Sự im lặng, bưng bít thông tin có thể hủy hoại hình ảnh của trường học. Ảnh: Freepik. |
Thời gian vừa qua, dư luận liên tục tranh luận về vụ lùm xùm tại một trường phổ thông cao đẳng, liên quan mâu thuẫn giữa giảng viên, sinh viên và người nhà sinh viên. Việc nhà trường đuổi việc giảng viên, rồi lại cho giảng viên quay lại làm việc, liên tục bị đưa ra mổ xẻ.
Đọc những bài viết, bài báo liên quan vụ việc này, tôi thấy rằng nhà trường mắc rất nhiều lỗi trong việc xử lý khủng hoảng truyền thông. Và tôi tin rằng đây cũng là bài học cho các trường học khác để có phương án xử lý khủng hoảng nhanh chóng, hợp tình hợp lý hơn.
Xử lý không khéo sẽ đẩy mọi chuyện đi xa
Câu chuyện xử lý khủng hoảng truyền thông ở ngôi trường này mắc khá nhiều lỗi và chính những lỗi này đã đẩy mọi chuyện đi quá xa so với dự tính của nhà trường. Lỗi thứ nhất là trường chưa tìm hiểu thông tin từ nhiều phía mà chỉ tiếp nhận thông tin từ gia đình sinh viên.
Đáng lẽ rằng trước khi “đẩy” thông tin ra ngoài, nhà trường nên tìm hiểu thông tin đa chiều hơn từ những người trong cuộc, cụ thể là giảng viên và cả những sinh viên học lớp đó.
Cái lỗi thứ hai mà nhà trường mắc phải là chậm. Chậm ở đây không có nghĩa là chậm đưa ra thông cáo báo chí mà là chậm trễ trong việc thừa nhận có vụ việc như vậy xảy ra.
Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là khi nhà trường có một vụ việc bắt đầu nhen nhóm, dù chưa tìm được giải pháp, nhà trường cũng nên có một thông báo nhanh chóng trên kênh chính thống của trường, ví dụ như website hoặc Facebook. Trong thông báo này, trường cần thông tin rằng nhà trường đã tiếp nhận vụ việc và cam kết sẽ điều tra, làm rõ. Cách này sẽ giúp dư luận thấy được nhà trường không thờ ơ với những khủng hoảng xảy ra trong môi trường giáo dục.
Thứ ba, nhà trường đang mắc lỗi trong việc hạn chế cung cấp thông tin đến mọi người. Khi những chuyện như vậy xảy ra, đáng lẽ nhà trường nên thông báo trên các trang thông tin chính thức của trường, hoặc tổ chức một buổi họp báo công khai.
Chưa dừng lại ở đó, cái lỗi lớn hơn của nhà trường chính là đuổi việc giảng viên để xử lý khủng hoảng, trong khi mọi chuyện vẫn chưa ngã ngũ. Hành động này của trường đẩy vụ việc lên cao trào, khiến mọi người cảm thấy bị kích động và bắt đầu đặt ra câu hỏi về vị thế của giảng viên và những câu hỏi sâu xa hơn về giáo dục, cách vận hành của nhà trường.
Mắc rất nhiều lỗi trong khâu xử lý khủng hoảng, nhưng tôi thấy nhà trường vẫn chưa rút ra bài học vì sau một vài ngày đuổi việc giảng viên, trường lại “quay xe”, đưa cô giáo đó trở lại làm việc. Tôi cảm thấy rất khó hiểu với những chuỗi hành động này của nhà trường, cũng không hiểu vì sao trường có thể đưa ra những quyết định như vậy.
