Với nạn nhân của tình trạng mua bán người, bên cạnh việc giải cứu, các hỗ trợ ban đầu, tư vấn tâm lý, khám sức khỏe, trợ giúp pháp lý… đều rất cần thiết để giúp họ tái hòa nhập cộng đồng.
Hầu hết nạn nhân của tình trạng mua bán người đều phải trải qua rất nhiều khó khăn, nguy hiểm mới có thể đoàn tụ cùng gia đình. Nhưng với không ít người, việc trở về chưa hẳn đã thoát khỏi chuỗi ngày tăm tối. Trốn thoát thành công, nhưng rào cản xã hội lại khiến họ phải đối diện với những lời gièm pha, đàm tiếu của làng xóm, có khi từ chính người thân trong gia đình, thay vì được ôm trọn trong vòng tay bao dung.
Nhiều năm trước, Mỳ ở tuổi 16 là một trong những đóa hoa H’Mong rực rỡ nhất bản, được nhiều chàng trai trong yêu mến, theo đuổi.
Em nghe theo gia đình, cho rằng việc đi học không cần thiết với phụ nữ, chỉ cần tìm một người chồng tốt để hoàn thành bổn phận, nên đã thôi học khi vừa hết cấp tiểu học. Vốn văn hóa hạn chế lại đang trong độ tuổi mới lớn nên Mỳ còn khá ngây thơ, nhẹ dạ cả tin. Cùng với đó, sở hữu gương mặt khả ái khiến em trở thành mục tiêu của những kẻ buôn người.
Hai người đàn ông tiếp cận, hẹn em đi chơi rồi lừa bán sang Trung Quốc. Hoảng loạn, sợ hãi cùng giận dữ là cảm xúc của cô gái H’Mong 16 tuổi chưa từng xa gia đình. Tâm trạng tồi tệ hơn khi em biết mình bị bán làm vợ một người đàn ông Trung Quốc lớn tuổi. Em đau khổ, chỉ muốn về với gia đình.
Những thiếu nữ mới lớn như Mỳ không phải nạn nhất duy nhất của nạn mua bán người. Với mong muốn tìm kiếm công việc để thêm thu nhập cho gia đình, chị Dông - một người mẹ H’Mong 2 con, được hàng xóm giới thiệu với một người đàn ông lạ mặt giúp tìm việc. Do chỉ biết duy nhất tiếng H’Mong để kết nối, giao tiếp với mọi người, nên chỉ đến khi dừng chân ở nơi xa lạ, chị mới nhận ra mình đã bị lừa đưa sang Trung Quốc.
Lúc đầu, chị bị bán cho một người phụ nữ Việt để làm việc nhà tại đây. Sau vài tháng, người phụ nữ này bán tiếp Dông cho một người đàn ông Trung Quốc để làm vợ. Trong suốt một năm lưu lạc, nếu không vì tình thương dành cho các con ở Việt Nam, chị đã từ bỏ hy vọng sống và mặc kệ số phận. Nhưng mong muốn gặp con luôn thôi thúc chị tìm cách trở về.
Khác với 2 trường hợp trên, chị Sùng lại bị lừa bán sang Trung Quốc theo cách công khai và liều lĩnh. Cuối năm 2017, sau thời gian làm quen, kết bạn và trao đổi cùng một người lạ qua điện thoại, chị Sùng có cuộc hẹn cùng người này. Vừa uống ngụm nước, chị đã ngất đi, mê man. Tỉnh dậy, chị mới biết mình đã bị đưa sang Trung Quốc.
Nơi xứ người, chị bị bán đi bán lại qua 5 nhà khác nhau, đến nhà nào cũng bị nhốt, cấm ra ngoài và không được sử dụng điện thoại. Thậm chí, một số nhà còn đánh đập và chỉ cho chị ăn một bát cơm mỗi ngày, trong khi phải làm việc hơn 8 tiếng liên tục. Chủ nhà nói đó là chị bị chính gia đình mình bán để lấy tiền trả nợ. Tuyệt vọng, đau khổ vì nghĩ mình bị bỏ rơi, nhưng chị vẫn khao khát trở về quê.
