Bộ Giáo dục Trung Quốc vừa đưa thông báo về việc thêm Giáo dục thể chất vào hệ thống các môn thi bắt buộc trong kỳ tuyển sinh vào THPT.
Theo People, môn học này sẽ cùng trọng số với Tiếng Trung, Toán, Tiếng Anh (Ngoại ngữ), đã được áp dụng từ lâu. Trước mắt, Bộ Giáo dục Trung Quốc sẽ đặt mức trọng số thấp, sau đó tăng dần đến ngang bằng các môn nói trên.
Wang Dengfeng, đại diện Bộ Giáo dục Trung Quốc, cho hay Giáo dục thể chất từ lâu bị xem nhẹ. Hiện tại, chỉ một trường học ở Vân Nam bắt đầu coi trọng môn Thể dục và xem nó ngang hàng với các bộ môn khác. Tại đây, tất cả môn học đều có thang điểm 100.
Tình trạng học sinh Trung Quốc béo phì ở mức cao khiến Bộ Giáo dục dự định thêm Giáo dục thể chất vào hệ thống môn thi tốt nghiệp vào cấp ba. Ảnh: Sohu. |
Ông Wang chia sẻ một số trường học và khu vực đã bắt đầu quan tâm tới giáo dục thể chất cho trẻ nhưng chưa cao. Các lớp học nghệ thuật, năng khiếu cũng gặp tình trạng tương tự. Vị này khẳng định họ sẽ tạo ra cuộc cách mạng trong giáo dục nhưng chưa tiết lộ kế hoạch cụ thể.
Thể lực của trẻ em tại Trung Quốc là chủ đề được bàn luận nhiều. Đặc biệt, tỷ lệ thanh, thiếu niên béo phì ở nước này tăng cao. Các em có vóc dáng thiếu cân đối, béo phì, thị lực kém do khối lượng bài tập về nhà lớn và dành nhiều thời gian cho chơi game. Đây được cho là lý do dẫn đến quyết định nâng tầm quan trọng của môn Thể dục trong nhà trường.
Trước thực trạng đáng lo ngại đó, nhiều địa phương cũng đã có động thái nhằm cải thiện tình trạng béo phì, thừa cân của trẻ. Thành phố Trường Trị ở Thiểm Tây đã tiến hành đo thể chất hai bước.
Theo Tân Hoa Xã, địa phương này sẽ bắt đầu phân loại học sinh dựa trên thị lực và chỉ số khối cơ thể (BMI) từ năm 2022 để "thúc đẩy học sinh tập thể dục nhiều hơn và cải thiện thể chất".
Môn Thể dục sẽ có trọng số ngang bằng với Tiếng Trung, Toán, Tiếng Anh trong kỳ thi vào cấp ba tại Trung Quốc. Ảnh: Sohu. |
Tuy nhiên, chính sách mới của Bộ Giáo dục Trung Quốc vấp phải một số ý kiến trái chiều. Một bộ phận người dùng Weibo cho rằng quyết định này độc đoán. Họ lo lắng việc thêm bài kiểm tra không những không mang lại hiệu quả, mà khiến trẻ kém đam mê, yêu thích thể thao. Bởi, các em sẽ có thêm gánh nặng khi Thể dục trở thành môn học, thi bắt buộc.
“Mục đích của Giáo dục thể chất là giúp trẻ yêu thích, quan tâm lâu dài tới tác dụng của nó với sức khỏe. Nhà chức trách không nên đặt nó vào một kỳ thi và nâng ngưỡng tiêu chuẩn. Nó sẽ cản trở sự phát triển của trẻ”, một người bình luận.
Lü Jidong, Trưởng khoa Giáo dục thể chất tại Đại học Kinh tế Tài chính Thượng Hải, trả lời phỏng vấn của Sixth Tone: “Ý tưởng xếp loại học sinh về thể lực là cần thiết nhưng sẽ khó thực thi vì thiếu các tiêu chuẩn toàn diện”.
Theo ông Jidong, ngay cả khi phương án trên được triển khai, các bài kiểm tra thể lực sẽ không thể có cùng tiêu chí chấm điểm như những môn học khác.
“Nếu không giải quyết việc đó, thử nghiệm này sẽ trở thành vấn đề lớn”, vị này nói thêm.
Năm 2018, thống kê từ Ủy ban Y tế Trung Quốc cho thấy tỷ lệ cận thị ở trẻ em và thanh thiếu niên nước này là 53,6%, tỷ lệ béo phì ở học sinh vượt ngưỡng 10%.
Trước đó, hồi tháng 5, 108 cố vấn của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC) đề xuất đưa Giáo dục thể chất vào thi đại học nhằm giảm áp lực, giúp cân bằng sức khỏe tinh thần và hạn chế nguy cơ béo phì, cận thị. Tuy nhiên, đề xuất vấp phải nhiều ý kiến trái chiều.
Môn học này hiện được sử dụng trong kỳ thi tuyển sinh vào cấp ba, nhưng trọng số thấp hơn các môn còn lại.