Thạc sĩ Bùi Minh Đức chỉ ra một số bài học cho nhà trường trong công tác xử lý khủng hoảng truyền thông. Ảnh: NVCC. |
Ngoài việc xử lý khủng hoảng truyền thông bên ngoài, tôi cũng muốn đề cập một khía cạnh khác là xử lý khủng hoảng bên trong trường học. Khi một vụ việc xảy ra, nhà trường nên tổ chức một cuộc họp, hoặc có văn bản chính thức thông tin đến sinh viên, giảng viên khác trong trường để giúp mọi người cảm thấy yên tâm hơn.
Một giảng viên bị đuổi việc chỉ là một trường hợp nhỏ, nhưng nó có thể gây tác động đến toàn thể cán bộ, giảng viên trong trường. Có thể từ những trường hợp nhỏ đó, họ sẽ không còn cảm thấy yên tâm khi làm việc ở trường.
Nhìn chung, xử lý khủng hoảng truyền thông trong trường học là phải nhanh chóng, minh bạch, đa chiều. Nó không chỉ đơn giản là giải quyết những vấn đề đang diễn ra, mà còn gửi đi một thông điệp đến mọi người. Nếu xử lý không khéo, nó có thể đẩy đi những thông điệp sai, khiến mọi người có cái nhìn không đúng về hình ảnh của trường.
Cán cân quyền lực đang bị vênh
Cũng liên quan câu chuyện này, chúng ta có thể thấy rằng giảng viên đang không có nhiều tự do về không gian học thuật. Tôi lấy ví dụ trong vụ việc lần này, rõ ràng giảng viên đã đưa ra quy định về việc làm bài tập, bao gồm hạn nộp và cấm sử dụng AI, nhưng sinh viên vẫn không tuân thủ. Rõ ràng quy trình làm việc của cô giáo này đã được thông qua, nhưng cuối cùng, cô lại bị chất vấn ngược.
Nếu nhìn xa hơn, chúng ta có thể nhìn thấy một câu chuyện là giáo dục tư thục và giáo dục cao đẳng vẫn còn bị lệ thuộc khá nhiều vào vấn đề tài chính. Khi môi trường giáo dục chịu ảnh hưởng từ đồng tiền, cán cân quyền lực giữa sinh viên và giảng viên rất dễ bị vênh.
Chúng ta vẫn luôn kỳ vọng cán cân này luôn ở trạng thái cân bằng, hai bên có những nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, học sinh, sinh viên tôn trọng giáo viên, giảng viên và ngược lại, người đứng lớp cũng cần có những sự tôn trọng nhất định với người học. Nhưng tôi thấy có vẻ như hiện nay, khi vật chất bị đặt nặng hơn, quyền lợi của sinh viên được nâng cao hơn, thì cán cân ở phía giảng viên trở nên yếu dần.
Khi quyền lợi giảm, giảng viên sẽ phải làm nhiều cách để sinh viên và nhà trường hài lòng. Câu chuyện trong tuần vừa qua chính là một ví dụ điển hình, cho thấy rằng ở các trường tư thục, nguồn thu còn phụ thuộc nhiều vào học phí, giảng viên sẽ phải làm mọi cách để chiều lòng sinh viên, khiến các em cảm thấy thoải mái hơn.
Không riêng một trường hay một vụ việc cụ thể, nhiều trường tư thục khác cũng rơi vào trạng thái như vậy. Và có thể họ nghĩ rằng giáo viên luôn là yếu tố có thể thay thế dễ dàng.
Tôi không phủ nhận rằng trong thời đại này, nghề nào cũng có thể thay thế. Nhưng riêng trong môi trường giáo dục, nếu nhà trường coi trọng sinh viên hơn giảng viên, những người đứng lớp sẽ cảm thấy bất mãn và họ không còn an tâm trong chính nơi vẫn luôn đề cao tôn sư trọng đạo. Vì vậy, tôi vẫn mong rằng, ở các trường học, chúng ta vẫn cần duy trì mối quan hệ cân bằng giữa giảng viên và sinh viên, đôi bên tôn trọng lẫn nhau để tránh xảy ra những câu chuyện đáng tiếc như vụ việc vừa qua.
