Sáng 25/12, Bảo tàng Lịch sử TP.HCM phối hợp cùng một số nhà sưu tầm tư nhân tổ chức trưng bày chuyên đề "Long Vân khánh hội - Hình tượng rồng trong văn hóa Việt Nam" nhằm chào đón Xuân Giáp Thìn 2024. Trong khuôn khổ sự kiện, bảo tàng giới thiệu đến công chúng hơn 100 hiện vật mang hình tượng rồng trong các lĩnh vực đời sống văn hóa Việt từ xưa đến nay. |
TS. Hoàng Anh Tuấn - Giám đốc Bảo tàng (đứng giữa, đeo kính) - cho biết sự kiện ra mắt công chúng vào thời điểm cuối năm với ý nghĩa bảo tàng là nơi hội tụ những điều tốt lành, mong ước một năm Rồng hạnh phúc đến, cùng khát vọng "chuyển mình, vươn lên" của đất nước, dân tộc. Sự kiện thu hút nhiều du khách quan tâm lịch sử, văn hóa Việt. |
Rồng là một biểu tượng văn hóa, sản phẩm tinh thần hình thành trong quá trình con người nhận thức về thế giới tự nhiên - xã hội. Trong cung đình, rồng 5 móng là biểu tượng "hoàn chỉnh nhất", đại diện cho uy quyền của nhà vua, thường được thêu trên các bộ long bào. Rồng 4 móng, 3 móng được phân bổ tùy theo phẩm trật của quan lại. Hình tượng rồng trong cung đình còn xuất hiện trên sách phong, ấn chương, ngọc dụ. |
Sắc phong thần bằng giấy thời vua Triệu Trị là một trong những hiện vật lần đầu tiên được ra mắt công chúng. |
Ở phương Đông, trong lịch sử phát triển dân tộc, hình tượng rồng được gắn với ý nghĩa mới, phù hợp với tính chất thời đại như biểu tượng nguồn gốc dân tộc, sức mạnh siêu nhiên... |
Trong đời sống sinh hoạt, hình tượng rồng được khắc họa trên chén, bát, đĩa, khay, hộp, đồ trang sức,... với các chất liệu phong phú. |
Hình tượng rồng trong đời sống được thể hiện với nhiều cảm xúc tươi vui, dung dị. Hình thức trình bày có sự kết hợp giữa cách điệu xen lẫn tả thực, quy phạm hòa với dân gian. |
Những chiếc bình, ấm đựng thuốc, ấm nước có khắc họa hình tượng rồng thường được làm từ gốm men. |
Hình tượng rồng trong kiến trúc được thể hiện trên các hiện vật bằng đất nung như gạch xây dựng, phù điêu trang trí trên mái cung điện thời Lý, Trần, Lê. |
Trong tín ngưỡng tôn giáo, hình tượng rồng được chạm trổ trên các hiện vật phục vụ cho việc thờ cúng như lư hương, bát nhang, khám thờ, chân đèn... bằng chất liệu gốm, gỗ, đồng, pháp lam. Bảo tàng thông tin các đề tài thường được sử dụng là "Lưỡng long chầu nhật", "Long vân", "Long hàm Thọ" nhằm truyền tải mong ước mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. |
Tượng cá hóa long được làm từ gốm men nhiều màu, xuất hiện vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. |
Chuyên đề diễn ra từ ngày 25/12/2023 đến ngày 31/3/2024 tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM. |
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.