Sáng 2/3, TAND TP Hà Nội mở phiên xét xử 7 bị cáo là cựu cán bộ Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Thành Đô và Tây Nam Quảng Ninh về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Trong số này, 5 bị cáo thuộc BIDV chi nhánh Thành Đô gồm: Đỗ Quốc Hùng (cựu Giám đốc BIDV Chi nhánh Thành Đô), Lưu Thị Bích Thủy (cựu Phó giám đốc), Phạm Anh Tài (cựu Trưởng phòng tín dụng), Nguyễn Văn Hà (cựu Phó phòng tín dụng), Lại Minh Ngọc (cựu Trưởng phòng thẩm định). Hai bị cáo còn lại thuộc BIDV chi nhánh Tây Nam Quảng Ninh là: Lê Vũ Thanh (cựu Giám đốc BIDV Chi nhánh Tây Nam Quảng Ninh) và Đỗ Xuân Khoan (cựu Phó phòng tín dụng).
Tại phần thủ tục, sau khi hội ý, HĐXX quyết định hoãn phiên tòa theo đề nghị của bị cáo Phạm Anh Tài do vắng mặt luật sư. Phiên tòa dự kiến mở lại vào ngày 14/3.
Các bị cáo trong vụ án. Ảnh: H.H. |
Theo cáo trạng, VKSND Tối cao cáo buộc ông Đỗ Quốc Hùng cùng thuộc cấp đã vi phạm quy định về cho vay khi thẩm định dự án Việt Hòa - Kenmark. Dự án này do Công ty Kenmark (doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài) thực hiện trên khu đất hơn 46 ha tại tỉnh Hải Dương với tổng vốn đầu tư 1.594 tỷ đồng.
Để có tiền thực hiện dự án, ngày 4/2/2008, Công ty Kenmark do ông Hwang Jonathan Chen Yu (quốc tịch Mỹ) ký hợp đồng tín dụng vay hơn 67,6 triệu USD của các chi nhánh thuộc 3 nhà băng gồm Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (HBB) và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).
Đầu tháng 11/2007, khi Kenmark đề nghị vay 69,3 triệu USD, ông Đỗ Quốc Hùng đã mời các chi nhánh SHB Quảng Ninh, Habubank Bắc Ninh, BIDV Quảng Ninh và Đông Anh đồng tài trợ cho vay để Kenmark làm dự án.
Đến đầu tháng 12/2007, tổ thẩm định chung gồm 13 thành viên là đại diện của các chi nhánh nhà băng được thành lập. Trong đó, BIDV Chi nhánh Thành Đô có 5 thành viên, gồm các cựu lãnh đạo chi nhánh, phòng tín dụng và thẩm định. Mỗi chi nhánh còn lại cử 2 thành viên tham gia tổ này.
VKS xác định hồ sơ thẩm định cho vay, hồ sơ pháp lý dự án không đầy đủ, tài liệu đảm bảo yêu cầu đối với dự án cũng không đạt. Đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước cảnh báo Công ty Cheermaster (chủ sở hữu Công ty Kenmark) có chỉ số rủi ro cao, không tồn tại văn phòng hoạt động. Ngoài ra, Công ty Kenmark chưa có kinh nghiệm thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu công nghiệp ở Việt Nam. Doanh nghiệp này cũng không đủ tài liệu, hồ sơ để vay vốn theo quy định của Luật Xây dựng, thiếu năng lực về tài chính.
Tuy nhiên, ngày 11/12/2007, tổ thẩm định dự án Việt Hòa - Kenmark vẫn có báo cáo đánh giá Công ty Kenmark đáp ứng các điều kiện vay vốn theo quy định của pháp luật, đồng thời đề xuất cho đối tác vay tối đa hơn 67,6 triệu USD.
Tháng 1/2008, BIDV các chi nhánh Thành Đô, Tây Nam Quảng Ninh và Đông Anh chấp thuận phê duyệt cho Công ty Kenmark vay tối đa 68 triệu USD. Cùng thời gian này, SHB cũng đồng ý cho doanh nghiệp này vay hơn 18 triệu USD, còn phía HBB cho vay 10 triệu USD.
Đến ngày 4/2/2008, ông Đỗ Quốc Hùng cùng Giám đốc SHB Quảng Ninh Nguyễn Văn Thắng và Giám đốc HBB Bắc Ninh Hoàng Thu Huyền ký hợp đồng tín dụng cho Công ty Kenmark vay hơn 67,6 triệu USD với thời hạn vay 72 tháng.
Sau những thỏa thuận trên, từ ngày 25/2/2008 đến 18/5/2010, các ngân hàng đồng tài trợ đã giải ngân cho phía Kenmark hơn 52,8 triệu USD và gần 58 tỷ đồng.
Ngày 26/6/2010, Công ty Kenmark thông báo tạm dừng hoạt động, còn người đại diện pháp luật xuất cảnh khỏi Việt Nam. Sau đó, các ngân hàng thu giữ toàn bộ tài sản đảm bảo của công ty này, tổ chức bán đấu giá và thu được gần 757 tỷ đồng (tương đương hơn 32 triệu USD).
Đối trừ số tiền cho Công ty Kenmark vay đến ngày khởi tố vụ án, dư nợ không có khả năng thu hồi tại SHB, HBB và BIDV là hơn 15,5 triệu USD (tương đương hơn 360 tỷ đồng).
VKSND Tối cao xác định việc các nhà băng giải ngân là không đúng với yêu cầu về hình thức giải ngân theo chỉ đạo của BIDV, vì đến cuối năm 2008, Công ty Kenmark không đủ điều kiện để được vay vốn, không đảm bảo việc thu hồi vốn vay.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ghi nhận một số cá nhân đại diện cho các ngân hàng SHB và HBB đã nộp một phần số dư nợ của Công ty Kenmark. Do đó, nhà chức trách không xử lý trách nhiệm hình sự 4 cá nhân của các ngân hàng này. Đến nay, số dư nợ không thu hồi được tại BIDV là hơn 181 tỷ đồng.
Để hiểu hơn về Bộ luật hình sự, trách nhiệm hình sự, 55 cặp tội danh dễ nhầm lẫn trong Bộ luật hình sự hay những quy định về xử phạt hành chính, khiếu nại, tố cáo… mời độc giả của Zing truy cập Tủ sách Pháp luật.
Bên cạnh đó, bạn đọc cũng có thể tìm hiểu các quy định về thuế thu nhập cá nhân, quy định về các khoản thưởng không phải chịu thuế hoặc Luật cư trú, Luật hộ tịch và các điều cần biết khác…