Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Influencer Anh nhận tiền quảng cáo cho trường dù chưa từng theo học

Không phải sinh viên của trường nhưng lại tung hô chất lượng giáo dục, kêu gọi đăng ký nhập học, các ngôi sao mạng ở Anh bị chỉ trích là bất chấp nhận quảng cáo kiếm tiền.

Zing trích dịch bài đăng trên Vice, đề cập đến chuyện người có ảnh hưởng trên mạng xã hội tại Anh quảng bá, cam đoan chất lượng cho các trường đại học mà họ thậm chí chưa từng theo học, lên lớp tại đó.

Khi người mẫu Ambar Driscoll đăng tải trên Instagram hình ảnh mình mặc bộ đồ cử nhân và đạt thành tích học tập xuất sắc để quảng cáo cho Đại học Hull (Anh), phản ứng của người theo dõi diễn ra theo chiều hướng tiêu cực.

Trên thực tế, Ambar tốt nghiệp Đại học Exeter, cô không hề theo học tại Hull. Việc cô quảng bá, kêu gọi thanh thiếu niên đăng ký vào một ngôi trường mà bản thân không phải sinh viên tại đó bị cộng đồng mạng chỉ trích là sai trái.

Nhưng Ambar không phải là trường hợp duy nhất. Các bài đăng gắn mác nhà tài trợ, có nội dung quảng cáo cho các trường đại học khác nhau trên toàn Vương quốc Anh đang xuất hiện ngày một dày đặc.

sao mang quang cao cho ngoi truong minh khong theo hoc anh 1

Nhiều influencer tại Anh nhận tiền, hợp đồng quảng cáo cho các ngôi trường mà họ không phải là sinh viên tại đó.

Tung hô chất lượng trường dù không phải là sinh viên

Ruby Granger và Jack Edwards là chủ của kênh YouTube có hơn 200.000 người theo dõi, chuyên chia sẻ các mẹo học tập và cuộc sống đại học. Nhờ lượng "theo chân" đông đảo, họ trở thành đối tượng tiếp thị tiềm năng mà các trường đại học không thể bỏ lỡ.

Trên thực tế, việc các ngôi sao quảng bá sản phẩm họ chưa từng dùng qua, đánh giá chất lượng không còn lạ lẫm. Nhưng việc quảng cáo cho các cơ sở giáo dục, điều có thể ảnh hưởng đến tương lai của nhiều người, lại là một vấn đề khác.

“Những người có ảnh hưởng trên mạng gây tác động lẫn lộn. Nhiều người đưa ra lời khuyên bổ ích, nhưng cũng không thiếu trường hợp đưa ra các kỳ vọng không đúng thực tế, gây hiểu lầm cho người theo dõi”, Benedict Holmes - cựu giám đốc của Durham University’s Nightline, một dịch vụ tâm sự ẩn danh dành cho sinh viên ở Anh - cho biết.

“Điều này có thể trở nên tồi tệ hơn khi các trường đại học tích cực tán thành nội dung này, khi một người nổi tiếng được trả tiền để nói bạn nên làm việc như thế nào, nên theo học tại đâu”, ông nói thêm.

sao mang quang cao cho ngoi truong minh khong theo hoc anh 2

Hành động quảng cáo cho trường dù không theo học bị cộng đồng mạng chỉ trích là bất chấp để có tiền.

Việc cam đoan chất lượng đào tạo của mỗi trường dù không hề là sinh viên tại đó bị chỉ trích là bất chấp vì tiền. Ngoài ra, nỗi lo người trẻ dễ dàng tin theo những gì người có ảnh hưởng nói còn đáng lo ngại hơn.

Tiến sĩ tâm lý học Oliver Sindall cho rằng điều này dựa trên ba yếu tố: sự hấp dẫn, đáng tin cậy và sự tương đồng.

“Khi tôi hỏi những người trẻ tại sao họ tin rằng những influencer trên mạng sẽ đưa ra mọi quyết định đúng đắn trong cuộc sống, họ sẽ chỉ vào số lượng người follow. Càng đông người theo dõi, tiếng nói của ngôi sao mạng càng có sức nặng. Sự tín nhiệm mà giới trẻ đặt vào những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội khiến nhóm người này có tác động lớn hơn so với quảng cáo truyền thống", Sindall cho hay.