Trường hợp của Mỳ, chị Sùng hay chị Dông chỉ là 3 trong số hàng nghìn câu chuyện diễn ra hàng năm tại Việt Nam, mang theo lời kêu cứu khẩn thiết của những nạn nhân mua bán người. Thực tế, trong những năm gần đây, tình hình tội phạm mua bán người vẫn diễn biến phức tạp với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Theo thống kê của Bộ Công An, giai đoạn 2015-2020 đã ghi nhận 1.673 vụ với 2.345 đối tượng, 3.944 nạn nhân bị mua bán cho nhiều mục đích sử dụng khác nhau như cưỡng bức lao động, hôn nhân cưỡng bức, mua bán nội tạng, mua bán bào thai... Đáng lưu ý, có tới 86% nạn nhân bị bán sang các nước láng giềng của Việt Nam, còn lại là đưa sang các nước khác thông đường hàng không hoặc đường biển.
Về nguyên nhân dẫn khiến tình trạng mua bán người vẫn diễn biến phức tạp, bà Chu Thanh Hòa, Quản lý Chương trình của tổ chức Hagar Việt Nam - nhận định: “Qua các nghiên cứu và thực tiễn rút ra từ hoạt động của dự án Hỗ trợ nạn nhân mua bán người vượt qua đại dịch Covid-19, các thông tin ghi nhận chỉ ra rằng người dân địa phương trở nên dễ bị tổn thương hơn trước nạn mua bán người do ảnh hưởng từ những áp lực kinh tế/nhu cầu tìm kiếm việc làm và các vấn đề liên quan đến bạo lực gia đình và tảo hôn”.
Cũng theo vị đại diện này, sự phân biệt đối xử từ cộng đồng với các nạn nhân mua bán người trở về cũng khiến họ khó tiếp cận tới các dịch vụ hỗ trợ hơn.
Như với Mỳ, khi mới về, dù có giải thích thế nào thì mọi người xung quanh vẫn đồn thổi về việc em đi. Họ bàn tán và xì xào câu chuyện của Mỳ. Tương tự, chị Dông cũng chịu áp lực từ phía gia đình chồng khi trở về. “Gia đình chồng còn chỉ trích tôi và cho rằng mọi chuyện xảy ra là do lỗi của tôi. Họ cũng nghi ngờ và đổ lỗi vì nghĩ tôi chán chồng nên mới đi như thế”, chị Dông cho biết.
Dư luận xã hội khiến các nạn nhân gặp trở ngại khi chia sẻ về những khó khăn và trải nghiệm cá nhân, hoặc từ chối chia sẻ câu chuyện của mình với các đơn vị hỗ trợ tại địa phương. Từ đó, họ không thể tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ sẵn có của địa phương hay chủ động tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người xung quanh trong cộng đồng.
“Ngược lại, dự án cũng ghi nhận rằng sự hiểu biết thấu đáo về những rủi ro và nguy hiểm của mua bán người, mối quan hệ gia đình hòa thuận và sự hỗ trợ của cộng đồng là động lực mạnh mẽ để ngăn cản sự rời đi của người dân”, bà Chu Thanh Hòa nói thêm.
Với nhiều nạn nhân tình trạng mua bán người, con đường tái hòa nhập cộng đồng gặp không ít gian nan. Nguyên nhân lớn nhất đến từ tâm lý, đặc biệt ở những người bị mua bán vì mục đích bóc lột mại dâm hay cưỡng bức hôn nhân. Họ lo sợ và e ngại, nên nhiều trường hợp không khai báo hoặc thiếu hợp tác với các cơ quan có thẩm quyền.
Để tháo gỡ những vướng mắc về tâm lý này, cần sự chung tay hỗ trợ từ cả bộ/ban/ngành, tổ chức và cộng đồng.
Hội LHPN tỉnh Yên Bái đã phối hợp cùng Tổ chức Hagar và các ban ngành tại địa phương để thành lập mô hình nhóm phản ứng nhanh với sự tham gia của cán bộ đại diện các ban ngành có vai trò, chức năng và nhiệm vụ trong hỗ trợ nạn nhân mua bán người trở về.
Cụ thể gồm: Lao động, công an, hội phụ nữ, y tế, giáo dục, Đoàn thanh niên và các đại diện tin cậy tại cộng đồng. Mô hình được xây dựng tại các xã là nhóm triển khai chính cùng sự hỗ trợ và giám sát từ cấp huyện và tỉnh.
Trong khuôn khổ dự án “Hỗ trợ nạn nhân mua bán người trở về vượt qua đại dịch Covid-19”, các hoạt động được thiết kế dựa trên các cân nhắc kỹ lưỡng về sang chấn tâm lý của nạn nhân bị mua bán và được triển khai theo phương pháp tiếp cận hỗ trợ dựa trên hiểu biết về sang chấn, hướng tới hỗ trợ nạn nhân bị mua bán vượt qua tổn thương để được hàn gắn và phục hồi.
