Một học sinh chia sẻ suất cơm 38.000 đồng ở trường. Ảnh: B.C. |
Ngày 7/11, tại họp báo về các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM, phóng viên đề cập đến việc học sinh TP.HCM có xu hướng khoe bữa ăn bán trú ở trường nhưng bữa ăn đồng giá 35.000 đồng của các trường có sự chênh lệch đáng kể. Nhiều suất cơm nhận được sự khen ngợi, nhưng cũng có những suất cơm nhận về nhiều bình luận tiêu cực.
Theo đó, phóng viên đặt câu hỏi Sở GD&ĐT TP.HCM có hành động như nào để đảm bảo chất lượng bữa ăn bán trú tại các trường trên địa bàn và tại sao vẫn còn trường hợp một số trường học bị học sinh phản ánh chất lượng suất cơm không đảm bảo.
Sở sẵn sàng tiếp nhận phản ánh
Trả lời vấn đề này, đại diện Sở GD&ĐT cho biết sở đã có văn bản chỉ đạo đến Phòng GD&ĐT quận/huyện, hiệu trưởng quản lý tốt bếp ăn tập thể, căng tin, dịch vụ ăn uống trong trường học.
Sở cũng yêu cầu các trường nghiêm túc bảo đảm các điều kiện bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT và Thông tư liên tịch số 08/2008/TTLT-BYT-BGDĐT của Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT.
Theo đó, các cơ sở giáo dục phải nghiêm túc triển khai thực hiện: tăng cường kiểm tra, quản lý, giám sát tổ chức bữa ăn học đường, an toàn thực phẩm, dinh dưỡng hợp lý và vệ sinh môi trường trong các cơ sở giáo dục; phân chia thời gian mỗi ca ăn của học sinh hợp lý.
Một học sinh ở TP.HCM khoe bữa ăn 35.000 đồng ở trường với 3 món và thêm bánh ngọt tráng miệng. Ảnh: B.L. |
Khu vực nhà ăn phải thông thoáng, sạch sẽ; giám sát quá trình chế biến, tiếp phẩm cũng như giá thành của từng bữa ăn của học sinh hàng ngày. Nhà trường cũng cần thường xuyên giám sát cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp; thực hiện nghiêm việc tự kiểm tra về an toàn thực phẩm đối với các bếp ăn, căng tin trong trường học.
Đối với các cơ sở giáo dục có tổ chức bếp ăn tập thể tại trường, Sở GD&ĐT TP.HCM yêu cầu đội ngũ lãnh đạo, nhân viên phụ trách, những người trực tiếp quản lý, giám sát bữa ăn, chất lượng bếp ăn tập thể, căng tin, dịch vụ ăn uống trong trường học phải hiểu, nắm rõ quy định hiện hành về điều kiện đầu tư kinh doanh thực phẩm, xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, các biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm và xử lý khi bị ngộ độc thực phẩm.
Các trường cũng cần thường xuyên kiểm tra, giám sát, định kỳ, đột xuất bếp ăn tập thể, căng tin, dịch vụ ăn uống trong trường học, đồng thời phối hợp với ban đại diện cha mẹ học sinh, giám sát quá trình chế biến, tiếp phẩm, thực đơn cân bằng dinh dưỡng.
Ngoài ra, đại diện sở thông tin thêm rằng đầu năm học 2024-2025, sở đã có công văn số 5968/SGDĐT-CTTT ngày 19/9/2024 chỉ đạo Phòng GD&ĐT cử nhân sự cùng Sở An toàn thực phẩm tham gia tất cả đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm trong trường học năm học 2024-2025.
Từ đó, đoàn kiểm tra xây dựng kế hoạch kiểm tra tổ chức bữa ăn học đường, an toàn thực phẩm, nước sạch - vệ sinh môi trường trên toàn các cơ sở giáo dục; khuyến khích ban đại diện cha mẹ học sinh cùng giám sát bữa ăn bán trú.
Về việc học sinh chia sẻ bữa ăn đồng giá 35.000 đồng nhưng có sự chênh lệch về chất lượng, sở nói rằng ngành giáo dục cần sự phối hợp từ phía nhà trường, gia đình và cả xã hội.
Ban đại diện cha mẹ học sinh trong lớp, trong trường phát huy vai trò của mình trong việc phối hợp cùng nhà trường chăm lo sức khỏe học sinh; có những tham vấn, góp ý với nhà trường trong tổ chức bữa ăn bán trú; cùng nhà trường giám sát về công tác tổ chức bữa ăn bán trú, chất lượng bữa ăn bán trú trong suốt năm học.
