Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hy vọng về tình người ở Indonesia giữa tâm dịch bệnh

Trong khi người bán hàng giữ lại nhu yếu phẩm cho những vị khách thu nhập thấp, thì một cô gái liên tục đấu tranh bảo vệ quyền riêng tư của hàng xóm dương tính với virus corona.

Zing.vn trích dịch bài viết trên Asia One phản ánh tình trạng hoang mang bên cạnh những hành động đậm tính nhân văn của người dân Jakarta (Indonesia) trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Trong những lúc hoảng loạn, mọi người có thể dễ dàng quên đi vấn đề của người khác và chỉ tập trung vào bản thân, cố gắng đương đầu với nỗi sợ hãi.

Người dân Jakarta không phải một ngoại lệ.

Khi các ca dương tính với Covid-19 được công bố, nhiều người đổ xô tích trữ các nhu yếu phẩm và trang thiết bị vệ sinh.

Một số người thậm chí đã lợi dụng sự bùng phát của dịch bệnh để sản xuất khẩu trang một cách bất hợp pháp. Họ làm ra những lô khẩu trang chất lượng thấp, cố tình tích trữ hàng trăm hộp khẩu trang chất lượng để tạo ra sự khan hiếm trong thị trường. Nhiều trường hợp đã bị lực lượng chức năng phát hiện, điều tra và xử lý.

mua sam,  tich tru,  tap hoa,  nhan dao,  phong benh,  lay lan,  truyen thong,  thong tin,  duong tinh anh 1

Người dân tranh thủ tích trữ các nhu yếu phẩm và trang thiết bị vệ sinh. Ảnh: Asia One.

Sự tò mò của công chúng về căn bệnh này cũng ảnh hưởng lớn đến quyền riêng tư của bệnh nhân, vì mọi người tranh nhau tìm kiếm, phát tán thông tin dưới mọi hình thức.

Cư dân mạng nước này nhanh chóng thu thập thông tin từ tài khoản mạng xã hội của bệnh nhân, sau đó lan truyền hình ảnh, thông tin cá nhân của họ qua các ứng dụng nhắn tin trực tuyến.

Những người tử tế

Tuy nhiên, một số người có ý thức đã cố gắng lan tỏa những hành động nhân văn ở Greater Jakarta trong bối cảnh toàn xã hội đang hoang mang vì dịch bệnh.

Một trong số đó là Erwin, một chủ tiệm tạp hóa 60 tuổi ở Teluk Gong, Bắc Jakarta.

Phát biểu với The Jakarta Post, Erwin cho biết nhiều khách hàng đã đổ xô vào quán tạp hóa nhỏ của ông, gần như giẫm đạp lên nhau chỉ để mua được tất cả thực phẩm có sẵn từ các kệ hàng với số lượng lớn. Điều đó khiến ông vô cùng bối rối.

mua sam,  tich tru,  tap hoa,  nhan dao,  phong benh,  lay lan,  truyen thong,  thong tin,  duong tinh anh 2

Cửa hàng tạp hóa nhỏ của ông Erwin ở Bắc Jakarta. Ảnh: Asia One.


Thấy khách hàng bê vác vài thùng mì ăn liền, những chai dầu ăn và từng chồng hộp bánh quy vào thứ Hai tuần trước, bà Susanna Indrayani - người vợ 57 tuổi của Erwin – đã yêu cầu họ đặt lại mọi thứ lên kệ. “Mỗi người chỉ được lấy tối đa 5 cái cho mỗi món”, bà nói.

Một số khách hàng vẫn cố nài nỉ để được lấy thêm hàng về tích trữ. Tuy nhiên, Susanna kiên quyết yêu cầu mọi người làm theo quy định của cửa hàng. Trong khi đó, Erwin cố gắng hết sức để trấn tĩnh đám đông.

"Tất cả những gì tôi nghĩ lúc đó là mình cần phải dành thực phẩm cho những người thực sự cần và không bán tất cả mọi thứ cho khách hàng khi họ đang trong cơn hoảng loạn", Erwin, người đã có kinh nghiệm buôn bán trong 30 năm, cho biết.

Ông mô tả tình cảnh lúc đó của phần lớn người dân Jakarta là một "hành động lố bịch" và cho rằng mọi người không nên cho phép sự hoảng loạn phát triển thành lòng tham.

Theo ông, dự trữ hàng hóa sẽ chỉ dẫn đến tình trạng thiếu nguồn cung và tăng giá - điều này đặc biệt không công bằng đối với các gia đình có sức mua thấp, bao gồm cả những khách hàng quen của ông. Họ chủ yếu là những hộ gia đình thu nhập thấp, nhà bán lẻ quy mô nhỏ, nhà cung cấp thực phẩm và căng tin trường học.

mua sam,  tich tru,  tap hoa,  nhan dao,  phong benh,  lay lan,  truyen thong,  thong tin,  duong tinh anh 3

Ông Erwin và vợ, bà Susanna, tại cửa hàng có thâm niên 30 năm của họ. Ảnh: Asia One.