Dự án được phối hợp thực hiện bởi Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Yên Bái, trên địa bàn huyện Mù Cang Chải (xã Lao Chải, Nậm Có, La Pán Tẩn) và huyện Trạm Tấu (xã Xà Hồ, Bản Công, Hát Lừu). Đây là những điểm nóng ghi nhận diễn ra tình trạng mua bán người cao hơn so với các địa bàn khác trên cùng khu vực huyện.
“Dự án chú trọng nâng cao nhận thức của các gia đình và chính quyền địa phương về ảnh hưởng của sang chấn với những nạn nhân mua bán người, từ đó cung cấp giải pháp để phòng ngừa tái sang chấn”, bà Chu Thanh Hòa nói thêm.
Trong khuôn khổ dự án, 10 sự kiện truyền thông nâng cao nhận thức đã được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về nạn mua bán người. Thông qua các ấn phẩm truyền thông khác nhau, người dân trên địa bàn dự án được cung cấp các kiến thức về mua bán người: Dấu hiệu nhận biết hay và kênh thông tin hỗ trợ khi cần.
Tương tự như các dự án khác đang triển khai, Hagar cung cấp toàn diện các hỗ trợ về y tế, giáo dục, tâm lý, pháp lý, sinh kế hay nhà tạm lánh để hỗ trợ nạn nhân hồi hương và tái hòa nhập cộng đồng. Qua quá trình xác minh thông tin với chính quyền địa phương, Hagar sẽ dựa trên nhu cầu nạn nhân, đối chiếu với các dịch vụ có thể hỗ trợ để giúp đỡ một cách thiết thực nhất.
Về y tế, các nạn nhân có thể nhận thẻ bảo hiểm y tế một năm, được hỗ trợ khám chữa bệnh ban đầu (hỗ trợ thuốc và vật tư y tế) theo định mức của dự án tại các cơ sở khám chữa bệnh công lập (ưu tiên tại tỉnh Yên Bái).
Về giáo dục, nạn nhân được cung cấp thiết bị/dụng cụ học tập và xe đạp thuận tiện di chuyển.
Về tâm lý, tổ chức mang đến giải pháp tư vấn, hỗ trợ tâm lý theo cá nhân hoặc nhóm, đồng thời kết nối, chuyển tuyến nạn nhân đến các đơn vị khám chữa bệnh có chuyên môn.
Về pháp lý, Hagar kết nối với các đơn vị tại địa phương trong quá trình xác minh, xác định, hỗ trợ nạn nhân mua bán người. Hỗ trợ tư vấn và kinh phí thủ tục làm giấy tờ nhân thân (khai sinh, căn cước công dân…).
Về sinh kế, các nạn nhân được kết nối/tư vấn việc làm trong và liên tỉnh, hoặc được đào tạo nghề. Với các nạn nhân tự chủ kinh doanh, Hagar hỗ trợ kết nối với những đơn vị cung cấp tại địa phương, hỗ trợ tài chính mua trang thiết bị, vật tư để phát triển sản xuất kinh doanh/sinh kế hộ gia đình.
Ngoài ra, tùy theo từng trường hợp cụ thể sẽ có các hỗ trợ khác, nhưng tập trung vào nhu cầu thiết yếu ban đầu và tái hòa nhập cộng đồng (ăn, mặc, tạm trú…).
Tính đến hết tháng 9, dự án đã thực hiện hỗ trợ với 16 nạn nhân mua bán người và người có trải nghiệm bị mua bán được xác định và đề xuất bởi các thành viên của nhóm phản ứng nhanh. Người nhận hỗ trợ được tiếp cận với các dịch vụ trợ giúp tại địa phương và dự án thông qua kết nối của thành viên nhóm phản ứng nhanh. Các dịch vụ hỗ trợ về pháp lý, y tế, sinh kế, sơ cứu tâm lý, giáo dục, nhu cầu thiết yếu được cung cấp theo đúng nhu cầu và đề xuất của nạn nhân mua bán người và người có trải nghiệm bị mua bán.
Những hỗ trợ sát sườn, thiết thực không chỉ là liều thuốc tinh thần giúp các nạn nhân thêm vững tin khi biết mình không bị bỏ lại phía sau, mà còn giúp họ xây dựng nền tảng cơ bản về việc làm và tài chính để nhanh chóng bắt kịp cuộc sống bình thường.