Sở nhấn mạnh rằng sẽ luôn sẵn sàng tiếp nhận những thông tin phản ánh của phụ huynh, học sinh về chất lượng bữa ăn bán trú tại các trường học trên địa bàn thành phố, xem đây là kênh hữu ích để ngành giáo dục nâng cao công tác kiểm tra giám sát, nâng cao hơn nữa chất lượng tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh, chăm sóc sức khỏe học sinh.
Học sinh được dùng điện thoại khi giáo viên cho phép
Bên cạnh vấn đề chất lượng bữa ăn trường học, phóng viên cũng đề cập đến việc nhiều ý kiến xoay quanh câu chuyện có nên cấm học sinh sử dụng điện thoại di động ở trường và sở có nên đưa ra một hướng dẫn để toàn bộ các trường cùng áp dụng việc này hay không?
Thông tin về vấn đề này, đại diện sở nói rằng khoản 4 Điều 37 Chương V Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020 của Bộ GD&ĐT quy định: “Học sinh không được sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép”.
Học sinh được sử dụng điện thoại để tra cứu khi giáo viên cho phép. Ảnh: THPT Nguyễn Du. |
Hơn nữa, học sinh tùy tiện sử dụng điện thoại di động trong giờ học sẽ bị mất tập trung trong việc tiếp thu bài giảng. Nhưng nếu khai thác tính năng tương tác, tìm kiếm dữ liệu một cách tích cực, điện thoại di động sẽ là một công cụ hữu ích phục vụ cho mục đích nghiên cứu học tập của học sinh, góp phần nâng cao hiệu quả dạy học trong bối cảnh chuyển đổi số.
Do đó, để hướng dẫn giáo viên và các nhà trường quản lý, khai thác và sử dụng thiết bị dạy học (trong đó có điện thoại di động) một cách hiệu quả, phù hợp với điều kiện tổ chức dạy học, Bộ GD&ĐT đã có công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH ngày 18/12/2020 hướng dẫn các địa phương, cơ sở giáo dục.
Công văn này nêu rằng không bắt buộc học sinh phải trang bị điện thoại di động để phục vụ học tập. Việc cho phép học sinh sử dụng điện thoại di động trong lớp học để hỗ trợ hoạt động học do giáo viên trực tiếp giảng dạy môn học quyết định; được giáo viên hướng dẫn cụ thể trong các hoạt động đã được thiết kế trong kế hoạch bài dạy sao cho không yêu cầu tất cả học sinh phải có điện thoại để sử dụng và bảo đảm yêu cầu phù hợp với nội dung học tập.
"Giáo viên thông báo cụ thể yêu cầu học sinh chỉ được sử dụng điện thoại như là một thiết bị hỗ trợ hoạt động học và những điều học sinh không được làm khi sử dụng điện thoại trên lớp, trong giờ học", công văn nêu.
Như vậy, học sinh chỉ được sử dụng điện thoại di động trong giờ học khi được sự đồng ý hoặc có yêu cầu của giáo viên và phục vụ mục đích học tập dưới sự quản lý, giám sát của giáo viên, nhà trường và gia đình học sinh.
"Các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP.HCM đều thực hiện đúng các quy định của Bộ GD&ĐT. Việc cho phép hoặc không cho phép học sinh sử dụng điện thoại trên lớp, trong giờ học được một số trường thể hiện rõ trong nội quy, quy định của trường. Tuy nhiên, học sinh khi ra về vẫn được sử dụng điện thoại để liên lạc với cha mẹ và gia đình để thuận tiện đưa đón an toàn", Sở GD&ĐT TP.HCM giải thích.
Sách dành cho thời thanh xuân đã qua của bạn
Dành cho những độc giả muốn hoài niệm về một thời thanh xuân đã qua (hoặc chưa từng qua), mục Giáo dục trân trọng giới thiệu Ai đó chạy cùng ta, câu chuyện về tình yêu, về tuổi trẻ "tuột xích", về hành trình trưởng thành, đặt trong bối cảnh xã hội Israel hiện đại; hay Nắp biển, một lời tự sự của người ưa hoài niệm trong những khoảnh khắc cô đơn chỉ biết nhớ về những điều đã cũ; hoặc thân thuộc hơn, 8 bộ manga nổi tiếng về chủ đề thanh xuân.