Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Học lớp thưởng thức, tự pha chế rượu

Hoài Thanh (24 tuổi, quận Tân Bình, TP.HCM) dành hơn 10 triệu đồng để học lớp về rượu. Cô muốn tự tin hơn khi gọi đồ tại bar, pha chế một số loại cocktail đơn giản ở nhà.

Mỗi cuối tuần, kết thúc công việc bận rộn tại phòng khám nha khoa, Hoài Thanh lại đến một lớp học về rượu.

Với sự hướng dẫn của thầy giáo, cô tập cách phân biệt các loại rượu thông qua năm sản xuất, xuất xứ, màu sắc, mùi hương hoặc thương hiệu. Cô còn học làm một số món cocktail, sử dụng bộ pha chế, đong đếm tỷ lệ như một bartender thực thụ.

Đối với Hoài Thanh, đây là bộ môn giúp mình tự tin hơn khi đến quán bar, nhà hàng gọi món, đồng thời còn giải tỏa căng thẳng và áp lực công việc.

"Tôi muốn thoải mái học hỏi và có không gian sáng tạo riêng nên chọn khóa một thầy, một trò, kéo dài 10-12 buổi. Tôi cảm thấy bản thân trở nên thu hút, cá tính hơn khi tự chọn được những chai rượu tốt, pha trộn các mùi hương, lắc lên và rót ra ly một cách bài bản", Thanh chia sẻ với Zing.

Tìm niềm vui từ lớp học về rượu

Buổi đầu tiên, Hoài Thanh học về lịch sử của các dòng rượu. Cô có chút bối rối khi phải ghi nhớ tên, tính chất, nồng độ của hàng chục loại khác nhau.

Việc nhầm lẫn các loại rượu còn khiến cô không thể pha chế thành công. Vài lần, cô định làm món cocktail vị thanh mát, nồng độ nhẹ, nhưng lại chọn nhầm loại rượu mạnh, có mùi hương không phù hợp với nước trái cây.

"Không dễ dàng để có được một ly cocktail ngon miệng, đẹp mắt. Những lần đầu pha thử, sản phẩm của tôi ngọt đắng lẫn lộn, màu sắc cũng rất xấu. Tôi phải ghi chú lời dặn của thầy giáo ra sổ. Sau 3-4 buổi, tôi mới có thể phân biệt rượu một cách tương đối ổn và pha được một ly cocktail tạm hài lòng", cô kể lại.

Theo Hoài Thanh, cô thuộc lòng 6 loại rượu nền chính, yếu tố chính quyết định nồng độ mạnh hay nhẹ, mùi vị đậm nhạt khác nhau của mỗi ly cocktail.

Pha ruou anh 1

Hoài Thanh chi hơn 10 triệu đồng để tham gia lớp học pha chế rượu.

"Một buổi học, tôi thử cùng lúc nhiều loại rượu nên bị chóng mặt nhẹ. Tuy vậy, khi càng học, tôi càng thích thú nên cảm thấy vui sướng nhiều hơn".

Là khách quen của một vài quán bar, thời gian rảnh, Hoài Thanh thường ghé đến và xin tự pha chế đồ uống ở quầy.

Cô tự tin pha cho bạn bè mình những món cocktail đơn giản, trang trí thêm vài lát hoa quả cho bắt mắt.

"Sau khi học lớp về rượu, tôi có thể chủ động yêu cầu những vị mình thích trong mỗi lần đi bar, pub. Tôi biết cách diễn tả, gọi tên các loại rượu, giúp bartender dễ dàng hiểu ý", cô nói.

Trong khi đó, Mai Phương (22 tuổi, Hà Nội) chi đến 20 triệu đồng để theo học một lớp về rượu kéo dài 24 buổi, chuyên dành cho dân nghiệp dư, mong muốn tự pha chế và thưởng thức rượu tại nhà.

Ban đầu, cô xem các video hướng dẫn và cảm thấy khá đơn giản. Nhưng khi trực tiếp học, cô mới thấy khó khăn, ngay cả trong việc lắc rượu và đổ ra ly. Khi lắc bình, cô phải tự ước chừng thời gian, nếu quá lâu hay quá nhanh, cocktail sẽ có mùi vị không chuẩn.

"Một quả chanh xanh hay chín cũng đã ảnh hưởng tới vị rượu và chênh lệch thời gian lắc. Ngoài ra, mỗi loại rượu sẽ có từng ly phù hợp, phải đong đếm lượng rượu vừa đủ để khi rót ra không bị tràn và cũng không được quá ít. Mọi thứ đều phải vừa đủ", cô giải thích.

Pha ruou anh 2

Mai Phương chi 20 triệu đồng vì muốn trải nghiệm làm bartender cho bạn bè, gia đình.

Không chỉ chi tiền theo học lớp, Mai Phương còn đầu tư một số loại rượu để tự luyện tập, pha chế tại nhà.

Những buổi tiệc với bạn bè hay gia đình, cô chính là bartender tại gia, phục vụ mọi người món cocktail hoa quả, có vị ngọt nhẹ nhàng.

