_______
Giảng viên ngành Truyền thông chuyên nghiệp, Đại học RMIT
Sau hàng loạt sự kiện liên quan đến việc phát tán ảnh chụp màn hình, Zing đã trò chuyện với Thạc sĩ Trần Thị Ngọc Thanh, giảng viên của Đại học RMIT về văn hóa chụp và chia sẻ screenshot trên mạng xã hội.
Theo cô Ngọc Thanh, để tránh hiểu lầm hay rắc rối, việc chia sẻ ảnh chụp màn hình có thông tin cá nhân hoặc từ nhóm kín cần được sự đồng ý của những người trong cuộc.
Tùy trường hợp, tùy mục đích
Không chỉ với người trẻ, hiện nay, việc chụp/gửi screenshot rất phổ biến với hầu hết người dùng mạng bởi tính tiện lợi của nó. Mức độ phổ biến lớn đến nỗi chúng ta có thể tìm thấy ảnh screenshot ở bất cứ trường hợp nào: Từ những bức ảnh chụp địa chỉ quán ăn ngon đến lời dặn dò của thầy cô cho bài thi cuối khóa.
Rõ ràng, screenshot là một tính năng hay. Nếu không hay thì những nhà phát triển đã không cải tiến nó trong nhiều năm để trở thành một phần không thể thiếu của các thiết bị điện tử.
Trong công việc và học tập, tính năng này hỗ trợ người dùng lưu trữ, gửi và nhận thông tin nhanh chóng, từ đó đạt hiệu quả cao hơn.
Trong cuộc sống, những bức ảnh chụp màn hình góp phần giảm tình trạng "tam sao thất bản". Lý do là bất cứ ai cũng có thể xem thông tin gốc thay vì phải nghe lại phiên bản khác của người kể.
Screenshot, trong một số trường hợp, còn có thể dùng như chứng cứ có giá trị pháp lý.
Tất nhiên, screenshot có những mặt tiêu cực nhất định. Nhưng, một điều chúng ta nên "công tâm" là sự tiêu cực không đến từ tính năng mà đến từ cách chúng ta sử dụng nó.
Cụ thể, không ít bạn trẻ có thói quen chụp các đoạn tin nhắn riêng tư và gửi người khác để tán chuyện, hay thậm chí dùng để "lên án" ai đó.
Về bản chất, câu chữ không thể truyền tải 100% thông điệp và cảm xúc của người nói. Khi không có ngữ cảnh đúng, người đọc có thể dễ dàng hiểu sai ý ban đầu. Đó là chưa kể đến những bức ảnh chụp màn hình không chứa đầy đủ nội dung hội thoại, bị cắt ghép.
Ngoài ra, việc chúng ta vô tư chụp màn hình những nội dung được bảo vệ bản quyền cũng là hành động sai, ngay cả khi ảnh chỉ phục vụ mục đích cá nhân.
Cần phân biệt loại thông tin và quy định
Các thông tin trên nền tảng trực tuyến có thể được chia thành 2 nhóm: cá nhân và công khai.
Đa phần các thông tin công khai cho phép người xem lưu hoặc chia sẻ thoải mái mà không cần xin phép. Trong khi đó, những thông tin mang tính cá nhân hoặc có bản quyền thường sẽ có ghi chú về giới hạn sử dụng.
Đây là điểm quan trọng mà bạn cần được xem xét trước khi quyết định lan truyền một nội dung nói chung và screenshot nói riêng.
Khi bạn mới tạo tài khoản, hầu hết trang mạng xã hội sẽ có hướng dẫn rất rõ thông tin nào là cá nhân, thông tin nào là công khai. Ví dụ với tài khoản Facebook, việc đăng bài ở chế độ công khai đồng nghĩa bạn cho phép trang và bên thứ ba (các công cụ social listening) sao chép, lưu trữ nội dung đó.
Một số trình duyệt Internet cũng chủ động hạn chế screenshot, như Chế độ ẩn danh của Google Chrome. Để bảo vệ người dùng, một số ứng dụng, thiết bị điện tử còn tắt hẳn chức năng chụp màn hình.
Nếu bạn đang truy cập thông tin từ trình duyệt web/app vừa nêu và cố tình bẻ khóa để screenshot, bạn đang phạm luật.
Các quy định thường xuyên được cập nhật trong suốt quá trình chúng ta sử dụng. Dù vậy, nhiều người gần như không đọc đến.
Tin nhắn ở nhóm kín hay giữa hai người với nhau thuộc về nhóm thông tin mang tính cá nhân. Khi đó, về nguyên tắc, dù chụp màn hình hay phát tán, bạn đều cần thông báo và được sự đồng ý từ những người liên quan.
Screenshot hội thoại tương tự với việc ghi âm lén cuộc nói chuyện ở đời thực. Điều đáng tiếc là hiện nay vẫn chưa có luật cụ thể cho vấn đề này. Văn hóa screenshot thực tế phụ thuộc rất nhiều vào ý thức của người dùng và quy định của mạng xã hội, app.
Tôn trọng chính mình và người khác
Vì việc chụp hay gửi ảnh chụp màn hình vẫn đòi hỏi ý thức chung, người tham gia mạng xã hội nên tự bảo vệ mình và tôn trọng ranh giới của người khác. Cụ thể:
- Kiểm tra và kiểm tra lại tất cả nội dung bạn đăng tải hay gõ vào khung chat.
- Chuyển bài đăng trên trang cá nhân về trạng thái chia sẻ cho bạn bè hoặc riêng tư thay vì công khai.
- Kiểm tra cách thức bảo mật của các nền tảng chat, mạng xã hội khác nhau để đảm bảo tài khoản không bị hack.
- Không chụp hoặc "tiếp tay" chia sẻ screenshot chứa những nội dung có bản quyền/thông tin riêng tư, nhạy cảm.
Hãy nhớ rằng tất cả những gì bạn chia sẻ online đều có khả năng bị ai đó chụp lại, cho dù đó là một dòng trạng thái vu vơ mà bạn đã bấm "xóa" sau 10 giây.
Một lời nói trong lúc nóng giận cũng có thể bị nền tảng mạng xã hội lưu đến nhiều năm sau. Nếu xảy ra tranh chấp, những nội dung đó cũng có giá trị về mặt pháp luật và bạn phải chịu trách nhiệm với những gì mình cung cấp.