy nhiên, một số kỹ thuật ta có thể sử dụng để giảm bớt ảnh hưởng của hiệu ứng này lên cách đánh giá vấn đề là tự ý thức bằng cách thừa nhận mọi người đều có thành kiến ở mức độ nào đó và có xu hướng coi cuộc sống giống như bộ phim mà chúng ta là nhân vật chính. Từ đây, mỗi người sẽ hiểu sâu sắc hành vi của bản thân mình và những người xung quanh.
Kỹ thuật debiasing cũng giúp làm gián đoạn quá trình đưa ra quyết định và phán đoán vô thức, buộc chúng ta chuyển sang chế độ phân tích thấu đáo hơn.
Điều quan trọng là mỗi người cần chậm lại một chút khi đối diện với các sự việc, dành thời gian tìm hiểu chúng ở đa góc độ thay vì đề cao quá mức quan điểm chủ quan. Trước khi có kết luận chính xác và toàn diện, chúng ta cũng không nên buông lời lẽ thiếu văn minh vì tin rằng điều ta nghĩ là "sự thật cuối cùng".
Gen Z quan tâm đến thế giới nội tâm nhiều hơn trước
Nguyễn Đoàn Minh Thư, tác giả của cuốn sách Hành tinh của một kẻ nghĩ nhiều là một người trẻ, một Gen Z sinh năm 2000. Cô tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành Tâm lý tại Đại học East Anglia và hiện làm thực tập sinh tư vấn tâm lý cho Bộ Y tế Anh (National Health Service). Minh Thư cho biết câu chuyện được viết từ chính trải nghiệm của cô và nhấn mạnh mỗi người chỉ có thể cảm thấy hạnh phúc và bình yên khi hiểu chính mình.