Vụ việc tại ngôi trường tôi nhắc đến cũng là bài học cho các giảng viên khi giao tiếp, trao đổi với sinh viên. Ảnh: Shutterstock. |
Bài học kinh nghiệm cho các giảng viên
Nói đi cũng phải nói lại, tôi nghĩ rằng vụ việc vừa qua cũng sẽ là một bài học để giảng viên có thể cải thiện trong công tác dạy học. Bài học mà tôi muốn đề cập ở đây chính là việc công khai điểm của sinh viên trước lớp và cách giao tiếp với sinh viên.
Đầu tiên là về việc công khai điểm của sinh viên trong nhóm lớp. Vấn đề này không phải điểm mấu chốt để kết luận giảng viên sai hay đúng, nhưng sẽ là điểm cần lưu ý để tránh đẩy mọi chuyện đi xa hơn.
Tại Việt Nam, việc công khai điểm của học sinh trước lớp không phải chuyện xa lạ. Bản thân tôi không khuyến khích việc này, nhưng chúng ta cần có cái nhìn rộng hơn, vì để thay đổi được một thói quen của ngành giáo dục, chúng ta cần có những biện pháp phù hợp, thay vì tập trung chỉ trích một giảng viên.
Điều thứ hai là cách giao tiếp, trao đổi giữa giảng viên và sinh viên. Những năm gần đây, nhà giáo và học trò có nhiều không gian để trao đổi trên mạng xã hội. Thực ra, những không gian mạng này cũng giống như một lớp học, giảng viên nhận xét bài của sinh viên trong nhóm chat cũng giống như nhận xét trực tiếp trước lớp, chỉ khác một điều là mọi người có thể chụp màn hình tin nhắn trong nhóm chat và đưa ra ngoài.
Vì sao tôi lại đề cập đến cách giao tiếp, vì ngôn ngữ qua tin nhắn có thể sẽ có những sắc thái rất khác so với nói chuyện trực tiếp. Khi trao đổi mặt đối mặt, chúng ta có thể nhìn rõ những biểu cảm của người đối diện, để biết họ đang cảm thấy thế nào. Nhưng khi trao đổi qua tin nhắn, chúng ta chỉ đọc được chữ và đôi khi không hiểu hết những cảm xúc mà đối phương truyền đạt.
Theo đó, tôi nghĩ rằng thay vì nhận xét bài làm của học sinh trong nhóm chat, giảng viên có thể chọn một phương án phù hợp hơn là nhận xét bài trên file chung rồi gửi cho lớp, hạn chế đôi co với sinh viên trên các nền tảng nhắn tin, cũng không cần phải giải thích gì thêm.
Nói tóm lại, giảng viên và sinh viên gần gũi với nhau là tốt, nhưng cũng cần có ranh giới nhất định và tránh vượt qua điều đó. Tôi tin rằng khi nhà giáo và học trò có ranh giới rõ ràng, mọi người sẽ có thể tránh được những sự cố, vấn đề không đáng có khi trao đổi và giao tiếp trong môi trường học thuật.
Sách về nghề giáo
Nếu độc giả có hứng thú với nghề giáo - một nghề nghiệp đặc biệt và đang trải qua những biến động lớn, mục Giáo dục giới thiệu một số lựa chọn:
Xin được nói thẳng (GS Hoàng Tụy) và Ước vọng cho học đường (GS Huỳnh Như Phương): Cuốn sách của hai nhà giáo tiên phong tại Việt Nam với nhiều suy nghĩ và những trăn trở của hai ông về tương lai nền giáo dục nước nhà.
Nghề giáo qua các tác phẩm thiếu nhi nổi tiếng: Tình thầy trò trong các tác phẩm văn chương nổi tiếng khiến độc giả cảm động bởi các nhân vật đã làm được những việc lớn lao, vượt xa chức trách của một giáo viên.