Với Mỳ, sau 4 năm từ bi kịch bị đưa sang Trung Quốc, em đã có gia đình nhỏ của riêng mình. Tuy nhiên, cái nghèo vẫn luôn theo đuổi khi em phải chăm con nhỏ, không có kỹ năng nghề nghiệp, chỉ bập bẹ được chút tiếng Việt. Thông qua Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Mù Cang Chải, Mỳ đủ điều kiện tham gia dự án của Hagar Việt Nam.
Gia đình em được tổ chức hỗ trợ áo ấm, nhờ vậy con trẻ không phải khổ sở chịu đựng cái lạnh khắc nghiệt của mùa đông miền núi. Bên cạnh đó, Mỳ được định hướng nghề nghiệp, lựa chọn phương án sinh kế phù hợp khả năng của bản thân. Gia đình Mỳ được Hagar hỗ trợ vật nuôi là một con bò để phát triển kinh tế nhằm cải thiện cuộc sống.
“Giờ đây, nhờ Hagar giúp đỡ, tôi thấy bản thân mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Tôi hạnh phúc khi biết rằng luôn có những tổ chức như Hagar quan tâm và giúp đỡ những hoàn cảnh như tôi”, Mỳ xúc động nói.
Tương tự Mỳ, chị Dông thông qua Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Mù Cang Chải, được Hagar Việt Nam hỗ trợ nhu yếu phẩm cho mẹ con chị để đảm bảo sức khỏe. Ngoài ra, chị được trao tặng con giống (bò) cùng chuồng trại. Thu nhập từ chăn nuôi bò giúp chị đảm bảo cuộc sống cho bản thân và con nhỏ.
“Tôi rất vui và biết ơn khi có cơ hội nhận hỗ trợ tận tình từ Hagar. Nhờ sự hỗ trợ kịp thời ấy, cuộc sống của 3 mẹ con giờ tốt hơn nhiều. Có quần áo ấm mới, bọn trẻ sung sướng lắm. Cũng nhờ dự án, tôi có cơ hội đi học chữ lại và bây giờ mình có thể hiểu tiếng Kinh hơn để không dễ bị lừa như trước nữa”, chị Dông chia sẻ.
Để mỗi nạn nhân mua bán người như Mỳ hay chị Dông có thể trở về cuộc sống là cả một hành trình chông gai. Giúp họ vượt qua nỗi đau thể xác và tinh thần, tạo động lực viết những chương mới cho tương lai cần đến sự thấu hiểu, sẻ chia và đồng hành từ chính quyền, các tổ chức và chính cộng đồng xung quanh. Bởi nỗi đau nào cũng sẽ được xoa dịu, khi mỗi người được sống trong tình yêu thương.
Hagar Quốc tế, được thành lập vào năm 1994, là một tổ chức phi chính phủ thực hành chuyên sâu về hỗ trợ dựa trên hiểu biết về sang chấn, cung cấp những hỗ trợ dành cho phụ nữ và trẻ em chịu ảnh hưởng do bạo lực, xâm hại và mua bán người.
Hagar đang triển khai các chương trình tại Việt Nam, Afghanistan, Campuchia và Singapore. Trong năm 2021, Hagar Quốc tế đã hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp 664.310 người hưởng lợi và tác động tích cực tới hơn 8,8 triệu người thông qua các chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức.
Năm 2009, Hagar Quốc tế tại Việt Nam (gọi tắt là Hagar Việt Nam) thành lập văn phòng đại diện tại Hà Nội. Bên cạnh việc cung cấp các dịch vụ hỗ trợ toàn diện cho mỗi cá nhân, Hagar đã và đang thực hiện các dự án cộng đồng nhằm nhân rộng mô hình hỗ trợ, nâng cao năng lực cho chính quyền địa phương và tổ chức liên quan, cũng như phòng ngừa nguy cơ sang chấn do bạo lực, xâm hại và mua bán.
Với 13 năm kinh nghiệm trong việc hỗ trợ phụ nữ và trẻ em chịu sang chấn do nạn mua bán người, bạo lực và xâm hại, Hagar Việt Nam là một trong những tổ chức đi đầu trong việc áp dụng cách tiếp cận dựa trên hiểu biết về sang chấn. Nhờ đó, đơn vị tập trung vào thế mạnh của từng cá nhân, thúc đẩy họ phát triển khả năng tự chủ và khơi dậy sức mạnh nội tại của bản thân.
Độc giả liên hệ hotline để nhận hỗ trợ kịp thời: 0943111967.