Học bổng toàn phần RMIT Việt Nam
Bạn có thể trở thành người tiếp theo nhận được học bổng nếu là người có thành tích học tập nổi bật, có năng lực lãnh đạo, hay đã có những đóng góp tích cực vào các hoạt động cộng đồng và xã hội.
Trong vòng 12 năm qua, RMIT Việt Nam đã trao tặng gần 630 suất học bổng trị giá trên 100 tỷ đồng cho các tài năng trẻ đến từ Việt Nam và khắp nơi trên thế giới - những cá nhân sở hữu những phẩm chất ưu tú và năng lực xuất sắc mà RMIT Việt Nam trân trọng và tự hào.
Năm 2013, RMIT Việt Nam dành nhiều suất học bổng cho tất cả các chương trình hiện có bao gồm Công nghệ Thông tin, Thiết kế, Truyền thông, Kinh doanh Thời trang và tất cả chuyên ngành Kinh doanh và Thương mại.
Học bổng toàn phần bao gồm học phí cho một chương trình Cử nhân và có thể bao gồm cả học phí cho khóa tiếng Anh cho đại học (với điều kiện trình độ IELTS của bạn đạt 5,5 trở lên).
Hạn chót nộp hồ sơ học bổng: 17h ngày 20/5/2013 Truy cập http://www.rmit.edu.vn/vi/hoc-bong để biết chi tiết về học bổng toàn phần 2013. |
Bí quyết săn học bổng
Sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho bộ hồ sơ xin học bổng là một trong những bước quan trọng đưa bạn đến thành công. Dưới đây là một số bí kíp nhỏ mà những sinh viên từng nhận học bổng RMIT chia sẻ.
1. Luôn trung thực và là chính mình
Hãy tự tin thể hiện đúng bản thân mình và đừng tìm cách đánh bóng bản thân quá mức bằng những thành tích không có thật. Hôi đồng thẩm định là những người rất dày dặn kinh nghiệm, họ sẽ phát hiện ra ngay những điểm bất hợp lý hay thiếu chân thật trong giọng văn của bạn. Dù nếu may mắn vượt qua vòng sơ loại hồ sơ, bạn cũng khó có thể qua mắt họ trong vòng phỏng vấn. Bởi vậy, lời khuyên đầu tiên là hãy trung thực và tự tin là chính mình.
2. Cách viết bài luận
Trong 600 từ, bạn cần nêu rõ được mục tiêu định hướng lâu dài của bản thân, vì sao bạn nghĩ bạn sẽ đạt được những điều đó và lý do bạn chọn RMIT. Phần viết của bạn cần súc tích mà vẫn thể hiện được cá tính và hoài bão của mình. Trong tiếng Anh có một lời khuyên rất hữu ích: “Show, don’t tell”, có nghĩa là với mỗi điều bạn nhắc đến, đừng chỉ dừng lại ở nói suông, mà hãy thể hiện bằng những dẫn chứng cụ thể. Ví dụ, đừng chỉ nói “tôi có tố chất lãnh đạo”, mà hãy kể ra bạn đã từng định hướng, dẫn dắt các thành viên vượt qua khó khăn thế nào khi làm nhóm trưởng một dự án.
3. Hợp lý trong cách trình bày và nộp đơn
Hãy sắp xếp các phần của bộ hồ sơ đúng theo thứ tự được liệt kê trên trang web của RMIT Việt Nam để thuận tiện hơn cho người đọc. Sự chuyên nghiệp còn cần thể hiện qua phông chữ, căn lề, tiêu đề, đánh số trang… Hãy chú ý đến từng chi tiết bởi chúng nói lên rất nhiều về con người bạn. Đừng trang hoàng cho bộ hồ sơ của bạn quá mức với giấy viết màu tím hay phong bì gắn ruy băng. Đơn giản và chuyên nghiệp là những điều bạn cần hướng tới. Khi nộp đơn, để chắc chắn, bạn có thể nộp cả bản cứng và bản mềm qua email.
4. Nhờ người đọc kiểm tra lỗi
Sẽ luôn có những lỗi trong bộ hồ sơ như chính tả hay cách dùng từ mà bạn chỉ nhận ra khi có người thứ hai nói cho bạn. Bởi vậy, sau khi tự mình đọc và chỉnh sửa dù kỹ đến đâu, bạn vẫn nên nhờ bạn bè, và nếu được một người bản ngữ đọc lại và cho ý kiến của họ. Như vậy, bạn có thể kịp thời sửa những lỗi không đáng có và hoàn thiện bộ hồ sơ của mình trước khi nộp.
5. Tự tin khi phỏng vấn
Hãy suy nghĩ trước về các câu hỏi quen thuộc, nhưng nên nhớ đừng học thuộc lòng câu trả lời bởi như vậy nghe sẽ rất không tự nhiên và nhàm chán. Đến tham dự phỏng vấn, bạn cần chú ý ăn mặc lịch sự nhưng thoải mái, hít thở sâu, và đừng quá lo lắng. Hội đồng tuyển sinh đã ấn tượng với bộ hồ sơ của bạn, bởi vậy hãy tự tin vào bản thân và nghĩ rằng đây là cơ hội cho họ thấy rõ hơn bạn là một con người tuyệt vời như thế nào nhé!
Tư liệu: RMIT
Theo Infonet