“Bán tất cả mọi thứ cho những khách hàng đang hoảng loạn cũng gây trở ngại cho việc kinh doanh của những cửa hàng khác”, ông nói thêm.

"Vào thời điểm đó, tôi thậm chí không biết là Chủ tịch nước Joko Widodo đã công bố 2 bệnh nhân đầu tiên dương tính với Covid-19. Sau này tôi mới hiểu đó là lý do mọi người đổ xô vào cửa hàng của mình. Nhưng dù có biết thông tin ấy ngay từ đầu, tôi cũng sẽ không tranh thủ kiếm tiền trong hoàn cảnh đó", Erwin nói.

Không lâu sau, cửa hàng của đôi vợ chồng tốt bụng đã nổi tiếng trên mạng xã hội sau khi một cư dân mạng vô danh đăng tải một video ghi lại cảnh bà Susanna ngăn khách hàng mua quá nhiều hàng hóa lên Twitter và Instagram.

Cư dân mạng đã tung hô và hết sức ủng hộ hành động này.

Bảo vệ người bệnh và tính trung thực của thông tin

Mọi người cũng ca ngợi Anis Hidayah - một hàng xóm của 2 bệnh nhân nhiễm Covid-19 đầu tiên ở Depok và cũng là một nhà hoạt động của tổ chức Migrant Care - vì đã bảo vệ quyền riêng tư của hàng xóm trong một bình luận trên Facebook.

"Xin hãy dừng ngay việc liên tục ghi hình khu nhà ở của chúng tôi. Đủ rồi!", Anis bày tỏ sự thất vọng của cô về đài truyền hình địa phương TV One.

Cô tiếp tục bảo vệ các bệnh nhân, người mà cô mô tả là một giảng viên đáng kính và một vũ công người Java chuyên nghiệp có thành tích quốc tế.

Anis cũng khẳng định rằng cơn khát thông tin của công chúng đã khiến các phương tiện truyền thông đưa tin sai sự thật về khu phố. Cô và các cư dân đã đe dọa sẽ tố cáo các trường hợp tuyên truyền thông tin sai lệch lên Hội đồng báo chí.

mua sam,  tich tru,  tap hoa,  nhan dao,  phong benh,  lay lan,  truyen thong,  thong tin,  duong tinh anh 4

Cơn khát thông tin của công chúng đã khiến các phương tiện truyền thông đưa tin sai sự thật về khu phố. Ảnh: The Jakarta Post.


"Hãy ngừng ngay việc soi mói đời tư bệnh nhân. Ngừng lan truyền hình ảnh của bệnh nhân”, nhà hoạt động xã hội của Migrant Care lên tiếng.

Không bao lâu sau khi chính phủ công bố các trường hợp được xác nhận dương tính, thông tin cá nhân và hình ảnh của họ xuất hiện tràn lan trực tuyến, với nguồn gốc không rõ ràng.

Bộ Y tế đã phủ nhận trách nhiệm cho việc rò rỉ thông tin.

“Con người được sinh ra với bản năng sinh tồn, tự nhiên thích ứng và đấu tranh bài trừ khi gặp nạn. Họ có xu hướng đặt lợi ích cá nhân của mình lên trước người khác khi xử lý các tình huống khó khăn”, Daisy Indira Yasmine - một nhà xã hội học tại Đại học Indonesia - cho biết.

Nỗi sợ hãi cũng khiến những người hoảng loạn tiếp nhận mọi thứ họ nghe về căn bệnh này, cho dù đó là thông tin đáng tin cậy hay thông tin sai lệch, ngay cả khi nó làm tổn hại đến quyền riêng tư của người khác, cô nói thêm.

Tuy nhiên, chuyên gia xã hội học nhấn mạnh: “Xuất phát từ bản năng không phải là một lý do để chúng ta biện minh cho hành vi ích kỷ của mình. Đối với trường hợp này, chính phủ nên trấn an mọi người bằng cách cung cấp thông tin chính thống về căn bệnh, cách mọi người có thể đối phó với dịch bệnh hiệu quả nhất”.

Đáng ngại hơn virus corona, sinh viên Trung Quốc lo sợ thất nghiệp

Dịch Covid-19 cùng các tác động nặng nề lên nền kinh tế Trung Quốc khiến cơ hội việc làm cho sinh viên mới ra trường vốn đã mong manh, lại càng khắc nghiệt hơn.

Ánh Nguyệt

Bạn có thể quan tâm