"Đó là cách tôi kiếm tiền mỗi tháng"

Về phía các influencer, nhiều người khẳng định đã nghiên cứu kỹ lưỡng từ trước rồi mới nhận hợp đồng quảng cáo.

“Đối với tôi, đây là một giao dịch kinh doanh. Tuy nhiên, tôi khá kén chọn các thương hiệu. Tôi sẽ không bao giờ quảng cáo cho nơi mà tôi không tin tưởng. Mặc dù không học ở Anglia Ruskin, nhưng với bản thân là người từng học tiếp sau đại học, tôi muốn cổ vũ mọi người đến trường tiếp”, Grace Bee - một trong nhiều influencer tham gia chiến dịch truyền thông do Đại học Anglia Ruskin (Anh) thực hiện - bày tỏ.

sao mang quang cao cho ngoi truong minh khong theo hoc anh 3

Vấp phải chỉ trích, các sao mạng tại Anh khẳng định họ đều nghiên cứu kỹ từ trước và chỉ nhận lời quảng cáo vì thấy tin tưởng.

Tương tự, Jasmine (29 tuổi), người theo học Đại học Nottingham, đồng ý rằng việc hợp tác với Anglia Ruskin là "một hợp đồng mua bán thuần túy", nhưng cô khẳng định mình “sẽ không quảng cáo cho bất cứ điều gì mà không có niềm tin thực sự".

Còn với người mẫu kiêm người sáng tạo nội dung Aliyah Rahal, việc nhận hợp đồng quảng cáo đơn thuần là cách cô kiếm tiền mỗi tháng.

“Tôi không bao giờ chấp nhận làm việc với đối tác mà không nghiên cứu từ trước hay đề xuất một sản phẩm, dịch vụ mà bản thân không yêu thích. Làm influencer là công việc toàn thời gian của tôi. Vì vậy, việc giành được và duy trì sự tin tưởng của những người theo dõi vô cùng quan trọng”, người có hơn 56.000 lượt theo dõi trên Instagram, nói.

“Các ngôi sao mạng chúng tôi làm việc cùng không chỉ quảng cáo, họ còn nói về kinh nghiệm và trình độ đại học đã giúp thay đổi cuộc sống ra sao. Tất cả bài đăng đều do các cá nhân tự viết và được đánh dấu rõ ràng bằng thẻ 'tài trợ', tập trung vào lợi ích rộng lớn hơn của việc học đại học”, người phát ngôn của Đại học Anglia Ruskin cho hay.

Theo tiến sĩ Jeffrey M. Cohen - nhà tâm lý học tại Trung tâm Y tế Đại học Columbia, việc cam đoan chất lượng giáo dục chỉ được thể hiện qua lời nói của các sao mạng - những người tin rằng họ không dối trá khi nhận tiền quảng cáo dù chưa từng tham dự bất cứ một lớp học, sự kiện nào của ngôi trường đó.

“Dù quan điểm của bạn về vấn đề có là gì thì tính thương mại hóa vẫn không thể phủ nhận. Dùng người có ảnh hưởng để lôi kéo học sinh đăng ký nhập học chỉ là hình thức truyền thông mới nhất của nhiều trường đại học. Trong khi đó, lớp trẻ có thể không dễ dàng phát hiện ra đâu là quảng cáo cũng như chưa đủ khả năng phản ánh, phê bình hành động của các influencer", tiến sĩ đánh giá.

Đời tư thị phi của con gái tỷ phú hãng Topshop

Chuyện tình của Chloe Green, con gái ông chủ hãng thời trang Topshop với nam người mẫu Jeremy Meeks, từng tốn nhiều giấy mực của báo giới vì xuất phát của cả hai chênh lệch.

Vợ chồng TikToker bị tẩy chay vì giả vờ chết để câu like

"Anh ấy không còn ở bên chúng tôi nữa", người vợ nói trong nước mắt. Thực tế, chồng cô chỉ giả vờ chết để thu hút sự chú ý của dân mạng.

Hiền Thy

Bạn có thể quan tâm