Người thân rất thích đồ do Mai Phương pha chế, đây càng là động lực để cô theo đuổi lớp học chuyên sâu hơn dù không có ý định trở thành bartender chuyên nghiệp.

"Chúng ta có thể uống rượu theo 5 cách tùy vào sở thích và tửu lượng. Một là Neat - uống trực tiếp không có đá hoặc có thể làm lạnh; hai là On The Rock - cho đá vào ly trước, sau đó đổ rượu vào, thường dùng cho những loại rượu mạnh; ba là Mixed Drinks - pha một số loại rượu có nồng độ cồn cao với nước uống nhằm giảm nhẹ; bốn là Shot - rót ra ly 30-40ml, sau đó uống hết một hơi và cuối cùng là Cocktail - pha chế từ 6 loại rượu mạnh chính".

"Việc biết pha và uống rượu đúng cách khiến tôi cảm thấy bản thân trở nên sang trọng, khác biệt hơn. Buổi tiếp theo, tôi sẽ học tìm hiểu về rượu vang, một trong những loại rượu mà bản thân yêu thích bấy lâu", Phương hào hứng nói thêm.

Bartender bận rộn với các lớp học cá nhân

Trước đây, những chai rượu mạnh hảo hạng hay cocktail chất lượng chỉ được tìm thấy ở các khách sạn, câu lạc bộ cao cấp với số lượng hạn chế.

Khoảng 4-5 năm gần đây, văn hóa thưởng thức rượu tại các quán bar, pub ngày càng phổ biến tại Việt Nam. Chúng ta dễ dàng được phục vụ các loại rượu đa dạng với bartender chuyên nghiệp. Một số bạn trẻ còn sẵn sàng học nghề để thỏa mãn sở thích uống rượu, pha chế cocktail ngay tại nhà.

Anh Duy Khánh (36 tuổi, quận Tây Hồ, Hà Nội), bartender có gần 20 năm kinh nghiệm trong nghề, cho biết trước đây chỉ mở các lớp học cho người muốn theo đuổi nghề pha rượu chuyên nghiệp.

Nhưng một năm trở lại đây, nhu cầu thưởng thức và tìm hiểu rượu của người trẻ ngày càng đông. Ngoài việc uống tại quầy bar, họ còn muốn được tự tay pha theo sở thích của mình.

"Mỗi tháng, bên cạnh lớp cho các bạn học nghề, tôi có khoảng 10-15 bạn đăng ký học kèm riêng với mức học phí từ 25-30 triệu đồng. Họ chủ yếu 20-27 tuổi, học vì sở thích cá nhân hoặc để pha chế cho bạn bè, giao tiếp trong công việc. Khóa học gồm 24 buổi, mỗi buổi học diễn ra khoảng 3 tiếng, học viên sẽ được tìm hiểu về các dòng rượu, cách thưởng thức rượu, kĩ năng pha chế…", anh Khánh cho biết.

Sau 15 năm làm bartender, anh Phan Hoài Phương (32 tuổi, TP.HCM) cũng bắt đầu mở lớp dạy cá nhân từ khoảng 4 tháng qua.

"Mỗi tháng, tôi có khoảng 10 học viên chủ yếu từ 22-30 tuổi đăng ký học thưởng thức và pha rượu, học phí khoảng 12 triệu đồng cho 12 buổi. Thông thường, học viên cá nhân muốn được chủ động thời gian học cũng như được trải nghiệm một cách riêng tư, kín đáo. Họ không theo đuổi pha chế chuyên nghiệp nên tôi phải soạn lại giáo trình mới", anh Phương chia sẻ.

Anh cho biết thêm muốn pha cocktail đẹp mắt, học viên phải nắm bắt rõ được bảng màu. Khi muốn màu hồng, họ nên chọn dòng rượu có màu đỏ, thêm sắc trắng từ nước cốt dừa hoặc sữa tươi.

"Nhiều bạn mới học tưởng việc pha chế dễ dàng, nhưng thực chất rất khó. Ngoài phối màu, bạn còn phải biết hòa hợp các thành phần. Có bạn pha sữa với chanh và nước trái cây khiến đồ uống không ra màu đẹp mắt, khiến món đồ lên men, kết tủa và có mùi chua", anh nói.

Từ ngày nhận dạy kèm cho học viên cá nhân, anh Phương không có nhiều thời gian để nghỉ ngơi. Tuy nhiên, anh cảm thấy hào hứng khi công việc pha chế nói riêng, văn hóa thưởng rượu nói chung được giới trẻ quan tâm một cách nghiêm túc, bài bản.

Vài tiếng livestream trên TikTok, bán được 2 đơn hàng

Số người xem ít hay nhiều, Thành Đạt (TP.HCM) vẫn phải vừa ăn, vừa livestream. Một số lần, anh phát trực tiếp nhiều tiếng, nhưng chỉ bán được 2 đơn hàng ẩm thực.

Thanh Nga

Bạn có thể quan tâm