Bộ phim Mắt biếc lấy bối cảnh từ ĐH Sư phạm Huế. Đoàn làm phim đã chọn 200 nữ sinh trong số hơn 2.000 sinh viên. Mỗi nữ sinh được may một bộ áo dài riêng. |
Khi Ngạn và Hà Lan rời làng Đo Đo lên thành phố học, hình ảnh áo dài trong những buổi tan trường xuất hiện nhiều trong phim. Cổng trường là nơi chứng kiến tình yêu của Ngạn với Hà Lan, của Hà Lan dành cho Dũng. |
Nói về ngôi trường nữ sinh, tác giả Nguyễn Nhật Ánh viết trong tạp văn "Sương khói quê nhà": “Trường nữ tôi mô tả trong truyện đúng như những gì tôi còn nhớ về ngôi trường thơ mộng này, đã khiến nhiều độc giả lứa tuổi tôi bây giờ đọc lại vẫn còn bâng khuâng tiếc nhớ. Ngôi trường này bây giờ đã đổi tên thành trường Trần Cao Vân và không còn dành riêng cho nữ sinh như trước đây”. |
Tác giả tiếc nuối khi trường nữ không còn nữa. Trong Mắt biếc, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh viết: “Trường nữ giờ tan học là kỳ quan đối với con trai chúng tôi. Mãi về sau này, tôi vẫn không thể nào quên hình ảnh thơ mộng của những tà áo trắng lững lờ trôi ra khỏi cổng trường như một dòng sông nghi ngút sương mù. Dòng sông ảo ảnh đó đã một thời cuốn theo nó bao nhiêu mắt nhìn ngây ngất, những mối tình vẩn vơ và thầm lặng, đã sản sinh ra bao nhiêu thi sĩ và những kẻ viết tình ca nổi tiếng và vô danh của cuộc đời". |
Trong Mắt biếc, Nguyễn Nhật Ánh viết về Hà Lan và mối tình thời thanh xuân: "Hà Lan đã giẫm lên trái tim tôi bằng đôi guốc đinh nhọn như trong giai thoại về học sinh trường nữ. Nó giẫm lên và không hề ngoái lại. Nó chẳng buồn biết trái tim tôi còn đập nữa hay không". |
Mắt Biếc gợi nhiều hoài niệm về thời học sinh trong trẻo. Đó là mối tình đầu ngây thơ thuở học trò khi Hà Lan mặc áo dài, cũng là sự bắt đầu của đau khổ và nước mắt. |
Nữ sinh Huế với áo dài trắng mộng mơ là hình ảnh gây thương nhớ suốt bộ phim. |